Ngờ đâu nằm im ắng trong góc nhỏ ở chân núi Hàm Rồng và bản làng Tả Van (Sapa, Lào Cai) lại là lớp học tiếng Anh đặc biệt của hơn 70 em học sinh nghèo vùng sơn cước này.
Ngoài sức tưởng tượng, lớp học hàng ngày có khoảng trên dưới 20 em (buổi sáng) và khoảng 45 em (học buổi chiều và tối). Với “giáo viên” là những tình nguyện viên nước ngoài và toàn bộ kinh phí mở lớp, các dụng cụ học tập đều do chàng trai Tràng An, Tạ Văn Thương (tên thường gọi là Peter) hỗ trợ.
Lớp học tiếng Anh miễn phí cho trẻ em vùng sơn cước Sapa của "thầy giáo" Peter |
Trăn trở “con đường” học chữ
Đặt chân đến miền sơn cước Sapa hơn một năm nay, chàng trai trẻ du học Singapore bị cảnh đẹp mê hồn của núi rừng Sapa, bị mê hoặc quyến rũ bởi tiết trời se lạnh, phủ đầy sương mù.
Hàng ngày, anh chứng kiến cảnh rất nhiều trẻ em dân tộc H'mong lang thang hàng rong quanh thị trấn mà không đi học, buổi tối lại chứng kiến các trẻ ngủ tạm bợ ở khu chợ ẩm thực Sapa với giá 5.000 đồng/tối… Những hình ảnh đó lởn vởn trong đầu khiến anh trăn trở và muốn ở lại Sapa mở lớp tiếng Anh miễn phí cho trẻ em nghèo nơi đây.
Peter (người thứ 2 từ phải sang) mở lớp học tiếng Anh miễn phí và nuôi trẻ em nghèo Sapa với mong muốn chúng có con "CHỮ". |
Peter nhớ lại như in hình ảnh một cậu bé nhem nhuốc khi được hỏi "tại sao tụi con không đi học?" Các em trả lời "vì gia đình nghèo, không có gạo ăn để đi học….".
-Peter: Tụi con có thích đi học tiếng Anh không?
-RẤT THÍCH học tiếng Anh thầy ạ!
-Các em gãi đầu gãi tai trả lời bằng tiếng H'mong là “chi pow” (nghĩa là “không biết” – PV).
Nói đến đây, Peter lặng đi. “Mình thầm nghĩ nếu trẻ em không đi học, không có giáo dục, không đến trường thì đồng nghĩa là KHÔNG có TƯƠNG LAI. Nên mình nẩy ra ý tưởng làm cách nào để giúp các em đến trường, có chút ít vốn liếng Anh ngữ, có lẽ là phải mở ra một lớp tiếng Anh từ thiện cho các trẻ em ở Sapa chăng?”, Peter bộc bạch.
Bởi lẽ nếu các em nói được tiếng Anh, viết được tiếng Anh, đọc được tiếng Anh thì có rất nhiều cơ hội cho các em xin việc làm ở khách sạn, nhà hàng hoặc ở các văn phòng Tour Du Lịch ở quanh Sapa. Các em sẽ không phải đi bán hàng rong nữa, không phải ngủ trọ ở khu chợ ổ chuột nữa…
“Từ những lớp tiếng Anh miễn phí này sẽ giúp các em có thêm nụ cười, sẽ dần dần từng bước gây ý thức cho các trẻ em yêu mến cái chữ nhiều hơn, yêu mến lớp học hơn, yêu mến đến trường học hơn…”, Peter trải lòng.
Từ nỗi trăn trở đó, Peter đã quyết định bỏ tiền ra thuê mở một quán Café góc phố (Café Peter Sapa) và mở lớp tiếng Anh miễn phí cho các trẻ em miền núi ở Sapa, sau thành công bước đầu, giờ đây anh tiếp tục mở thêm một lớp tại làng Tả Van, SaPa.
Lớp học “có một không hai”
Lớp học Anh ngữ được bố trí ở trong nhà, bên ngoài được giành để bán Café vỉa hè… Để duy trì lớp học, Peter trích lợi nhuận để chi tiêu thức ăn, đồ dùng và quần áo cho các em học tại lớp học. Lớp học và quán của Peter như một gia đình nhỏ ấm cúng và tràn ngập tiếng cười, niềm vui.
