Công ty luật TNHH Trương Anh Tú vừa mới có bản kiến nghị gửi Quốc hội Khóa XIV về vấn đề "Thực trạng và giải pháp trong quản lý Condotel tại Việt Nam".
Vấn đề “Condotel” nằm trong nhóm vấn đề thứ hai được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Đó là lĩnh vực xây dựng, trong đó bao gồm các vấn đề quản lý thị trường bất động sản, xử lý bất cập trong quản lý nhà chung cư, căn hộ du lịch (codotel), biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp cư trú; công tác quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đô thị, việc di dời trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô thành phố. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà chịu trách nhiệm chính trong trả lời nội dung này.
Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Lawfirm (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) cho hay, thời gian qua, ông và các cộng sự đã trực tiếp tiếp cận với quan hệ mua bán, chuyển nhượng “Condotel” và đã có nhiều kiến nghị, bài viết, tham luận hội thảo về tính pháp lý của loại hình “Condotel” theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Trước việc Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp này, văn phòng luật sư Trương Anh Tú đã có Kiến nghị gửi đến Quốc hội, để đóng góp ý kiến về thực trạng và giải pháp trong việc xây dựng quy phạm pháp luật để quản lý “Condotel”, trong bối cảnh hiện nay.
Theo luật sư Tú, thời gian qua, Việt Nam đang trở thành điểm nóng phát triển của loại hình Condotel. Thống kê cho thấy, năm 2016, tổng nguồn cung căn hộ Condotel đã lên đến con số 16.000 căn. Sản phẩm Condotel vẫn đang đà “tăng tốc” khi trong giai đoạn 2017-2019, dự báo trung bình mỗi năm sẽ còn có thêm khoảng 27.000 - 29.000 căn hộ được mở bán để cung ứng cho phân khúc này.
Số liệu từ Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho biết, tỷ lệ căn hộ Condotel tại Việt Nam hiện đã chiếm 56%, trong lúc tỷ lệ phòng khách sạn truyền thống chỉ chiếm 44%.
Các dự án Condotel tập trung tại các khu vực ven biển, hải đảo như Vân Đồn, Hạ Long, Sầm Sơn, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Mũi Né, Phú Quốc...
Trong đó, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc được đánh giá là 3 địa bàn đang phát triển nóng. Đây là những khu vực “đắc địa”, ngành du lịch phát triển mạnh mẽ nhất trong cả nước, thu hút lượng lớn khách du lịch do đó trở thành điều kiện tiên quyết để tạo ra lợi nhuận cho các chủ sở hữu Condotel.
Tuy nhiên, theo luật sư Trương Anh Tú, chính vì sự phát triển nóng của loại hình bất động sản Condotel, dẫn đến việc xây dựng tràn lan, khó kiểm soát cùng với hàng loạt những tranh chấp như tranh chấp tại Condotel Bavico (Nha Trang) và thực tế, đến nay hầu như rất ít căn hộ Condotel được cấp “sổ hồng” như cam kết của các chủ đầu tư.
Trước áp lực về nhu cầu cấp “sổ hồng” cho các căn hộ Condotel, được biết, cơ quan có thẩm quyền tỉnh Khánh Hoà đã thí điểm cấp “Sổ hồng” cho các căn hộ Condotel tại Khánh Hoà với mục đích “đất ở không hình thành đơn vị ở”.
Đây không phải là giải pháp đúng, thậm chí gây nhiều phức tạp cho công tác quản lý về đất đai, dân cư và tiềm ẩn rủi ro cho người dân và xã hội. Do đó, cần định vị góc nhìn pháp luật để quản lý hoạt động này.
Luật sư Trương Anh Tú cho hay, cần quản lý Condotel như quản lý loại hình khách sạn, chỉ khác ở tính đặc thù.
“Condotel là phòng khách sạn được xây dựng theo kết cấu của căn hộ chung cư, để phục vụ cho mục đích kinh doanh du lịch. Một khi khái niệm này được thống nhất và thừa nhận chung thì mọi hành vi, quan điểm, luật pháp của chúng ta phải được xây dựng trong khuôn khổ của nó.
Sẽ không phát sinh rủi ro cho xã hội và người dân, nếu chủ sở hữu khách sạn hay một doanh nghiệp thuê lại khách sạn để kinh theo quy định.
Chỉ khi, chủ đầu tư của dự án “mở bán” Condotel cho các cá nhân có nhu cầu sử dụng, “đầu tư” vào loại hình này thì mới phát sinh vấn đề từ việc Công nhận quyền sở hữu của người “mua” đối với Condotel, cho đến quản lý cư trú, quy hoạch đô thị, quyền nghĩa vụ các bên trong giao dịch...”, luật sư Tú nhấn mạnh.
Bình luận