Mới đây, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TP.HCM vừa đề xuất UBND TP giải pháp tăng cường kiểm tra, xử lý hành chính các hành vi vi phạm vệ sinh nơi công cộng, đặc biệt là hành vi tiểu bậy.
Sở TN-MT đề xuất giao thẩm quyền kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính vệ sinh nơi công cộng cho các Đội Quản lý trật tự đô thị và Đội Thanh tra xây dựng ở địa phương.
Sở này cũng kiến nghị cho phép cơ quan địa phương được sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera an ninh, camera giao thông để lập biên bản và xử lý hành chính người vi phạm. Đồng thời, công khai thông tin, hình ảnh của người vi phạm.
Trước đề xuất này, PV VTC News đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Tri Đức, Giám đốc Công ty Luật 360, Đoàn Luật sư TP.HCM.
Theo luật sư Tri Đức, văn minh đô thị, giữ gìn vệ sinh công cộng, bảo vệ môi trường là những vấn đề đặt ra tốn khá nhiều công sức của các nhà làm luật và các cơ quan quản lí Nhà nước. Bên cạnh các luật chuyên ngành hiện hành, còn khá nhiều văn bản dưới luật cùng các qui định pháp luật khác về việc xử lý các hành vi vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, đến nay tình trạng xả rác, hút thuốc, tiểu tiện nơi công cộng…vẫn còn phổ biến. Rõ ràng việc thực thi các quy định về bảo vệ môi trường đô thị vẫn chưa đem lại hiệu quả thiết thực.
“Có lẽ hành lang pháp lý xử phạt vi phạm hành chính chưa đủ chế tài răn đe hay chính là do sự nhận thức của một bộ phận khá lớn dân chúng chưa đề cao ý thức nên đến nay vẫn chưa thể xóa bỏ triệt để được các tệ nạn nêu trên.
Các hành vi vi phạm nêu trên đều xuất phát từ ý thức của mỗi cá nhân. Thời gian thực hiện các hành vi vi phạm đó diễn ra rất nhanh, do đó cần có cơ quan chức năng chuyên trách thực hiện việc kiểm tra, kịp thời lập biên bản xử phạt triệt để ngay khi hành vi đó diễn ra”, luật sư Tri Đức nêu quan điểm.
Theo luật sư Tri Đức, việc Sở TN-MT đề xuất việc áp dụng biện pháp chế tài công khai danh tính, hình ảnh người vi phạm có thể được nhiều người dân đồng tình ủng hộ.
Việc áp dụng biện pháp trích xuất hình ảnh người vi phạm để làm chứng cứ cho cơ quan chức năng xử lý vi phạm, ban hành quyết định xử phạt là hoàn toàn phù hợp.
Tuy nhiên, việc công khai danh tính và hình ảnh người vi phạm là điều bất cập, vì theo luật sư Tri Đức, việc này đi ngược với nội dung quy định tại “Luật xử lý vi phạm hành chính” các văn bản chuyên ngành, cũng như quyền nhân thân về hình ảnh cá nhân theo luật định hiện hành.
"Việc chế tài – phạt tiền người vi phạm là biện pháp đã được luật hóa cụ thể tại các quy định xử lý vi phạm hành chính. Để xử lý triệt để, thiết nghĩ cần phải bổ sung các biện pháp chế tài khác đảm bảo việc truy thu tiền phạt qua lương, tài khoản cá nhân…
Riêng, các đối tượng không có điều kiện tài chính hoặc cố tình không nộp phạt thì buộc áp dụng biện pháp chế tài – phạt lao động công ích là điều cần thiết", ông Tri Đức nói.
Video: Nam thanh niên tiểu bậy nhận cái kết không ngờ
Giám đốc Công ty Luật 360 cho rằng, song song với việc phổ cập kiến thức pháp luật nhằm nâng cao ý thức người dân thì cơ quan chuyên trách cần phải xây dựng hệ thống các nhà vệ sinh công cộng; các thiết bị chứa rác thải tập trung khu dân cư, chung cư, xây dựng và quản lý hệ thống thu gom rác thải.
“Tôi thiết nghĩ việc áp dụng biện pháp chế tài mạnh mẽ quyết liệt đối với các vấn nạn vi phạm môi trường nêu trên là điều mà dư luận xã hội luôn quan tâm ủng hộ. Tuy nhiên việc áp dụng các biện pháp chế tài phải được thực thi trên tinh thần thượng tôn pháp luật”, luật sư Tri Đức nhận định.
Bình luận