Núp bóng Đoàn thanh niên
Đang loay hoay sửa lại chậu mai kiểng trước hiên nhà, chị Thanh Trang ở đường Phạm Thế Hiển, phường 5, quận 8- TPHCM nghe tiếng chuông cửa, chị vội vàng ra mở cửa mời khách vào nhà. Hai thanh niên ăn mặc khá lịch sự đặt chiếc cặp màu đen lên bàn và mở máy vi tính xách tay ra bấm. Một người cất lời: “Tụi em là cán bộ Thành đoàn TNCS TPHCM. Nhằm giúp trẻ em nghèo có chút tiền vui Tết, Thành đoàn có thư ngỏ gửi tới những tấm lòng hảo tâm, gọi là đóng góp cho các cháu...”. Nói chưa dứt lời, người thanh niên đi cùng đã rút từ trong cặp ra một lá thư ngỏ có đóng mộc đỏ hẳn hoi với những lời lẽ rất tha thiết.
Trong lúc chị Trang đang đọc thư ngỏ, anh ta liền đưa tiếp cho chị xem danh sách những nhà hảo tâm đã đóng góp. Liếc sơ qua, chị Trang thấy toàn những nhân vật có tên tuổi như ông A, chủ tịch UBND quận; bà B, phó bí thư quận ủy; ông C, bí thư quận đoàn...
Điều đáng nói là nhân vật nào cũng đóng góp số tiền rất lớn, lên đến cả triệu đồng hoặc ít nhất cũng vài trăm ngàn đồng. Sau đó, chị Trang đóng góp 200.000 đồng. Hai thanh niên mừng rỡ, cám ơn chị rồi vội vàng ra đi. Khi họ vừa bước ra tới cửa thì anh Huy, chồng chị, đi làm về. Thấy có người lạ đang dắt xe ra, anh Huy hỏi vợ. Chị Trang nhanh miệng giới thiệu hai người khách. Nhìn thái độ lấm lét của 2 thanh niên, anh Huy yêu cầu cho xem giấy tờ. Chưa kịp nói hết câu, 2 thanh niên vội lên xe máy phóng thẳng. Lúc này chị Trang mới biết mình bị lừa.
Thấy vậy, những người ở mấy nhà kế bên cũng lao ra nhưng không kịp tóm cổ bọn lừa đảo. Hóa ra nhà nào cũng bị chúng lừa với cùng “bài ca” từ thiện như vậy nên ai cũng mủi lòng đóng góp mỗi nhà vài trăm ngàn đồng.
Đến trẻ em cũng không tha
Anh Hùng Minh, nhà ở chung cư 47-57 Nguyễn Thái Bình, quận 1- TPHCM, kể lại câu chuyện vừa diễn ra. Trưa 5-2, gia đình anh đi làm hết chỉ có con trai 11 tuổi ở nhà. Vì là nhà chung cư nên vợ chồng anh Minh chỉ khóa một lớp cửa sắt ở bên ngoài, bên trong, cháu Tuấn – con anh - ngồi chơi bên máy vi tính, có thể nhìn ra hành lang chung cư được.
Bỗng có một tốp người kéo đến đứng trước cửa giao lưu với Tuấn. Những người này nói rằng họ đang đi vận động quyên góp tiền để giúp đỡ những em nhỏ vô gia cư, bệnh hoạn, không có gia đình, không biết đến cái Tết... Sau khi biết Tuấn là học sinh một trường THCS trong quận 1, những người này nhanh chóng bảo Tuấn làm từ thiện.
Tuấn bảo không có tiền, họ liền dụ Tuấn cứ đập ống heo, có bao nhiêu cũng được. Và chỉ ngày mai thôi, nhà trường nơi Tuấn đang theo học, sẽ có giấy khen vì thành tích này của em, các bạn hẳn sẽ rất ngưỡng mộ trước hành động tốt... Thế là Tuấn ngoan ngoãn đập ống heo mà em đã tích cóp dành dụm suốt cả năm trời. Tổng cộng số tiền mà Tuấn đếm được là 1.126.000 đồng. Em cẩn thận vuốt từng tờ giấy bạc cho phẳng phiu rồi đưa hết cho những người lạ mặt.
Đúng lúc này có một bác nhà kế bên vừa về tới, thấy có người lạ nên ông ghé vào hỏi thăm Tuấn. Tuấn vô tư kể về cử chỉ đẹp mà em vừa làm. Biết Tuấn đã bị lừa, bác hàng xóm vội chạy đuổi theo đám người lạ nhưng bọn chúng đã nhanh chóng tẩu thoát.
Vào những ngày cận Tết, tình trạng lừa đảo người dân dưới cái mác từ thiện đang có chiều hướng gia tăng. Bọn chúng thường ăn mặc khá chỉnh tề tươm tất, xách cặp và đi từng tốp từ 2 đến 4 người. Điều đặc biệt nữa là chúng thường đi vào buổi trưa là giờ mà chủ nhà đi làm vắng, thường chỉ còn có người già hoặc trẻ em ở nhà. Với “bài ca” từ thiện mà chúng vẽ ra, rất nhiều người đã bị lừa.
Theo Người Lao Động
Lừa quyên góp từ thiện, già trẻ đều không tha
Nhìn thái độ lấm lét của 2 người, anh Huy yêu cầu cho xem giấy tờ. Chưa kịp nói hết câu, chúng vội lên xe máy phóng thẳng. Lúc này chị Trang mới biết bị lừa.
Giúp đỡ những người bị bệnh ngặt nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn là hoạt động từ thiện mang đậm tình người, rất cần được phát huy, nhân rộng, nhất là trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Lợi dụng tình cảm này, đã có hiện tượng kẻ gian lừa đảo dưới danh nghĩa từ thiện.
Bình luận