Nhận được tin trận lũ quét lớn chưa từng có xảy ra tại thôn Can Hồ A, xã Bản Khoang, huyện Sa Pa, chúng tôi tức tốc đến ngay vùng “rốn lũ”.
Mặc dù đã từng đi tác nghiệp tại những nơi xảy ra lũ quét khốc liệt khác, như: Sùng Hoảng (xã Phìn Ngan, Bát Xát), Nậm Chàm (xã Nậm Lúc, Bắc Hà), Long Phúc (Bảo Yên)…, nhưng cảm nhận của tôi, Can Hồ A cũng khốc liệt không kém. Cả thôn ngổn ngang đá, cây cối, bùn đất, những tảng đá to bằng nửa ngôi nhà nằm chỏng chơ, nhiều mái nhà vùi sâu trong đất, đá. Thôn Can Hồ A gần như bị phủ kín bởi đá.
Chảo Dào Chẳn, chàng trai người Dao, vừa lau nước mắt, vừa kể lại: Lúc đó, khoảng 21h15’ đến 21h30’, đang ở trong nhà, bỗng nghe những tiếng nổ lớn, đinh tai nhức óc, vội mở cửa chạy ra, soi đèn pin về nơi có tiếng nổ, tôi thấy nước chảy ào ào, đất đá từ núi cao lao xuống, thật khủng khiếp, tạo thành dòng suối lớn. Biết là lũ quét, tôi soi đèn về hướng nhà của mẹ đẻ và các em trai thì không thấy nhà đâu nữa. Ngay lập tức, tôi lao sang bên đó, nhưng nước chảy dữ quá, không thể nào qua được, đành đứng bên này, vừa soi đèn, vừa gào thét gọi mẹ, gọi em.
Anh Chào Dào On, Trưởng thôn Cán Hồ A cho biết: Nghe tiếng gọi mẹ, gọi em của anh Chẳn đến xé lòng, nhưng có cách nào để sang được, tôi gọi điện chỉ đạo người dân ở hai khu vực bị chia cắt, chủ động giúp nhau đi cứu người.
Anh Chẳn cho biết thêm: Thấy nước rút bớt, nhặt được cây gỗ, tôi bắc làm cầu, lao sang được bên kia, vừa soi đèn, tiếp tục gọi mẹ, gọi em. Gọi mãi, khản cổ, lạc tiếng, tôi đành gạt nước mắt lẫn nước mưa, cứ cắm đầu, cắm cổ, mặc cho đá lăn, thậm chí ngã xấp, ngã ngửa, đầu đập cả vào đá, đau và mệt như muốn ngất, nhưng vẫn vùng dậy, xuôi theo dòng nước với hy vọng tìm được người thân. Cuối cùng, tôi cũng tìm thấy mẹ và hai em trai bị thương nặng do đá lăn. Sau khi cùng người dân trong thôn đưa mẹ và hai em trai đi cấp cứu, tôi tiếp tục đi tìm các em và các cháu.
Thức trắng cả đêm, mặt hốc hác, bạc phếch vì dầm mưa và mệt mỏi, anh Chẳn vẫn không tìm thấy 3 đứa em và 2 đứa cháu. Giữa buổi sáng, lực lượng cứu hộ mới tìm thấy thi thể của 3 đứa em (2 em dâu và 1 em gái), đến 13h, tiếp tục tìm thấy thi thể của 1 đứa cháu, hiện vẫn chưa tìm thấy đứa cháu còn lại.
Các lực lượng tìm kiếm thi thể những người xấu số bị lũ quét cuốn trôi. |
Chung nỗi đau như anh Chẳn, gia đình anh Chảo Duần Chỉn bị mất bố mẹ và đứa con gái út. Anh Chẳn vẫn còn bàng hoàng, bởi mình quá may mắn, thoát khỏi “thần chết”. Anh kể lại: Tối hôm 4/9, tôi ăn cơm xong, rồi đi lên quán, ở nhà còn bố mẹ và đứa con gái út. Khoảng hơn 9 giờ tối, đang ở trong nhà, bỗng nghe thấy những tiếng nổ lớn, rồi đất rung chuyển, tôi chạy ra ngoài thì thấy đất đá ào ào đổ xuống theo dòng nước, một lúc sau, những tiếng la hét thất thanh, xé tan màn đêm đáng sợ bao trùm cả thôn.
