• Zalo

Luật mới về ATVSLĐ: Người lao động được những quyền lợi gì?

Thời sựThứ Sáu, 11/09/2015 02:17:00 +07:00Google News

Chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với những người lao động trực tiếp, gián tiếp, có hợp đồng lao động, không có hợp đồng lao động về việc thực hiện luật ATVSLĐ

(VTC News) - Chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với những người lao động trực tiếp, gián tiếp, có hợp đồng lao động, không có hợp đồng lao động và tìm hiểu về việc thực hiện luật an toàn vệ sinh lao động, những người lao động này đều có ý kiến hiểu biết khác nhau về luật pháp.

Xin ghi lại những ý kiến trao đổi về quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động trong bộ luật AN TOÀN VỆ SINH LAO ĐỘNG (ATVSLĐ) đã được công bố và có hiệu lực từ ngày 01/7/2016 để bạn đọc tham khảo. 
Anh có thể cho biết anh làm việc ở đây trên một công trình xây dựng cao tầng, anh có hợp đồng lao động không và anh có biết luật mới về ATVSLĐ sắp có hiệu lực thi hành không?

Anh Nguyễn Hữu Quang công nhân xây dựng trên công trường tòa nhà SSG ở quận Bình Thạnh cho biết: 

Tôi có ký hợp đồng lao động với công ty, làm ở đây ba năm rồi. Khi ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) với công ty chúng tôi chỉ chú ý đến mục tiền lương và các khoản thưởng thôi còn các điều khoản khác trong HĐLĐ thực ra không chú ý. Về luật ATVSLĐ chỉ nghe mang máng nhưng tôi nghĩ ký HĐLĐ thì có luật bảo vệ mình.

Cùng câu hỏi trên chúng tôi trao đổi với thợ hồ Phạm Văn Út đang làm xây dựng căn nhà bốn tầng của tư nhân cho một ông chủ thầu trên quận Bình Thạnh. 

Anh Phạm Văn Út:  Tôi làm cho tư nhân thì làm gì có HĐLĐ, làm hưởng theo lương ngày, tuần nhận tiền một lần, không có bảo hiểm xã hội, không có bảo hiểm y tế gì cả. Chúng tôi ở đây cũng chẳng ai biết luật gì hết. Tôi tin chắc nhiều người không biết luật như tôi.

Nếu làm như vậy nhỡ xảy ra tai nạn lao động anh có biết ai lo cho mình không? Nếu anh không biết người lao động có quyền lợi gì thì sau này rất thiệt thòi. 

Anh Phạm Văn Út: Biết vậy nhưng biết làm sao được.

Thế anh có muốn biết theo luật ATVSLĐ thì người lao được những quyền lợi gì không?    
       
Anh Phạm Văn Út: Muốn quá đi chứ nhưng biết tìm ở đâu?
     
 

Chúng tôi đọc cho anh Phạm Văn Út nghe một đoạn về quyền hạn và trách nhiệm của người lao động: 
1.Đối với người lao động làm việc theo HĐLĐ:

Người lao động làm việc theo HĐLĐ có quyền sau đây: 
a) Được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, ATVSLĐ; yêu cầu người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm điều kiện làm việc ATVSLĐ trong quá trình lao động, tại nơi làm việc; 
b) Được cung cấp thông tin đầy đủ về các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc và những biện pháp phòng, chống; được đào tạo, huấn luyện về ATVSLĐ; 
c) Được thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được hưởng đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và được trả phí khám giám định trong trường hợp kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 
d) Yêu cầu người sử dụng lao động bố trí công việc phù hợp sau khi điều trị ổn định do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 
đ) Từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình nhưng phải báo ngay cho người quản lý trực tiếp để có phương án xử lý; chỉ tiếp tục làm việc khi người quản lý trực tiếp và người phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động đã khắc phục các nguy cơ để bảo đảm ATVSLĐ; 
e) Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật. 
Người lao động làm việc theo HĐLĐ có nghĩa vụ sau đây:
a) Chấp hành nội quy, quy trình và biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc; tuân thủ các giao kết về ATVSLĐ trong HĐLĐ, thỏa ước lao động tập thể; 
b) Sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp; các thiết bị bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc; 
c) Báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp; chủ động tham gia cấp cứu, khắc phục sự cố, tai nạn lao động theo phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp hoặc khi có lệnh của người sử dụng lao động hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 
2. Đối với người lao động làm việc không theo HĐLĐ:
Người lao động làm việc không theo HĐLĐ có quyền sau đây:
a) Được làm việc trong điều kiện ATVSLĐ; được Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để làm việc trong môi trường ATVSLĐ; 
b) Tiếp nhận thông tin, tuyên truyền, giáo dục về công tác ATVSLĐ; được huấn luyện ATVSLĐ khi làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; 
c) Tham gia và hưởng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện do Chính phủ quy định. Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ quy định chi tiết về việc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện; 
d) Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật. 
Người lao động làm việc không theo HĐLĐ có nghĩa vụ sau đây: 
a) Chịu trách nhiệm về ATVSLĐ đối với công việc do mình thực hiện theo quy định của pháp luật; 
b) Bảo đảm ATVSLĐ đối với những người có liên quan trong quá trình lao động; 
c) Thông báo với chính quyền địa phương để có biện pháp ngăn chặn kịp thời các hành vi gây mất ATVSLĐ. 
Nhẽ ra chúng tôi phải cảm ơn anh Phạm Văn Út nhưng anh lại cảm ơn chúng tôi.
Bài viết phục vụ Dự án “Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về an toàn lao động, vệ sinh lao động năm 2015”.

Hoàng Quỳnh - Yến Nhi (thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn