• Zalo

Luật Giá không xử lý được 'mỳ chém' ở sân bay?

Kinh tế Thứ Tư, 16/07/2014 10:57:00 +07:00Google News

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng cho rằng, nếu theo Luật Giá thì thậm chí sẽ không xử lý được gói mỳ tôm.

Trước tình trạng giá dịch vụ hàng không cao ngất ngưởng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng cho rằng, nếu theo Luật Giá thì thậm chí sẽ không xử lý được gói mỳ tôm.

Giá dịch vụ tại các sân bay là một trong những vấn đề được các đại biểu mổ xẻ khi thảo luận về Luật Hàng không Dân dụng sửa đổi vào ngày 15/7. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, nguyên nhân khiến giá dịch vụ tại các sân bay tăng cao vì giá thuê mặt bằng cao, cũng có thể do doanh nghiệp lợi dụng yếu tố độc quyền.

Ông Lý cho rằng, giá dịch vụ hàng không ở nước ta còn khá cao, nhất là một số dịch vụ phi hàng không và một số mặt hàng thiết yếu, dịch vụ độc quyền… Do đó cần phải có cơ chế để kiếm soát tình trạng này.

sân bay
Bộ GTVT sẽ quy định giá dịch vụ hàng không? 

Để khắc phục những bất cập về giá, Luật Hàng không Dân dụng sửa đổi đã bổ sung một số quy định do Nhà nước định giá như: giá dịch vụ an ninh hàng không tăng cường; giá dịch vụ điều hành bay qua vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý; giá thuê mặt bằng tại cảng hàng không, sân bay...

Những quy định trên được xem là cơ sở quan trọng để các cơ quan nhà nước kiểm soát giá tại các cảng hàng không, sân bay nhằm bảo đảm quyền lợi cho khách hàng.

Một trong những giải pháp được đưa ra là Bộ GTVT sẽ định giá đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không, trên cơ sở định giá theo quy định của Bộ Tài chính. Theo thường trực Ủy ban Pháp luật, việc giao cho Bộ GTVT định giá là cần thiết để có thể kịp thời điều chỉnh, bình ổn giá, nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng, nếu theo Luật Giá thì sẽ không xử lý được gói mì tôm, nên cần phải điều chỉnh lại vào Luật Hàng không Dân dụng sửa đổi cho phù hợp.

Còn theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), so với Luật Giá, dự thảo Luật hàng không dân dụng đã mở rộng thêm giá phục vụ hành khách và an ninh tăng cường. Trước đây là do nhà nước quy định nhưng nay Luật Giá đã bỏ rồi nên luật này đưa vào. Tuy nhiên quy định này là cần thiết.

Tuy nhiên, một số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xem lại các ý kiến trên vì quy định như vậy sẽ rộng hơn quy định của Luật Giá. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu: “Giá một bát mỳ tôm thì chúng ta định giá làm gì? Nhà nước không định giá các loại phi hàng không. Chúng ta không nên mở rộng vì nó không phù hợp với Luật Giá. Giá bát mỳ tôm, ly nước chanh cao thì anh phải xem lại giá thuê mặt bằng”.

Để khắc phục tình trạng đi máy bay phải ăn bát phở giá 500 – 600 nghìn đồng, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị không nên giao hẳn cho doanh nghiệp mà giao cho Bộ GTVT xây dựng khung giá cụ thể.

Ngoài vấn đề giá, vấn đề chậm hủy chuyến bay cũng được đại biểu nêu ra. Theo Ủy ban Pháp luật, việc chậm chuyến, hủy chuyến bay dân dụng là vi phạm hợp đồng vận chuyển, ảnh hưởng đến quyền lợi của hành khách. Nguyên nhân có thể do thời tiết, kỹ thuật... song phần nhiều lại xuất phát từ nguyên nhân chủ quan từ phía doanh nghiệp, như dồn chuyến, đổi kế hoạch bay...

Ủy ban Pháp luật thấy rằng còn thiếu quy định ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, trong đó có việc duy trì chất lượng tối thiểu của dịch vụ, thiếu các quy định nhằm xử lý đối với những tổ chức, cá nhân.

Để khắc phục tình trạng này, Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung quy định không gián đoạn khai thác vận chuyển hàng không 12 tháng liên tục; duy trì chất lượng tối thiểu dịch vụ vận chuyển hàng không theo quy định của Bộ GTVT.

Theo Thành Nam/Infonet

Bình luận
vtcnews.vn