Luật Hợp tác xã năm 2012: Những ý kiến góp ý sửa đổi tâm huyết từ địa phương

Nông nghiệp - Nông thônThứ Sáu, 17/12/2021 16:06:00 +07:00
(VTC News) -

Ông Đỗ Nhân Đạo, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái có ý kiến chia sẻ về những vấn đề từ thực tiễn cần sửa đổi Luật Hợp tác xã 2012 sau nhiều năm va chạm thực tế.

Theo ông Đỗ Nhân Đạo, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Yên Bái có ý kiến chia sẻ về những vấn đề từ thực tiễn cần sửa đổi Luật Hợp tác xã 2012 sau nhiều năm va chạm với thực tế mà ông đã đúc rút ra được.  

Từ thực tiễn phát triển Kinh tế tập thể mà ông Đỗ Nhân Đạo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Yên Bái đề xuất,  sau 10 năm thực hiện Luật HTX năm 2012, với khuôn khổ pháp lý cùng các cơ chế, chính sách mới của Luật HTX 2012, đã thúc đẩy Kinh tế tập thể, Hợp tác xã từng bước đổi mới và phát triển.

Tuy nhiên, để Luật HTX năm 2012 thực sự phù hợp với thực tiễn phát triển Kinh tế tập thể (KTTT) trong tình hình mới cần sửa đổi Luật HTX 2012. 

Luật Hợp tác xã năm 2012: Những ý kiến góp ý sửa đổi tâm huyết từ địa phương - 1

 

Những bất cập của Luật HTX 2012 qua thực tiễn thi hành được nêu ra rất tâm huyết bởi những đánh giá khách quan.

Luật Hợp tác xã 2012 được ban hành và có hiệu lực thi hành từ 01/7/2013, bước đầu làm thay đổi nhận thức trong hệ thống chính trị và người dân về vai trò quan trọng của phát triển KTTT, Hợp tác xã (HTX) trong các thành phần kinh tế của nền kinh tế quốc dân. Với các khung khổ pháp lý cùng các chính sách mới đã tác động tới KTTT, HTX trên nhiều mặt. 

Đặc biệt, Luật HTX 2012 đã khắc phục được những bất cập, hạn chế của mô hình HTX kiểu cũ, đề ra yêu cầu liên kết tự nguyện của các thành viên theo nhu cầu hợp tác sản xuất, kinh doanh, đồng thời đề cao trách nhiệm cộng đồng của HTX.

Triển khai thực hiện Luật HTX 2012 có hai nhiệm vụ được thực hiện song song đó là thành lập các HTX kiểu mới theo Luật HTX 2012 và chuyển đổi các HTX kiểu cũ thành các HTX kiểu mới, kể từ đây KTTT, nòng cốt là các HTX đã có sự phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước.   

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, trong thực tiễn thi hành Luật HTX 2012 đã gặp phải những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, cần khắc phục và sửa đổi, bổ sung, để khu vực KTTT thích ứng và phát triển bền vững trong tình hình mới.  

Luật Hợp tác xã năm 2012: Những ý kiến góp ý sửa đổi tâm huyết từ địa phương - 2

(Ảnh minh họa)

Trước hết, công tác tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng và Luật HTX 2012 ở một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa được quan tâm đúng mức.

Ở nhiều nơi, nhận thức về vai trò của KTTT còn hạn chế, thậm chí có cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo cấp cơ sở còn chưa hiểu rõ về HTX kiểu mới dẫn đến công tác chỉ đạo, quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện phát triển KTTT, HTX còn lúng túng, hiệu quả chưa cao.  

Thứ hai: Về khái niệm tổ chức KTTT gồm có: Tổ hợp tác (THT), Hợp tác xã (HTX) và Liên hiệp hợp tác xã. Tuy nhiên, tại Luật HTX 2012 thì Tổ hợp tác chưa chịu sự điều chỉnh của Luật, mà hiện nay THT đang chịu sự điều chỉnh của Nghị định số 77/2019/NĐ-CP ngày10/10/2019 của Chính Phủ (đây là văn bản dưới Luật nên tính pháp lý không cao).  

Thứ ba: Vấn đề quy định số lượng thành viên: Hiện nay Luật HTX 2012 quy định về số thành viên tối thiểu đối với HTX là 07 thành viên, số thành viên tối thiểu đối với THT là 02 thành viên là quá ít so với nhu cầu người dân, cũng như yêu cầu đủ mạnh về vốn, lao động, lợi ích cộng đồng…để có thể đủ sức phát triển.  

Luật Hợp tác xã năm 2012: Những ý kiến góp ý sửa đổi tâm huyết từ địa phương - 3

(Ảnh minh họa)

Thứ tư: Luật HTX 2012 chưa quy định cụ thể mức vốn góp tối thiểu của thành viên, nên trong thực tiễn đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đó là một bộ phận thành viên chỉ góp vốn mang tính hình thức, thậm chí góp vốn gọi là có để tranh thủ hưởng lợi từ các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước. 

Cùng với đó, tại Điều 17 quy định góp vốn điều lệ của thành viên không quá 20% vốn điều lệ của HTX là không phù hợp, bởi số lượng thành viên góp vốn tối đa và tối thiểu để thành lập HTX có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

Nhiều thành viên có khả năng và nhu cầu góp vốn cao, song do quy định thành viên có nhu cầu góp vốn không quá 20% vốn điều lệ đã gây hạn chế, bất cập trong vấn đề huy động vốn của các thành viên trong các tổ chức KTTT.

Thứ năm: Một bất cập nữa của Luật HTX 2012 trong vấn đề quy định tỷ lệ sử dụng dịch vụ của thành viên, nếu chấm dứt tư cách thành viên khi thành viên không sử dụng dịch vụ của tổ chức KTTT liên tục trong 3 năm. Đối với HTX tạo việc làm, thành viên không làm việc trong thời gian liên tục theo quy định của Điều lệ nhưng không quá 02 năm tại điểm e, khoản 1, Điều 16.

Hay quy định về nguyên tác phân phối thu nhập tại điểm a) và điểm b) khoản 3 Điều 46 Luật HTX năm 2012.  

Hay như quy định tỷ lệ cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ của HTX, liên hiệp HTX cho khách hàng không phải là thành viên tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 và đã được sửa đổi tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 107/2017/NĐ-CP ngày 15/9/2017 của Chính phủ; những vấn đề này rất bất cập, không khả thi, cản trở, kìm hãm sự phát triển của Kinh tế tập thể, HTX, đi ngược với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ sáu: Luật HTX 2012 không quy định HTX hoạt động như doanh nghiệp vậy mà trong thực tiễn cơ quan thuế vẫn thu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với HTX; còn cơ quan Bảo hiểm xã hội thì quy định người làm việc trong HTX phải đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương tối thiểu vùng như doanh nghiệp.

Vấn đề này cho thấy nghĩa vụ thì thực hiện như doanh nghiệp, nhưng quyền lợi thì không được như doanh nghiệp, ngay trong kinh doanh HTX bị khống chế tỷ lệ cung ứng dịch vụ sản phẩm ra thị trường thì chẳng khác gì "ngăn sông, cấm chợ” đối với Hợp tác xã... 

Trên đây là những ý kiến góp ý rất tâm huyết xuất phát từ đơn vị HTX địa phương, hy vọng trong tương lai gần, những hạn chế này sớm sẽ được đưa ra bàn thảo, sửa đổi.

PV
Bình luận
vtcnews.vn