• Zalo

Lớp ôn thi đại học miễn phí của thầy giáo trẻ Học viện An ninh Nhân Dân

Giáo dụcThứ Ba, 27/06/2017 09:58:00 +07:00Google News

Lớp học từ thiện này được thầy Tạ Quang Quyết mở cách đây 3 năm, với mong muốn chia sẻ được những kiến thức, kinh nghiệm học tập cho các em học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn, biến ước mơ bước vào giảng đường đại học của các em thành hiện thực.

Trong suốt 3 năm qua, Trung úy Tạ Quang Quyết không chỉ làm công việc giảng dạy tại trường mà còn mở lớp luyện thi miễn phí cho các em học sinh nghèo đến từ khắp mọi miền của đất nước

Lớp ôn thi đại học miễn phí của thầy giáo trẻ

Cũng giống như mọi ngày, sau giờ giảng dạy trên lớp tại Học viện An ninh Nhân dân, thầy giáo trẻ Tạ Quang Quyết (SN 1991) lại đến với lớp luyện thi đại học của mình trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội. Lớp học từ thiện này được anh mở cách đây 3 năm, với mong muốn sẽ phần nào chia sẻ được những kiến thức, kinh nghiệm học tập của mình cho các em học sinh, đặc biệt là các em học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn, biến ước mơ bước vào giảng đường đại học của các em thành hiện thực.

17626586_1150237221751546_6905199694737485496_n

Lớp luyện thi đại học của Thầy giáo Tạ Quang Quyết. (Ảnh: Nguyễn Quân) 

Thầy giáo Quyết tâm sự, bản thân vốn là một học sinh nghèo vươn lên cuộc sống bằng con đường học tập, bản thân anh cũng được rất nhiều người giúp đỡ, chính vì vậy, anh trả ơn cuộc đời bằng cách giúp đỡ lại các em học sinh ham học khác.

“Tất cả điều xuất phát từ chính hoàn cảnh của bản thân. Tôi vốn là một học sinh nghèo, từng được nhiều thầy cô giúp đỡ, dạy học mà không lấy tiền học phí. Nên đã từ rất lâu rồi, trong thâm tâm tôi luôn muốn làm một điều gì đó để giúp đỡ những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn như tôi trước đây. Mong rằng với sự giúp đỡ nhỏ nhoi của tôi, các em sẽ có thêm động lực để tiếp tục thực hiện những hoài bão, bước tiếp trên con đường mơ ước của mình”.

Giai đoạn đầu, vì chưa có địa điểm dạy cố định nên việc dạy học của anh gặp khá nhiều khó khăn. Anh nhớ lại: “Mỗi lần đi dạy là thầy trò cứ kéo nhau tới nhà bạn này, bạn kia. Có những bạn phải thuê trọ. Phòng trật trội đến mức vào nhà còn không biết ngồi đâu, không biết lấy gì làm bàn học”.

Khó khăn là thế, nhưng anh vẫn luôn miệt mài hướng dẫn, kèm cặp cho các em học sinh cho đến hết kỳ thi. Rồi đến khi ra trường cũng là lúc anh kiếm được những đồng lương đầu tiên cho mình. Anh đã dùng những đồng lương ít ỏi đấy cùng với sự giúp đỡ của bạn bè, đồng nghiệp để mở một lớp luyện thi nho nhỏ, khang trang cho các em học sinh có nơi học tập thuận lợi hơn.

Khoảng thời gian đầu khi mở lớp, những khó khăn mà anh gặp phải cũng không hề ít, thầy giáo trẻ phải sắp xếp làm sao điều hòa được giữa công việc ở cơ quan và việc duy trì lớp học. Rồi làm sao để học sinh tin mình và học sinh đến học khi nhiều người cũng có ý tưởng dạy miễn phí như mình.

Và khó khăn nhất là vấn đề tài chính. "Ngày xưa khi đến tận nhà để giảng dạy cho các em thì mình chỉ tốn công đi lại thôi, còn bây giờ cơ sở đã hình thành thì mình phải trang trải tiền nhà cũng như các chi phí phát sinh dịch vụ”, anh Quyết cho biết.