Theo “thầy giáo” Peter thì lớp học Anh ngữ ở Sapa được gần một năm hoạt động, lớp ở bản Tả Van cũng đã được 2 tháng. Các em được chia ra học theo các level: level A đã được khoảng trên dưới 20 em, (buổi sáng), lớp Tiếng Anh level B gom tụ được 45 em (học buổi chiều và tối).
Các em được học tiếng Anh theo 4 kỹ năng, Nghe,- Nói- Đọc - Viết. Ngoài ra còn được học môn Tiếng Việt, học môn vẽ, học thêu và làm nghề thổ cẩm…
Vàng Thị Dủ (lớp 5A), người dân tộc Mông. Dủ nói rằng nhà em ở Lao Chải, buổi sáng đi học tiếng Việt, chiều xuống bản Tả Van học tiếng Anh của thầy Peter. Còn thứ 7 và chủ nhật ở lại luôn lớp học cùng các bạn.
Tôi hỏi:
-Dủ học ở đây lâu chưa?
-Em học một tháng rồi.
-Em học tiếng Anh lớp thầy Peter vui không?
-Học thầy Peter vui lắm, đông lắm!
Vàng Thị Dủ vui vẻ nói về lớp học tiếng Anh của thầy Peter. Dủ nói rằng không muốn đi bán rong ở Sapa nữa mà muốn học giỏi tiếng Anh để làm hướng dẫn viên du lịch. |
Một điểm đặc biệt nữa ở lớp học đó là những giáo viên hàng ngày đứng lớp. Họ là những tình nguyện viên sang Việt Nam du lịch và đến Sapa dạy chữ các em. Hiện tại, lớp học có 3 thiện nguyện viên người Canada đó là cô Elandri, anh Matt và cô Taylor đến dạy học Anh ngữ một tháng.
“Nụ cười của các em rất hồn nhiên và trong sáng như thiên thần. Mình rất thích nụ cười đó bởi điều đó làm mình thấy ấm lòng. Các em thường kể về những ước mơ của mình một cách hồn nhiên rằng lớn lên được làm cô giáo, bác sỹ, hướng dẫn viên du lịch, được về thăm thủ đô Hà Nội…”, Peter chia sẻ.
Khó khăn còn nhiều….
Tự mình lập ra hai lớp học, kiếm tìm những tình nguyện viên nước ngoài để làm “thầy giáo”, chàng trai Hà Nội gặp vô vàn khó khăn trong việc đem chữ và ước mơ cho các em nghèo vùng cao. Lớp học vẫn còn thiếu sách vở, giáo trình Anh ngữ, đồ dùng học tập và đặc biệt là thức ăn cho các em sáng - trưa -chiều -tối, thuốc chữa bệnh, quần áo…
Lớp học được trang trí bằng chính những sản phẩm, bức ảnh của những người nước ngoài và học sinh. |
Những ngày đầu thành lập, Peter kêu gọi bạn bè góp sách vở, đồ dùng học tập để làm tủ sách cho các em. Tự trang trí lớp học bằng chính những “sản phẩm” do những người bạn nước ngoài và các em làm ra, lớp học của Peter sinh động và hết sức thú vị. “Tuy nhiên cơ sở lớp học quá chật hẹp, thiếu thốn trang thiết bị, đồ dùng…và vẫn rất cần những tình nguyện viên giảng dạy các em”, Peter cho biết.
Cơ sở vật chất thiếu thốn đủ bề là thế, các "thầy cô" và học trò phải tận dụng nhiều thứ làm đồ dùng học tập, nhưng vượt lên khó khăn, với mong ước từng bước giúp trẻ em nghèo miền núi có con chữ, có kiến thức, có động lực để tiếp tục chinh phục ước mơ của mình; những chàng trai, cô gái Hà Thành vẫn hằng đêm, hàng ngày kêu gọi, quy tụ những trái tim nhiệt huyết của tuổi trẻ để làm đẹp cho quê hương, làm đẹp kiến thức cho con người Việt Nam.
Theo GDVN
Bình luận