• Zalo

Lớp mẫu giáo có 3 cặp song sinh

Giáo dục Thứ Hai, 02/09/2013 06:58:00 +07:00Google News

Mặc đồ giống nhau, thói quen ăn uống, sinh hoạt, kể cả… khi bị bệnh cũng giống nhau là những điều khá thú vị ở một lớp mẫu giáo có đến 3 cặp chị em song sinh

Mặc đồ giống nhau, thói quen ăn uống, sinh hoạt, kể cả… khi bị bệnh cũng giống nhau là những điều khá thú vị ở một lớp mẫu giáo có đến 3 cặp chị em song sinh tại xã cồn Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên, An Giang).

Đầu năm học 2013 - 2014 này, khi tiếp nhận hồ sơ học sinh 4 tuổi vào học lớp chồi, cả ban giám hiệu và giáo viên trường mẫu giáo Hoàng Yến (xã Mỹ Hòa Hưng) đều bất ngờ khi có đến 4 gia đình đăng ký gởi 2 con cùng lúc. Trong đó, có 3 cặp song sinh nữ và 1 cặp nam.

“Mọi năm, trường vẫn tiếp nhận 2 anh em hoặc chị em song sinh vào học, không có gì lạ. Tuy nhiên, việc có đến 4 cặp song sinh vào học cùng lúc thì trước nay chưa có tiền lệ”, cô Hiệu trưởng Trần Thị Hạnh Dung tỏ ra ngạc nhiên. Do điều kiện nhà xa nên cặp song sinh nam được bố trí học tại điểm phụ của Trường mẫu giáo Hoàng Yến phía đầu cù lao ông Hổ, riêng 3 cặp song sinh nữ thì học tại điểm chính.

Các cặp song sinh (từ trái qua): Mỹ Phượng – Mỹ Hoàng, Ngọc Hương – Ngọc Nga và Bảo Trân - Ngọc Trân.
Các cặp song sinh (từ trái qua): Mỹ Phượng – Mỹ Hoàng, Ngọc Hương – Ngọc Nga và Bảo Trân - Ngọc Trân. 
Cô Đoàn Thị Yến Thu, giáo viên chủ nhiệm lớp chồi (4 tuổi) có 6 bé gái đặc biệt này, chia sẻ: “Ngoài khuôn mặt, vóc dáng giống như 2 giọt nước, mỗi cặp song sinh đều mặc cùng loại quần áo, mang cùng loại dép nên lúc đầu rất khó phân biệt. Tuy nhiên, về sau khi để ý kỹ, tôi cũng có cách phân biệt đâu là chị, đâu là em”.

Đối với 2 chị em Nguyễn Lê Bảo Trân và Nguyễn Lê Ngọc Trân (ấp Mỹ Khánh 1, xã Mỹ Hòa Hưng), cô giáo sợ nhất là 1 trong 2 bé bị bệnh.

“Hễ thấy Bảo Trân bị nhặm mắt (đau mắt hột) bên phải, là vài giờ sau Ngọc Trân cũng nhặm mắt bên phải. Ngược lại, Ngọc Trân bị bệnh nghỉ học thì Bảo Trân cũng bị bệnh theo. Khi vào lớp, cô chị khóc thì cô em cũng khóc, cô chị cười thì cô em cũng cười, cô chị đi vệ sinh thì cô em cũng… đòi đi vệ sinh. Muốn phân biệt 2 chị em, chỉ có cách đặt câu hỏi là cô em Ngọc Trân nhanh nhẹn trả lời ngay”, cô Yến Thu chia sẻ.

Trong khi đó, 2 chị em Nguyễn Thị Mỹ Phượng – Nguyễn Thị Mỹ Hoàng (ấp Mỹ Long 2, xã Mỹ Hòa Hưng) thì lại giống nhau cả với từng các món đồ chơi, giày dép, quần áo, kể cả khăn tay đính vào áo cũng phải… cùng màu.

Theo chị Phan Thị Hồng, mẹ của 2 bé, khi muốn mua vòng đeo tay, nơ, kẹp tóc… đều phải mua một cặp giống nhau cả về màu sắc và hình dáng, nếu khác nhau thì 2 chị em sẽ không “nhận hàng”. “Cả Mỹ Phượng và Mỹ Hoàng đều ngoan, dễ ăn uống và hòa đồng với các bạn cùng lớp”, cô Yến Thu so sánh.

Đối với chị em Nguyễn Thị Ngọc Hương – Nguyễn Thị Ngọc Nga (ấp Mỹ Long 1), tuy vẫn thích mặc đồ giống nhau nhưng không quá đòi hỏi “khắt khe” về khăn tay, kẹp tóc, màu dép, trang sức cùng loại. Tuy nhiên, điều làm cho cô giáo chủ nhiệm đau đầu là cả 2 bé đều giống nhau tính… kén ăn.

“Món nào Ngọc Hương không ăn thì Ngọc Nga cũng không chịu ăn, kể cả bữa ăn chính hay các món ăn vặt như sữa chua, trái cây… Cách phân biệt 2 chị em dễ nhất là dựa vào nốt ruồi trên mặt của 1 trong 2 bé”, cô Yến Thu thông tin thêm.

Rồi cô chia sẻ: “Hầu như năm nào nhận lớp 4 tuổi cũng đều có 1 cặp song sinh nhưng năm nay thì quá đặc biệt. Sự góp mặt của các bé, từ khuôn mặt, tính nết, trang phục giống nhau giúp lớp học càng thêm sinh động, thú vị. Khi xây dựng các chương trình văn nghệ, tiểu phẩm, kể chuyện, các cặp song sinh luôn làm cho chương trình thêm vui và hấp dẫn”.


Theo An Giang Online

Bình luận
vtcnews.vn