• Zalo

Lớp học kỳ diệu ở Bình Định của vị Giáo sư người Nhật

Giáo dụcChủ Nhật, 29/01/2017 17:55:00 +07:00Google News

Ông Michio Umegaki (một giáo sư người Nhật) đã âm thầm đến vùng rốn lũ ở Bình Định để mở lớp học đặc biệt dành cho những trẻ em bị khuyết tật.

Lớp học có cái tên cũng rất dễ thương - lớp “Ước mơ”, dành cho trẻ em bị nhiễm chất độc da cam ở xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Năm 2012, trong một lần đến Phù Cát để thực hiện nghiên cứu về hậu quả chiến tranh, GS. Michio Umegaki (69 tuổi, Đại học Keio, Nhật) đã gặp những gia đình có con em bị khuyết tật, hoặc mắc bệnh down.

anh82d_eipp

Giáo sư Michio Umegaki đang dạy các học trò khuyết tật 

Cảm thương những đứa trẻ ở làng quê nghèo với nhiều khó khăn, ông quyết định phải làm một điều gì đó cho chúng. Vậy là lớp học “Ước mơ” ra đời để trẻ bị nhiễm chất độc da cam ở đây cũng được đến lớp, đến trường, được vui chơi và học tập.

Một trong những ấn tượng mạnh nhất của chúng tôi ngay khi bước vào lớp là sự vui vẻ, hồn nhiên của những đứa trẻ khuyết tật. Các em đang hí hoáy tô màu làm thiệp chúc tết để mang về khoe với ba mẹ.

 
Năm 2015, nhóm Chung tay Donation (một tổ chức hỗ trợ về giáo dục tại TP.HCM) đã kết nối với giáo sư Umegaki để cùng trợ giúp lớp học "Ước mơ". Từ năm 2015, nhóm đã giúp lớp học "Ước mơ 1" với mức 2 triệu đồng/tháng. Như vậy, ngoài khoản hỗ trợ của giáo sư Umegaki 2.500 USD cho mỗi lớp học mỗi năm, lớp còn có khoản hỗ trợ 24 triệu đồng/năm của nhóm Chung tay Donation.

Chúng tôi như trở lại cái thời học tiểu học cùng các em, đầy say mê, hân hoan và sáng tạo.Cứ mỗi tuần một lần, lớp học lại được mở vào sáng chủ nhật. Những đứa trẻ bị hội chứng down, xương thủy tinh, chậm phát triển trí tuệ… ở vùng quê nghèo của huyện Phù Cát được ba mẹ chở đến lớp để được học đọc, học viết, học tô màu, tập thể dục, hát ca.

Đường đến trường của các em cũng gian nan lắm. Vì ở quê, cha mẹ làm nông bận rộn việc đồng áng, gia đình lại khó khăn quá mức nên việc dành ra một buổi sáng chủ nhật để đưa con đến trường là một thử thách lớn. Một phụ huynh trong lớp tâm sự:

“Nhà tôi ở cách trường gần 10 km. Con trai tôi bị bệnh xương thủy tinh, đầu to nên lo chạy chữa cho nó từ nhỏ đến giờ thì cha mẹ cũng hết sức. Không có xe máy, lại không thể chở con bằng xe đạp vì cháu phải có xe lăn đỡ ngay cả khi học trên lớp nên tôi đẩy bộ cháu từ nhà lên đây. Thương con nên mình làm được gì thì làm thôi chứ có ai muốn bệnh tật vậy đâu”.

Cô Phạm Thị Bảy, Hiệu trưởng Trường tiểu học số 2 Cát Trinh, chia sẻ: “Dù các thầy cô của trường chưa được đào tạo để dạy trẻ khuyết tật, đặc biệt như các học sinh của lớp "Ước mơ" nhưng bằng tình yêu, sự quan tâm chia sẻ, các thầy cô đã đều đặn đến lớp trong suốt 4 năm qua. Và không uổng công ông giáo sư người Nhật đã mở lớp, không phụ lòng các thầy cô, các em học sinh của lớp đã tiến bộ rất nhiều”.

anh82a_LYEN

 Giờ sinh hoạt của thầy trò tại lớp học đặc biệt của Giáo sư Michio Umegaki.

Những tiến bộ đó, với người bình thường tưởng như rất đơn giản nhưng với các em bị khuyết tật thì đó là một sự cố gắng rất lớn.

“Có em đã biết tự vệ sinh cá nhân, biết phụ giúp việc nhà, biết chào hỏi, thể hiện cảm xúc. Em khác đã giỏi hơn trong việc định hướng đi lại, cha mẹ để em đi bộ đến trường mà không sợ lạc. Một số em làm toán nhanh hơn, viết chữ đẹp hơn... Những chuyển biến ấy, dù nhỏ cũng tiếp thêm nghị lực cho chúng tôi bám lớp”, cô giáo Hà Thị Mỹ Thôi, người đã theo lớp 4 năm học, tâm sự.

Thanh Hải (Tổng hợp)(Nguồn: Thanh Niên)
Bình luận
vtcnews.vn