Lừa đảo đóng tiền điện: Làm thế nào để phòng tránh?

Kinh tếThứ Năm, 15/10/2015 06:34:00 +07:00

Việc thanh toán tiền điện, nước hàng tháng tưởng chừng rất đơn giản nhưng vẫn có trường hợp bị lừa đảo, vậy làm thế nào để tránh trở thành nạn nhân của việc này

(VTC News) - Việc thanh toán tiền điện, nước hàng tháng tưởng chừng rất đơn giản nhưng vẫn có trường hợp bị lừa đảo, vậy làm thế nào để tránh trở thành nạn nhân của hình thức lừa đảo mới này?

Thời gian gần đây, người dân khu vực Hà Nội hoảng hốt khi biết chuyện bạn Nguyễn Tiến Đạt (Thụy Khê, Hà Nội) và gia đình bị lừa đảo đóng tiền điện dẫn đến việc mất hàng triệu đồng. Trước đó, vào năm 2012, cũng có một vụ việc tương tự xảy ra trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Lừa đảo đóng tiền điện: Làm thế nào để phòng tránh?
Lừa đảo đóng tiền điện: Làm thế nào để phòng tránh? 
Một số kẻ xấu đã giả danh nhân viên thu tiền điện đến nhà thu. Họ nhắm vào đối tượng là những gia đình có người già và trẻ em, đặc biệt là lợi dụng tâm lý muốn đóng tiền tại nhà, nhanh gọn, không phiền phức của người dân. Số tiền thiệt hại không phải quá lớn, nhưng gây khó chịu và bức xúc cho gia đình.


Từ lâu, việc đóng tiền điện, nước hoặc các loại hóa đơn của cuộc sống đã hình thành trong người dân thói quen bị động, cứ ở nhà sẽ có người đến thu. Hơn nữa, nhiều hộ gia đình vẫn còn tâm lý ỷ lại, chủ quan cho rằng chẳng ai lại đi lừa đảo trên dịch vụ của nhà nước được, số tiền cũng không đáng là bao. Chính vì lẽ đó, nhiều lần kẻ gian lừa đảo, khi kết thúc vụ việc, phát hiện mình bị lừa, người dân chỉ biết “ngậm bồ hòn” cho qua.

Hiện tại, có rất nhiều kênh thanh toán mới được các công ty Điện lực, công ty Cấp nước ủy nhiệm thu hộ để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đóng đủ và đúng hạn tiền điện, nước hàng tháng. Tuy nhiên, với tâm lý bị động và lệ thuộc vào nhân viên đến nhà thu, người dân vẫn chưa ngó ngàng gì đến những kênh thanh toán an toàn, tiện lợi và phù hợp khác, tránh bị lừa đảo đóng tiền điện.

Cụ thể như trường hợp của công ty Điện lực Long Biên, trực thuộc Tổng công ty Điện lực Hà Nội, ngoài hình thức thu tiền truyền thống, đơn vị này còn có những hình thức khác như trích nợ tự động thông qua các ngân hàng, chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng của công ty Điện lực Long Biên và thanh toán qua kênh Payoo (thanh toán trực tuyến hoặc đến các cửa hàng tiện lợi, siêu thị).

Như vậy, dù cho người dân có bận rộn công việc không thể có mặt ở nhà để chờ nhân viên thu tiền đến nhà thu thì vẫn có thể đóng tiền điện ngoài giờ hành chính, thứ Bảy và Chủ nhật (theo giờ của các cửa hàng, siêu thị).

Việc thanh toán tiền điện, nước và các hóa đơn trong cuộc sống thông qua các đơn vị trung gian, ngân hàng vốn là chuyện hết sức phổ biến ở các quốc gia phát triển như Nhật Bản, các nước phương Tây. Ở Việt Nam, tuy rằng hình thức thanh toán hóa đơn qua kênh trung gian đã có từ năm 2012 nhưng cho đến nay vẫn chưa được ưa chuộng.

Việc chủ động thanh toán tiền điện, nước qua các kênh thanh toán không những mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân mà còn thúc đẩy hiện đại hóa các giao dịch tại Việt Nam.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn