Ngày hôm qua, Quốc hội khoá XIV biểu quyết thông qua Luật An ninh mạng với tỷ lệ ủng hộ cao. Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ sự đồng tình với việc dự luật quan trọng này được thông qua ngay tại kỳ họp thứ V.
Ông khẳng định Luật An ninh mạng sẽ tập trung vào việc phòng chống tội phạm công nghệ cao chứ không phải hạn chế quyền của người dân.
"Quan điểm của tôi là Luật An ninh mạng phải tập trung cao độ vào việc phòng chống tội phạm công nghệ cao, tội phạm mạng. Còn vấn đề an ninh trật tự an toàn xã hội thì có nhiều đạo luật khác điều chỉnh, trong đó có cả luật an toàn thông tin mạng và những luật khác.
Cái quan trọng nhất lấp lỗ hổng của Luật an toàn thông tin mạng chính là tội phạm mạng. Mức độ phạm tội bây giờ có thể chưa cao hoặc giấu mặt, chúng ta chưa xử lý được nhưng phải có kế hoạch ngay.
Nếu không, các tài liệu mật, thông tin mật, những giải pháp quan trọng từ quản lý nhà nước tới vận hành doanh nghiệp, sẽ dễ bị xâm phạm đặc biệt trong thời đại bùng nổ thông tin 4.0", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Từ sự việc xảy ra tại Bình Thuận, đại biểu Nhưỡng khẳng định bất kỳ đại biểu hay người dân nào cũng đều đặt vấn đề an ninh của quốc gia, an nguy của tổ quốc là số 1.
"Nếu Tổ quốc còn thì chúng ta còn có nhiều những cơ hội sửa sai, có thể làm tốt hơn các vấn đề khác.
Các đạo luật thông thường ra đời, theo ngôn ngữ nhà luật, là phúc đáp lại nhu cầu xã hội. Xã hội đang rất cần nó thì phải bấm nút thông qua.
Bản thân tôi trước đó cũng có những lo ngại nhưng phải so sánh việc thông qua này có lợi hay không thông qua có lợi hơn. Ta phải tìm sự lựa chọn mà đặt lợi ích quốc gia lên trên, lên trước các lợi ích thông thường khác.
Không có đạo luật nào trên thế giới là hoàn hảo, vì nếu hoàn hảo, nó đã tồn tại cả chục và trăm năm. Nên tất cả các đạo luật đều phải có sơ kết, tổng kết. Khi đưa các đạo luật vào áp dụng, sẽ lấy thực tiễn làm thước đo, xem xét lại, đánh giá đạo luật đó có hay không có tính khả thi cao.
Trong những ngày qua, một số trang mạng chống đối lại những đường lối của Đảng, khiến dư luận bức xúc. Cho nên, những đại biểu quốc hội như tôi cho rằng cần ủng hộ đạo luật này", đại biểu Nhưỡng nói.
Đặt Luật An ninh mạng Việt Nam trong tương quan với các luật tương tự ở nhiều quốc gia khác, vị đại biểu Bến Tre bình luận rằng mỗi quốc gia có lựa chọn khác nhau nhưng đều dựa trên một vấn đề có tính chất xuyên suốt.
"Có thể về mặt hình thức người ta lựa chọn cái này, hình thức kia, có cơ cấu này, có cơ cấu khác, có quy định thắt ở chỗ này, mở chỗ khác nhưng siết ở khía cạnh nào đó nó đều tạo một hành lang nhất định chứ không tạo ra quá nhiều lối rẽ về về mặt an ninh.
Quá nhiều lối rẽ về mặt an ninh sẽ tạo ra những lối rẽ 'đi ngang về tắt'. Kẻ xấu bây giờ rất khéo để sử dụng kẽ hở này để đạp rào, phá rào nên ta phải lựa chọn được lối đi nào phù hợp nhất, an toàn nhất, có khả năng kiểm soát được nhiều nhất.
Chúng tôi mong muốn trong quá trình thực hiện luật, sẽ tiếp tục giám sát nếu cần thiết, có đề xuất thì sẽ có tu chỉnh để có hiệu quả ngày càng cao, ngày càng hoàn chỉnh hơn.
Luật pháp là một quá trình. Luật pháp có thể phát sinh, phát triển và tiêu vong. Nếu lúc nào không còn cần thiết thì sẽ tự nó tiêu vong. Đó là cái nguyên lý chung về pháp luật", ông Nhưỡng lý giải.
Trước lo ngại những quy định từ Luật An ninh mạng sẽ khiến những công ty công nghệ nước ngoài như Facebook hay Google rời khỏi thị trường Việt Nam, vị Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội có suy nghĩ khác. Ông cho rằng Việt Nam là một thị trường rất lớn trên thế giới, mang lại cho các công ty đó nhiều lợi ích nên chắc chắn họ sẽ hợp tác với nhà nước và củng cố thêm những điều kiện của họ.
Thậm chí, các quy định của một quốc gia nào đó cũng giúp cho những doanh nghiệp tầm cỡ xuyên lục địa như Facebook hay Google cũng phải điều chỉnh lại, hoàn thiện hơn các điều kiện, chính sách của họ.
Bình luận