Vụ án nhóm hiệp sĩ bị đâm chết khi đang bắt kẻ trộm xe SH ở Sài Gòn gây xôn xao dư luận, nhiều người bày tỏ thương tiếc và cảm phục trước hành động quả cảm của các hiệp sĩ, nhưng cũng có không ít những ý kiến "trái chiều".
Nhiều người cho rằng, không nên cổ vũ các "hiệp sĩ" bởi vì việc làm của họ là sai luật và đẩy chính bản thân mình lẫn người xung quanh vào vòng nguy hiểm.
Ở đây, tôi có quan điểm hơi khác. Khoản 3 Điều 4 BLHS năm 2015, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: “Mọi công dân có nghĩa vụ tích cực tham gia phòng, chống tội phạm”.
Khoản 2 Điều 5 BLTTHS năm 2015 quy định: “Tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác, báo tin về tội phạm; tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm”.
Và khoản 1 Điều 111 BLTTHS năm 2015 quy định: “Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt…”.
Với những quy định trên, hành động bắt trộm của nhóm hiệp sĩ Tân Bình ngoài việc phù hợp đạo đức, còn được xác định là hoàn toàn hợp pháp.
Hiện nay, tình hình tội phạm có chiều hướng diễn biến phức tạp. Đạo đức xã hội đang có chiều hướng xấu, do mặt trái của kinh tế thị trường tác động, mục đích kiếm tiền ngày càng phổ biến; các tệ nạn cờ bạc, ma túy cũng có liên quan chặt chẽ đến tình hình tội phạm cướp, giết, trộm.
Đa số người dân còn thờ ơ, có phần vì công tác bảo vệ nhân chứng, người tố giác chưa tốt nên người dân e ngại bị lộ, bị trả thù. Trách nhiệm phòng ngừa tội phạm của một số lực lượng, một số ngành chưa tốt.
Vì thế, công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trong tình hình hiện nay theo tôi rất cần sự chung tay của toàn xã hội, của người dân. Nhưng để đạt được sự chung tay rộng lớn trong thời gian ngắn là rất khó.
Nên, trước mắt cần nhân rộng và huy động lực hiệp sĩ xung phong đi đầu trong công cuộc đấu tranh, phòng chống tội phạm cùng với lực lượng công an.
Họ tham gia cùng lực lượng công an sẽ tốt hơn cho tình hình an ninh trật tự và hoạt động của họ sẽ được hợp pháp hóa. Hay nói cách khác, Nhà nước nên ban hành cơ sở pháp lý cho các nhóm hiệp sĩ hoạt động.
Bởi theo tôi, nếu chúng ta không huy động họ thì thật là đáng tiếc, bỏ qua một lực lượng dũng cảm vì bình yên của xã hội. Không huy động họ, khi thấy tội phạm họ vẫn truy bắt, là vì họ cảm thấy bất bình, vì họ nghĩa hiệp.
Hành động đó của họ cũng là hợp pháp theo các căn cứ pháp lý nêu trên. Nhưng khi có hậu quả xảy ra cho họ thì họ không được chế độ, chính sách gì, họ không được xem là người đang thi hành công vụ.
Nếu được công an huy động, thì họ được xem là người đang thi hành công vụ, ắt sẽ có chế độ, chính sách cho bản thân họ và gia đình họ.
Phương thức hoạt động của các đội hiệp sĩ có thể thực hiện theo cách hiệp sĩ đăng ký tham gia cùng công an truy bắt tội phạm.
Công an sẽ sàng lọc danh sách, chấp nhận những ai. Sau đó, khi cần huy động tuần tra, truy bắt tội phạm thì có văn bản huy động của người có thẩm quyền.
Khi họ đi cùng công an thì sẽ có có lực lượng chính quy, có vũ khí, công cụ hỗ trợ trấn áp tội phạm ngay từ đầu, các đối tượng thấy công an xuất hiện cùng vũ khí quân dụng hoặc công cụ hỗ trợ thì sẽ ít có tâm lý chống trả, dễ bị tê liệt ý chí tấn công, bảo đảm an toàn cho lực lượng truy bắt cũng như người dân xung quanh.
Cuối cùng, tôi nghĩ hành động của các hiệp sĩ là đáng được tuyên dương và đáng được ghi nhận.
Họ chỉ là những người dân bình thường trong tay không hề có vũ khí, nhưng tình nguyện quả cảm chiến đấu với tệ nạn trộm cắp, cái xấu, cái ác trong xã hội, họ là hiện thân tinh thần nghĩa hiệp, xả thân vì cộng đồng, là những anh hùng thực sự.
Bình luận