Chiều 25/9, nghiên cứu sinh Bùi Quang Tiến bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam. Luận án của ông có tên: Nghệ thuật chữ trong thiết kế bìa sách giai đoạn 2005 – 2015 ở Việt Nam. Không ít người cho rằng, đề tài này chưa xứng tầm với một luận án tiến sĩ, nó chẳng khác gì chuyện "thừa giấy vẽ voi".
Trả lời phỏng vấn VTC News, Tiến sĩ, Nhà văn Phạm Việt Long, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã thẳng thắn chia sẻ góc nhìn của mình về luận án gây tranh cãi trên.
- Ông nhận xét thế nào về luận án tiến sĩ “Nghệ thuật chữ trong thiết kế bìa sách giai đoạn 2005 - 2015 ở Việt Nam” do Học viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cấp bằng đang gây nhiều tranh cãi trong thời gian vừa qua?
Đây là vấn đề về học thuật. Tuy vậy, tôi không dám nhận mình là người hiểu hết mọi chuyện. Nhưng, là một tiến sĩ được đào tạo ở Việt Nam, tôi cho rằng: Chưa đọc luận án thì chưa nên có bất cứ một phán xét nào về luận án ấy.
Tôi chưa được đọc luận án này nên cũng chưa dám bình luận gì sâu, như người ta hay nói vui là chưa dám “thưa thốt” mà chỉ “dựa cột mà nghe” thôi.
- Theo ông, luận án này có gì thiết thực với đời sống cũng như văn hóa nghệ thuật hay không?
Đề tài của luận án này đề cập một vấn đề khá mới trong ngành mỹ thuật, chưa được giới nghiên cứu quan tâm, cho nên là cần thiết.
Tiến sĩ Phạm Việt Long
Nói về yêu cầu của một luận án tiến sĩ, thì phải có những phát hiện mới, và có giá trị áp dụng vào thực tiễn. Khái niệm “thực tiễn” ở đây khá rộng, đối với từng lĩnh vực đời sống khác nhau, có phạm vi khác nhau.
Đề tài của luận án này đề cập một vấn đề khá mới trong ngành mỹ thuật, chưa được giới nghiên cứu quan tâm, cho nên là cần thiết.
Những người chuyên làm bìa sách, hoặc sinh viên ngành đồ họa có thể nghiên cứu luận án này, có thể thấy những điều bổ ích đối với họ. Chứ còn nói là có giá trị thực tiễn khiến ai ai cũng hiểu nó, cũng vận dụng được nó vào đời sống, là đòi hỏi quá cao.
Nếu tác giả tổng kết được những đặc điểm của nghệ thuật chữ, chỉ ra những mặt hay, mặt chưa hay, đúc kết thành nguyên tắc cho việc làm bìa sách, thì tốt và cần thiết.
Tôi nhắc lại là tôi chưa đọc luận án này cho nên không dám nhận xét về nội dung của nó. Dù sao, ta cần tin ở Hội đồng chấm luận án vủa Viện, trong đó có những nhà khoa học am hiểu những vấn đề thuộc chuyên ngành của họ mà chúng ta nhiều khi chưa hiểu.
Đã từng làm luận án tiến sĩ, rồi hướng dẫn, ngồi ở Hội đồng chấm luận án, tôi thấy công việc đó được tiến hành nghiêm túc, không hề “dễ như chơi” như có người nói. Đặc biệt, là đối với luận án tiến sĩ, phải qua khâu phản biện kín của hai nhà khoa học có uy tín, nếu một trong hai vị không đồng ý cho bảo vệ thì luận án ấy bị “đổ”.
- Phía đại diện của Học viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia giải thích đây chỉ là "bằng tiến sĩ cấp viện", tuy nhiên người ngoài thì không thể phân biệt được, các viện có được phép cấp bằng tiến sĩ như vậy hay không?
Bằng tiến sĩ là bằng tiến sĩ, không phải là tiến sĩ cấp này hay cấp kia, nhưng việc đào tạo lại được phân cấp.
Cấp viện được phép đào tạo, hướng dẫn, chấm luận án tiến sĩ nhưng phải theo tiêu chuẩn chung. Do vậy, viện được cấp bằng là việc bình thường, miễn là thực hiện nghiêm túc các quy định về đào tạo tiến sĩ .
- Có ý kiến cho rằng, trong quản lý bằng cấp ở Việt Nam đang quá dễ dãi cho việc cấp phép "đào tạo tiến sĩ" - công việc lẽ ra chỉ có Bộ GD-ĐT mới có đủ thẩm quyền, ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?
Tôi không tán thành quan điểm là chỉ có Bộ GD-ĐT mới có đủ thẩm quyền đào tạo tiến sĩ. Ở đây, có sự nhầm lẫn giữa chức trách quản lý nhà nước và công việc đào tạo mang tính chuyên môn.
Ví dụ, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch chỉ quản lý nhà nước về bóng đá (một chuyên ngành của Thể thao) chứ không thể cử cán bộ đi đá bóng.
Vai trò của Bộ là giúp nhà nước ban hành luật lệ, kiểm tra giám sát việc thực thi, chỉ đạo, tổ chức cho xã hội thực hiện, chứ không trực tiếp làm công việc chuyên môn.
- Ông có đề xuất ý kiến gì để hạn chế tình trạng đào tạo, cấp bằng "tràn lan tiến sĩ" như hiện nay?
Những quy định, quy trình về đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ đã có, nếu được thực hiện nghiêm túc, đã là tốt. Lúc này, vai trò của Bộ GD-ĐT là cần phải giám sát, kiểm tra, uốn nắn để việc đào tạo đạt được chất lượng cần thiết.
Xin trân trọng cảm ơn ông.
Video: Nhiều sai phạm trong đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ của Học viện Khoa học xã hội
Bình luận