Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu vẫn đang tiếp tục cuộc chiến pháp lý chống lại lệnh dẫn độ từ Canada về Mỹ kể từ khi bị bắt hơn 2 năm trước.
Bà Mạnh bị Ottawa bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ hồi đầu tháng 12/2018 với cáo buộc lừa dối ngân hàng HSBC về mối quan hệ giữa Huawei với một công ty ở Iran, vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ đối với quốc gia Trung Đông này.
Để được tự do, bà Mạnh và các luật sư phải thuyết phục thẩm phán rằng các cáo buộc của Mỹ nhằm vào bà là không phù hợp với luật pháp Canada và có động cơ chính trị.
Theo luật sư Gary Botting, chuyên gia về luật dẫn độ của Canada, các phiên tòa liên quan tới dẫn độ thường rất phức tạp. Hiện tại đội ngũ pháp lý của bà Mạnh đang cố gắng đưa ra các lập luận để chấm dứt toàn bộ đề nghị dẫn độ sang Mỹ của Washington.
“Canada thường gặp khó khăn khi giải quyết các vụ việc liên quan tới dẫn độ. Đó là do khi được các nước láng giềng yêu cầu, Canada thường làm điều đó. Trong hơn 90% các vụ dẫn độ mà tôi từng thực hiện, Mỹ là bên đưa ra đề nghị dẫn độ và hầu như trong tất cả các trường hợp, Canada đều chấp nhận đề nghị đó”, vị luật sư cho hay.
Tuy nhiên, ông Gary lưu ý rằng, nếu Canada xem xét vụ việc và quyết định mình không có thẩm quyền với vụ việc này, sẽ không vướng mắc đến thỏa thuận dẫn độ, đồng nghĩa với việc bà Mạnh sẽ không bị dẫn độ về Mỹ.
Canada là một trong hơn 100 quốc gia có hiệp ước dẫn độ với Mỹ. Thực tế, một số nước ký hiệp ước với Mỹ không đồng ý dẫn độ công dân của chính nước mình hoặc dẫn độ người đối mặt với án tử hình.
Hiệp ước giữa Mỹ và Canada quy định dẫn độ được thực hiện khi người bị bắt được coi là tội phạm ở cả hai quốc gia. Sau khi có tài liệu, tòa án Canada phải xác định liệu có đủ bằng chứng cho thấy bị cáo cần bị dẫn độ hay không. Bộ trưởng Tư pháp nước này sau đó ra quyết định liệu có bàn giao người này cho nước yêu cầu hay không.
Theo ông Gary, trước khi đưa ra quyết định này, người đứng đầu Bộ Tư pháp Canada phải xem xét vấn đề như việc có xuất hiện yếu tố vi phạm luật quốc tế hay không và liệu có dấu hiệu chính trị hóa vụ việc hay không.
"Hiện tại câu chuyện vẫn dừng lại ở tòa án và ở đây, họ đang xác định liệu các cáo buộc đối với bà Mạnh có phải là hành vi vi phạm luật pháp của Canada hay không", ông cho biết. Cũng có khả năng tòa sẽ quyết định những cáo buộc về bà Mạnh là sai trái. Khi đó, họ sẽ đưa ra khuyến nghị cho Bộ Tư pháp.
Tuy nhiên, ông Gary lưu ý, với những diễn biến cho tới nay, đội ngũ pháp lý của bà Mạnh vẫn chưa đưa được ra các lý do hợp lý để thuyết phục các thẩm phán của Canada bác các cáo buộc chống lại bà Mạnh.
Cũng theo vị luật sư dẫn độ Canada, có vẻ như Ottawa đang hợp tác chặt chẽ với những cơ quan tố tụng của Mỹ và đây là cũng là các lập luận chính mà phía luật sư của bà Mạnh dựa vào.
Vị luật sư khẳng định mục đích của dẫn độ không phải phục vụ lợi ích quốc gia. Nguyên tắc là bên yêu cầu phải chứng minh cho bên được yêu cầu rằng hành vi do người bị dẫn độ thực hiện được định danh là hành vi vi phạm quy định của pháp luật hai quốc gia yêu cầu và bị yêu cầu dẫn độ.
