Liên quan đến việc 2 hiệp sĩ Nguyễn Hoàng Nam và Nguyễn Đăng Thôi thiệt mạng khi săn bắt cướp tại quận 3 (TP.HCM) đang gây xôn xao dư luận, trả lời PV VTC News, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, đây là những tấm gương vì xã hội mà quên thân, cần xét phong liệt sĩ cho hai hiệp sĩ thiệt mạng.
“Về nguyên tắc, công dân được làm những gì pháp luật không cấm. Trách nhiệm tham gia phòng chống tội phạm là nghĩa vụ của công dân”, luật sư Thơm cho biết.
Hiệp sĩ tham gia phòng chống tội phạm cũng như mọi công dân nói chung đều có quyền bắt giữ người có hành vi phạm tội quả tang và áp giải ngay đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, dù cho các Hiệp sĩ đang thực hiện một công việc vì nghĩa vụ công dân (như bắt giữ kẻ phạm tội đang chạy trốn) tuy không phải là người thi hành công vụ, nhưng vì thực hiện công việc đó mà hiệp sĩ bị giết, thì những hiệp sĩ này cần thiết được hưởng chính sách như đối với người thi hành công vụ.
“Do đó, trong trường hợp các hiệp sĩ hy sinh vì lợi ích chung của xã hội, chúng ta cần phải phong liệt sĩ cho những tấm gương vì xã hội mà quên thân. Đó là sự tri ân của xã hội để đề cao tinh thần đấu tranh phòng chống tội phạm trong nhân dân”, luật sư Thơm nhận định.
Cũng theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, xét về điều kiện công nhận liệt sĩ, thấy rằng, các hiệp sĩ đang là người trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự; dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng và an ninh.
Các hiệp sĩ đang trực tiếp bắt quả tang các đối tượng có hành vi trộm cắp tài sản của công dân (Tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 BLHS 2015) nên thuộc diện công nhận xét liệt sĩ là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Điều 11, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng:
1. Liệt sĩ là người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của nhân dân được Nhà nước truy tặng bằng "Tổ quốc ghi công” thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu;
b) Trực tiếp đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận có tổ chức với địch;
c) Hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tra tấn vẫn không chịu khuất phục, kiên quyết đấu tranh hoặc thực hiện chủ trương vượt tù, vượt ngục mà hy sinh;
d) Làm nghĩa vụ quốc tế;
đ) Đấu tranh chống tội phạm;
e) Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân;
g) Do ốm đau, tai nạn khi đang làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
h) Thương binh hoặc người hưởng chính sách như thương binh quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 19 của pháp lệnh này chết vì vết thương tái phát.
Ngoài ra theo Nghị định 31/2013 Điều 17. Điều kiện xác nhận liệt sĩ:
1. Người hy sinh thuộc một trong các trường hợp sau được xem xét xác nhận là liệt sĩ:
a) Chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia;
b) Trực tiếp phục vụ chiến đấu trong khi địch bắn phá: Tải đạn, cứu thương, tải thương, đảm bảo thông tin liên lạc, cứu chữa kho hàng, bảo vệ hàng hóa và các trường hợp đảm bảo chiến đấu;
c) Làm nghĩa vụ quốc tế mà bị chết trong khi thực hiện nhiệm vụ hoặc bị thương, bị bệnh phải đưa về nước điều trị và chết trong khi đang điều trị.
d) Trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự;
đ) Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng và an ninh;
Bình luận