• Zalo

Luật sư nói Dương Chí Dũng phạm tội do cơ chế

Pháp luậtThứ Năm, 24/04/2014 12:08:00 +07:00Google News

Nhận định về điều kiện khách quan của hành vi phạm tội, một số luật sư cho rằng các bị cáo phạm tội là do cơ chế.

Sáng 24/4, phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Dương Chí Dũng và đồng phạm tiếp tục diễn ra. Các luật sư đang bào chữa cho các bị cáo.

Nhận định về điều kiện khách quan của hành vi phạm tội, một số luật sư cho rằng các bị cáo phạm tội là do cơ chế.

Luật sư Nguyễn Đình Hưng (bào chữa cho bị cáo Trần Hải Sơn, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines) đề nghị HĐXX đánh giá hành vi của tội tham ô, hồ sơ vụ án không thấy chứng cứ khách quan của tội này ngoại trừ khoản tiền 1,666 triệu USD được gửi về Việt Nam và các bị cáo đã chia nhau.
Dương Chí Dũng được dẫn tới tòa lúc 7g, sớm nhất, ngồi nói chuyện với một chiến sĩ bảo vệ 

Theo luật sư Hưng, bản án nhận định xuất phát từ hợp đồng mua ụ nổi 9 triệu USD, Vinalines đã thanh toán xong số tiền. Số tiền đó đã thoát ra khỏi Vinalines và qua sổ sách chứng từ không thấy quay trở lại. Số tiền tham ô đó trong 9 triệu USD, nằm trong tội cố ý làm trái, vậy thì không thể nằm trong tội tham ô được nữa.

Luật sư Hưng cho rằng một hành vi khách quan được xác định cho hai tội danh là không có cơ sở. Khoản tiền các bị cáo chia nhau là trục lợi bất chính từ hành vi cố ý làm trái.

“Về hậu quả của tội phạm, các tài liệu kết luận thiệt hại của vụ án này là hơn 366 tỷ đồng. Về mặt logic, số tiền 1,666 triệu USD nằm trong 9 triệu USD đã được Vinalines chuyển đi khi mua ụ nổi. Nếu số tiền này đã tính vào tiền tham ô thì phải trừ vào hậu quả của tội cố ý làm trái cho các bị cáo”- Luật sư Hưng nói.

“Chúng tôi trăn trở nhất là vẫn còn một ụ nổi được kéo về VN và vẫn còn nằm ở đó. Dù có bán sắt vụn cũng có một khoản tiền không hề nhỏ. Giờ đi dọc bờ biển VN có rất nhiều tàu cũ phải phá dỡ, những con tàu đó giá cũng hàng trăm tỉ. Tất nhiên sai lầm vẫn phải nhận tội. Tuy nhiên, ta chấp nhận khoản tiền thiệt hại 366 tỷ thì phải trừ số tiền là giá trị của ụ nổi còn nằm ở đó ra”- Luật sư Hưng kiến nghị.

Theo luật sư Hưng tội cố ý làm trái trong vụ án này là do cơ chế, thiếu văn bản, thiếu quy định của pháp luật chặt chẽ. Nhiều cấp thứ trưởng, bộ trưởng vẫn mơ hồ giữa khái niệm ụ nổi và tàu. “Các quyết định hầu hết đều nhân danh Hội đồng Quản trị Vinalines, đây là tổ chức hợp pháp được thành lập. Những nghị quyết sai thì bắt cá nhân từng người chịu, đây là tội do cơ chế sinh ra".

Bộ GTVT, Văn phòng chính phủ cũng xác định trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể lúc đó thì sửa chữa tàu biển như một cơn sốt, nhu cầu vận tải đường biển rất cao khiến các bị cáo lập nhà máy sửa chữa. Ngoài ra, hoạt động rất lớn này còn có sự chi phối của rất nhiều cơ quan bỏ ngỏ trong quản lý. Chúng tôi nhìn nhận đây là vụ án lớn, đòi hỏi tòa phải có phán quyết tầm quốc gia và quốc tế”- Luật sư Hưng nói

Đồng tình với luật sư Hưng, luật sư Phạm Thanh Sơn, bào chữa cho bị cáo Trần Hữu Chiều (nguyên phó tổng giám đốc Vinalines) cho rằng các bị cáo phạm tội do cơ chế. Các bị cáo tiếp nhận công việc cũng không hiểu hết về công việc. Về chủ quan, dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam đã được Chính phủ đã phê duyệt. Các bị cáo thực hiện là đúng vai trò, không có dấu hiệu làm trái.

Đánh giá về các chứng cứ của tội tham ô tài sản, luật sư Sơn cho rằng chứng cứ rất mờ nhạt, chưa thể xác định được khoản tiền tham ô như thế nào. “Hiện nay không có văn bản thẩm định giá trị thiệt hại của ụ nổi. Toàn bộ ụ nổi vẫn còn, tức là nó còn giá trị. Cần căn cứ vào giá trị còn lại của ụ nổi để giảm thiệt hại cho các bị cáo. Đề nghị HĐXX hủy án sơ thẩm đối với tội tham ô, chuyển hồ sơ điều tra bổ sung vì không đủ chứng cứ”- Luật sư Sơn kiến nghị.

Xem clip:

VTC1

Theo Tuổi trẻ

Bổ ích

Xúc động

Sáng tạo

Độc đáo

Phẫn nộ
Bình luận
vtcnews.vn
Cùng chuyên mục
Tin mới