Hồi tháng 5/2020, một thẩm phán Canada đứng về phía công tố, phán quyết rằng cáo buộc "lừa gạt ngân hàng" của bà Mạnh Vãn Chu tại Mỹ cũng là hành vi phạm pháp tại Canada. Theo đó, vụ án bà Mạnh phù hợp với tiêu chuẩn định danh tội phạm kép và việc dẫn độ bà Mạnh sẽ tiếp tục được xem xét.
Tuy nhiên, luật sư của bà Mạnh khẳng định việc dẫn độ thân chủ của họ không phù hợp với tiêu chuẩn định danh tội phạm kép của Canada.
Mặc dù vậy, từ kinh nghiệm đúc rút nhiều năm qua, ông Gary cho biết rất hiếm có trường hợp các thẩm phán của Canada gỡ bỏ các cáo buộc đối với những người bị đưa ra xét xử.
Một trong các vấn đề mà nhóm luật sư bà Mạnh đưa ra là lo ngại bà có nguy cơ bị nhiễm COVID-19 từ những người bảo vệ được giao trọng trách giám sát các hoạt động của bà.
"Đó cũng có thể là cơ sở giúp bà Mạnh cũng như các luật sư đề nghị nộp tiền đặt cọc để tại ngoại", ông Gary cho hay, nói thêm rằng việc đeo vòng giám sát có thể là một gánh nặng với CFO của Huawei.
Lập luận bảo vệ bà Mạnh Vãn Chu
Tại các phiên điều trần trong năm qua, đội ngũ pháp lý của bà Mạnh vẫn tiếp tục khai thác sâu vào cáo buộc của họ cho rằng Cơ quan dịch vụ biên giới Canada (CBSA) đã vi phạm quy trình xử lý và việc bắt giữ bà Mạnh tại sân bay đã vi phạm quyền dân sự của bà.
Cùng với đó, họ khẳng định các cơ quan chức năng của Canada đã thực hiện những trao đổi không phù hợp với các đối tác Mỹ, trong đó có việc chia sẻ những thông tin chi tiết liên quan đến các thiết bị điện tử cá nhân của bà Mạnh.
"Thực tế đã có việc CBSA trì hoãn cũng như cảnh sát Canada cung cấp thông tin cho Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI). Tuy nhiên cơ quan này hoàn toàn có thể lập luận rằng họ từng hợp tác với FBI nhiều lần và trường hợp của bà Mạnh giống như một quy trình thông thường. Theo tôi, không có nhiều cơ hội để bà Mạnh bám vào vấn đề này trong các phiên điều trần", ông Gary cho hay.
Về thông tin rất được quan tâm được truyền thông quốc tế đăng tải cuối năm 2020 về thỏa thuận "nhận tội" giữa nhóm luật sư của bà Mạnh và giới chức Mỹ, Gary cho rằng kể cả những thông tin này là sự thật thì những người đưa ra thỏa thuận trên cũng không có thẩm quyền để thực hiện điều đó.
Nguyên nhân theo ông là bởi thẩm phán mới là người ra quyết định. Nếu thẩm phán không đồng ý thì thỏa thuận này sẽ không thể thực hiện.
Vị luật sư Canada khuyên bà Mạnh nếu nhận được đề nghị không nên chấp thuận. Vì nếu chấp nhận, bà sẽ trở thành người có tiền án tiền sự. Không ai biết được điều đó có nghĩa là gì và nó sẽ ảnh hưởng ra sao tới tương lai của bà.
"Ví như nếu bà ấy có tiền án tiền sự hay hồ sơ tội phạm ở Mỹ rồi, rất có thể bà Mạnh sẽ không còn cơ hội trở lại Mỹ. Cũng có thể bà sẽ không còn được chào đón tại Canada. Tôi khuyên bà ấy không nên chấp nhận thỏa thuận. Bà Mạnh có cơ sở mạnh để chứng minh và khẳng định Mỹ không có thẩm quyền trong vụ việc này", ông Gary phân tích.
Trước đó, theo tờ Wall Street Journal, giới chức Mỹ đã thảo luận với Huwei về việc để bà Mạnh trở về Trung Quốc. Tờ báo Mỹ khẳng định theo "thỏa thuận miễn truy tố" với Bộ Tư pháp Mỹ, bà Mạnh sẽ nhận một số tội danh gian lận liên quan đến các vi phạm của Huawei. Bà Mạnh được cho là do dự với thỏa thuận này.
Bình luận