Mặc dù còn nhiều vướng mắc trong việc mở lớp học miễn phí nhưng anh luôn tìm ra hướng giải quyết tốt nhất. Bản thân anh phụ trách dạy các môn xã hội như Văn, Sử, Địa. Các môn khác sẽ do những bạn trợ giảng của anh đứng lớp. Ngoài anh Quyết, lớp học miễn phí còn có các trợ giảng luôn sẵn sàng hỗ trợ anh trong quá trình giảng dạy. Họ là những người đã từng đạt giải quốc gia, có người là thủ khoa của các trường đại học, có người đã đi làm, thậm chí có người là giáo viên. Tất cả những giảng viên giúp đỡ anh đến nay đều không nhận bất kỳ một khoản lợi nào về vật chất mà chỉ mong muốn dành những điều tốt nhất cho các em.

Trong suốt 3 năm qua, anh đã từng giảng dạy cho rất nhiều học sinh. Đối tượng mà anh ưu tiên nhất vẫn là các em học sinh ở tỉnh lẻ có hoàn cảnh khó khăn: “Mình hiểu được những khó khăn, thiệt thòi của các em bởi vì mình cũng là người đã từng trải qua những khó khăn đấy nên mình cũng là người hiểu rõ nhất. Các em lên được Hà Nội đã là một sự khó khăn rồi, chỗ ăn, chỗ ở còn chưa có, mình đã không giúp được gì thì thôi, chứ nói gì đến kinh phí. Có những em đến chiếc điện thoại cũng không có, mình còn muốn mua cho một cái vì mình không biết làm sao để liên lạc được”.

Video: Kỳ thi THPT Quốc gia 2017: Những lưu ý 'vàng' cho thí sinh

 

Học sinh đến với cơ sở ôn thi của anh hoàn toàn không phải bỏ ra một chi phí nào khác ngoài các khoản chi phí nhỏ như để mua nước hay photo tài liệu. Trong suốt quãng thời gian 3 năm giảng dạy, anh không nhận bất cứ một khoản lợi nào về vật chất. Đối với anh, thời gian dành cho cuộc sống riêng tư của một thanh niên trẻ tuổi gần như không có. Chưa tính đến guồng quay công việc ở cơ quan cũng không ít áp lực. Cứ như vậy ròng rã suốt 3 năm, nhiều người đặt câu hỏi động lực nào khiến anh duy trì được những điểu tốt đẹp này?

“Động lực lớn nhất đối với mình là những người đồng cảnh nên mình thực sự đồng cảm với các em và mình chỉ mong muốn là được giúp đỡ các em. Đồng thời, mình cũng có niềm đam mê cháy bỏng với nghề giáo nữa”, anh Quyết cho biết.

Tấm gương từ nghị lực

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở vùng đất hiếu học huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Tạ Quang Quyết đã ý thức được rằng bản thân phải cố gắng và không ngừng phấn đấu trong học tập. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, anh đã thi đỗ Học viện An ninh Nhân dân.

18527429_1201570306618237_102694406403395555_o 4

Thầy Tạ Quang Quyết chúc các em học sinh thi tốt trong mùa thi năm nay. (Ảnh: Nguyễn Quân)

Trong suốt quá trình học tập tại đây, với những nỗ lực và cố gắng của bản thân anh đã đạt được nhiều thành tích trong học tập. Anh từng giành 3 giải Nhất cá nhân nghiên cứu khoa học cấp Học viện, gần 20 giải tập thể nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, anh còn tham gia và đạt nhiều giải thưởng do các cấp, bộ, ngành phát động.

Sau 5 năm học tập tại trường, Tạ Quang Quyết tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi và bảng thành tích tốt, điểm tổng kết 8,75. Với những kết quả mà anh có được, anh đã được giữ lại học viện để công tác.

Trong suốt quá trình giảng dạy, song song với công việc chuyên môn tại trường, phần lớn thời gian ngoài giờ anh luôn dành cho việc dạy học cho các bạn học sinh ở lớp học của mình. Vừa giảng dạy tại học viện, vừa đứng lớp tại lớp luyện thi, mặc dù công việc rất bận rộn, nhưng anh đã làm rất tốt cả 2 công việc cùng một lúc – đây là điều mà làm mọi người khâm phục ở anh.

Nguyễn Quân
Bình luận
vtcnews.vn