• Zalo

Lũ quét kinh hoàng ở Thanh Hoá: Nhân chứng kể lại phút thoát chết thần kỳ

Thời sựThứ Bảy, 21/07/2018 11:42:00 +07:00Google News

"Nước lũ đẩy tôi dạt vào tường khu nhà tắm của các hộ dân phía dưới, tôi cố bám vào cây cối và leo lên nóc nhà tắm đứng", chị Thuý kể lại phút thoát chết khó tin của mình.

Hàng nghìn khối đất đá với những phiến đá lớn như chiếc ô tô tải đổ ập từ trên núi cao xuống nghiền nát 3 căn nhà liền kề nhau ở bản Hắc. 12 người trong 3 căn nhà bị lũ cuốn trôi làm 2 người chết, 2 người mất tích và 8 người còn lại trong cảnh không nhà cửa.

Là một trong 3 hộ bị mất nhà do lũ ống, đang nằm điều trị vết thương tại Bệnh viện Đa khoa huyện Lang Chánh, chị Hà Thị Thúy kể lại phút thoát chết khó tin của mình.

34

Chị Thuý vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại câu chuyện thoát chết thần kỳ của mình.

“Tôi nghe tiếng động rầm rầm trên núi thì biết đã có sạt lở đất nhưng không nghĩ là sẽ có lũ ống. Lúc ấy tôi cầm dao chạy ra khỏi nhà dự định chặt đứt các dây thừng cột mấy con trâu để giải thoát cho chúng. Không ngờ nước lũ ập về xô đổ nhà rồi cuốn phăng tôi theo. Nước đẩy tôi dạt vào tường khu nhà tắm của các hộ dân phía dưới, tôi cố bám vào cây cối và leo lên nóc nhà tắm đứng. Tôi may mắn thoát chết khi đá không lăn vào khu vực nhà tắm nơi tôi đứng”, chị Thuý vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại.

Chị Thúy cho biết thêm, gia đình chị có 4 người nhưng may mắn, hôm xảy ra lũ chỉ có mình chị ở nhà. Con gái đầu của lấy chồng xa, con gái thứ hai thì làm thuê, còn chồng chị làm thuê bên Lào.

“Nhà lũ cuốn mất rồi, giờ tạm thời ở bệnh viện thế này, mấy hôm nữa ra viện rồi không biết ở đâu đây?” – Chị Thúy lo lắng.

1

Lũ ống khiến những phiến đá lớn đổ ập xuống nhà người dân.

Chung tình cảnh bị lũ cuốn trôi nhà như gia đình chị Thúy là nhà chị Hà Thị Miên. Chị Miên cũng may mắn thoát chết khi hôm xảy ra lũ ống chị không có nhà mà đi thăm con gái lấy chồng ở huyện khác. Khi trở về nhà thấy tất cả tan hoang, nhà ở đã thành khu đất xác xơ cây cối gãy đổ, những phiến đá khổng lồ cùng đất cát vùi lấp căn nhà phía dưới.

Chị Miên cho biết: “Tôi làm nhà do được nhận tiền hỗ trợ từ chính sách cho đồng bào vùng cao và vay mượn thêm ngân hàng. Giờ nhà cửa bị vùi lấp thế này không biết sống chỗ nào đây?”.

Hoàn cảnh của chị Miên rất thương tâm khi chồng đã mất, có một con gái lại lấy chồng ở xa. Một mình sống trong căn nhà nhỏ ở bản Hắc thì nay lũ cuốn mất nhà, hiện tại chưa biết tương lai ra sao. Chị Miên cho biết chị làm hơn một sào ruộng, mỗi vụ được khoảng 2 tạ lúa. Ngày thường có người thuê thì đi phát rẫy, trồng cây cho bà con, công được trả khoảng 120.000-140.000 đồng một ngày. Khả năng kiếm tiền để dựng lại căn nhà lấy nơi ở là vô cùng khó khăn.

3 4

Cơn lũ ống quét qua để lại đau thương cho những người dân bản Hắc.

Trước những mất mát quá lớn về tài sản sau trận lũ ống, chị Miên cho biết phải chờ em trai (là chồng chị Thúy, cũng là gia đình bị lũ cuốn trôi nhà) đang đi làm thuê trở về nhà rồi mới bàn tính tiếp. “Chờ em trai về, nó tính thế nào thì theo nó, nó đi đâu mình đi theo chứ bây giờ tôi cũng không biết tính thế nào cả”, chị Miên buồn rầu chia sẻ.

Mất mát lớn nhất, đau xót nhất là hộ gia đình anh Vi Văn Thiên. Không chỉ bị lũ cuốn phăng mất nhà mà bản thân anh Thiên và mẹ đẻ cùng thiệt mạng khi nhà đổ xụp vì đá lớn lăn vào. Ngay bên cạnh nhà, con dâu và cháu nội (mới 5 tuổi) của anh Thiên vẫn đang mất tích vì bị nước lũ cuốn trôi. Vợ anh Thiên, chị Lương Thị Hoa cũng bị lũ cuốn nhưng may mắn thoát chết khi dạt vào chỗ nước cạn. Nỗi đau chồng chất, chị Hoa cũng chưa kịp nghĩ đến việc sau này kiếm đâu ra tiền để dựng nhà, tái lập cuộc sống.

Đối diện với 3 căn nhà bị lũ cuốn trôi, đất đá vùi lấp là nhà của Chủ tịch xã Trí Nang, ông Vi Văn Tằm. Ông cho biết: “Lúc đầu lũ về tôi nghe tiếng động lớn như tiếng máy bay gầm rú, nền đất run lên bần bật. Khoảng phút 10 phút sau, lũ ập xuống, đất đá đổ ầm ầm, 3 căn nhà đối diện bị xô đổ, cái thì bị cuốn trôi, cái thì đất đá vùi lấp luôn.”

Căn nhà của ông Tằm may mắn không bị đất đá vùi lấp nhưng cũng bị ảnh hưởng do trận lũ ống đẩy đất cát vào nhà.

Theo ông Tằm thì sau khi mưa lũ đi qua, do còn một khu đất khác của ông cha để lại nên gia đình ông cũng sẽ phải chuyển đến chỗ ở mới chứ không thể tiếp tục ở lại khu vực có nguy cơ sạt lở hiện tại. Trong khi đó, ba hộ dân bị lũ cuốn trôi nhà vẫn chưa biết tương lai ra sao khi cả đất ở lẫn tiền dựng nhà đều không có.

Nhiều hộ dân khẳng định sẽ không dám tiếp tục ở lại nơi cũ bởi đây là khu vực nằm trong vùng nguy hiểm mỗi khi có mưa lớn. Lũ tràn qua bản Hắc để lại nỗi đau mất người, mất của và sau đó là nỗi lo về một nơi an cư của người dân nơi đây.

Hoàng Dũng
Bình luận
vtcnews.vn