Dòng người hỗn loạn, nháo nhác chạy đi tìm người thân trong làn mưa rét. Không tìm được cách vượt qua dòng nước dữ, tôi chỉ biết đội mưa, nhắm mắt cầu cho người thân trong gia đình bình yên. Khi trời còn chưa nhìn rõ đường, tôi chạy về nhà, lúc này, nhà cũng “biến mất”, tìm mãi thấy bức tường gạch, đổ đè lên một người. Nghĩ rằng tìm được con gái út Chảo San Mẩy, tôi kêu gào thống thiết, gọi mọi người đến, dùng khúc cây bẩy tường gạch, lôi người ra. Hai tay ôm chặt, liên tục gọi “con gái ơi”, người con gái mặt mũi dính đầy bùn, không trả lời, chỉ thở hắt hai tiếng, rồi ra đi vĩnh viễn.
Kê vội tấm phản còn sót sau trận lũ, tôi đặt cháu nằm đó, phủ lên đó tấm chăn do người nhà mang đến. Đến 15 giờ, lực lượng cứu nạn tìm thấy một thi thể dính đầy bùn đất, lúc đó, tôi nhìn thấy sợi dây đỏ buộc ở cổ.
Đó chính là con gái của anh Chìu, sau một hồi kêu khóc thảm thiết, anh ôm đứa con gái út mà mình vô cùng yêu quý vào lòng, rồi lấy nước rửa sạch bùn đất và mang đi mai táng. Còn thi thể mà buổi sáng tìm thấy là con dâu của bà Mẩy, bị lũ cuốn trôi và mắc ở nhà anh Chìu. Anh Chìu nói không nên lời: Tối hôm trước, đưa con gái tôi còn phấn khởi, chuẩn bị quần áo mới để ngày mai đi khai giảng. Không hiểu sao, đã qua 6 mùa khai giảng, nhưng khai giảng năm nay, cháu phấn khởi hơn rất nhiều. Mãi mãi, cháu không có được mùa khai giảng lần thứ 7.
Người dân chia sẻ mất mát với anh Chảo Duần Chỉn. |
Trong bãi ngổn ngang đất đá, tôi thấy Chảo Dào Phú cứ như người mất hồn, thất thểu bước đi nặng nhọc, tay cầm chiếc que, Phú đi dọc bãi đá, hết chọc, rồi lại lật từng mảnh vải còn sót lại, với hy vọng tìm được mẹ của mình là bà Tẩn Lìu Mẩy. Gần hết ngày, Phú không ăn uống gì, cứ đi lên, rồi đi xuống, xoi mói từng ngách đá lạnh ngắt, nhưng cũng không thấy mẹ. Mặc dù, nhiều người đã khuyên Phú nghỉ cho lại sức, việc tìm kiếm đã có lực lượng cứu nạn thực hiện, nhưng Phú không nghe. Đến sáng nay, Phú vẫn tiếp tục công việc như ngày trước với mong muốn nhỏ nhoi là tìm thấy mẹ mình.
Buổi chiều ngày 5/9, đó là ngày đại tang của thôn Can Hồ A. Từng dòng người lặng lẽ đi dưới mưa, cứ hai người khênh một người chết, họ đưa những người thân của mình về nơi an nghỉ cuối cùng mà không có một tiếng khóc, bởi họ đã “cạn” nước mắt, không trống kèn. Mưa vẫn rơi, trời đã không còn rõ mặt người, họ mới hoàn thành nghĩa tử, nghĩa tận với người đã chết. Anh Chảo Dào Chẳn vừa chôn cất xong 5 người thân trong gia đình, đầu trần, mảnh ni lông không đủ để che tấm thân xiêu vẹo sau trận lũ quét, anh lê từng bước về nhà, tiếp tục tìm kiếm đứa cháu mới 2 tháng tuổi. Còn Chảo Dào Phú vẫn cầm chiếc que, lật từng tấm vải mà hôm trước đã làm cũng để tìm thấy mẹ trong sự tuyệt vọng.
Mưa hôm nay đã ngớt, trời đã sáng hơn, lòng người ở Can Hồ A bớt cô quạnh, bởi các đồng chí lãnh đạo từ trung ương đến địa phương, những tấm lòng hảo tâm ở khắp nơi đã kịp thời có mặt chia sẻ, động viên người bị nạn. Chắc chắn, nỗi đau ở bản người Dao này sẽ không hết ngay được, mà ít nhiều được vơi bớt. Thêm một tấm lòng đến với Can Hồ A, là thêm một “ngọn lửa” để sưởi ấm cho mảnh đất này.
Theo Báo Lào Cai
Bình luận