(VTC News) - Từ khi có con chữ, chị em phụ nữ dân tộc ít người tỉnh Cao Bằng đã biết cái Chứng minh thư nhân dân dùng để làm gì, rằng không phải cứ ốm rồi mới nên đi tiêm phòng, hay rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh sẽ giúp phòng tránh được bệnh tiêu chảy... Cuộc sống của người dân nơi đây đang dần đổi khác.
Cuốn sách đến từ cuộc sống
Đến lớp học thì phải có sách nhưng phụ nữ dân tộc thì không thể học theo sách thông thường. Đó là lý do cuốn “Tài liệu giáo dục phát triển cộng đồng” được ra đời. Mỗi bài giảng trong bộ sách được thiết kế với 3 phần: Toán, Tiếng Việt và Tự lập kế hoạch cho cuộc sống. Tổng cộng 48 bài giảng đảm bảo cho học sinh có kiến thức văn hóa đến hết lớp 3, đồng thời nắm bắt được những kiến thức cơ bản về đời sống. Đây là tài liệu do tình nguyện viên và cán bộ thuộc tổ chức ADRA (Australia) biên soạn với sự giúp đỡ của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Cao Bằng.
Không có điện sáng nhưng các chị em phụ nữ dân tộc vẫn thắp đèn đi học |
Trong mỗi bài học, ngoài hai phần chung là Toán và Tiếng Việt, học viên được trang bị thêm phần về kiến thức cuộc sống. Chủ đề của mỗi bài thường rất cụ thể như: Thông tin cá nhân, Các bộ phận của cơ thể, Ăn uống đủ chất hợp vệ sinh, Bảo vệ môi trường,…
Để có những bài giảng đúng với nhu cầu của phụ nữ vùng cao, các tình nguyện viên và cán bộ dự án đã phải dành hơn một năm thâm nhập thực tế, cùng ăn uống ngủ nghỉ với đồng bào nơi đây.
Phần kiểm tra bài cũ |
Các chị em luôn chăm chú theo dõi từng bài học |
Các bài học sau khi lên khung/sườn được đưa ra thảo luận với sự tham gia góp ý của chính những học viên là đồng bào dân tộc ít người.
Chị Nguyễn Thúy Nga, thành viên biên soạn cuốn sách, cũng là một trong những “cô giáo” của dự án chia sẻ: “Chúng tôi từng chứng kiến một cháu bé bị ốm nhưng người mẹ mang theo cả một tập bảo hiểm y tế của cả gia đình tới trung tâm y tế. Hỏi ra mới biết, do không rõ cái nào của bé nên mang cả tới để các cán bộ chọn hộ. Hay một tình nguyện viên của dự án đã phải mất hàng giờ đồng hồ để giải thích về tác dụng của chiếc CMTND cho một chị người dân tộc Tày,...”.
Tất cả những câu chuyện, những trải nghiệm thực tế đó được nhóm tình nguyện viên, cán bộ dự án ghi chép cẩn thận và đúc kết để cho ra đời cuốn sách mà đồng bào nơi đây gọi băng cái tên trìu mến: Cuốn sách đến từ cuộc sống. Cũng chính nhờ những điều này mà nội dung cuốn sách trở nên dễ hiểu, ngắn gọn và gần gũi với chị em phụ nữ. Sách đã được Sở GD&ĐT tỉnh Cao Bằng kiểm định chất lượng.
Đổi thay nhờ con chữ
Có lớp học, có sách rồi nhưng việc vận động được chị em phụ nữ tới lớp cũng không phải chuyện dễ. Rào cản chính là những bất đồng về ngôn ngữ và văn hóa. Để giải quyết khó khăn này, nhóm dự án phải nhờ tới sự can thiệp, giúp đỡ của Hội Liên hiệp Phụ nữ địa phương.
Miệt mài bên trang sách |
Bà Nông thị N (thành viên Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Cao Bằng) cho biết: “Ban đầu vận động chị em tới lớp khó lắm. Chẳng ai muốn đi vì… ngại. Họ nói, lớn rồi đi học làm chi nữa (?!). Sau dần được giải thích, khuyên nhủ, biết được tác dụng của cái chữ nên ai cũng hào hứng lắm”.
Do điều kiện thiếu thốn nên việc sắp xếp lớp học gặp nhiều khó khăn. Các lớp học ban ngày phải học trong những gian nhà ghép bằng gỗ ván. Buổi tối trời lạnh, chị em được học trong những lớp học của các em học sinh tiểu học. Khang trang hơn nhưng chẳng có đèn điện, phải dùng nến thay thế. Ấy vậy mà số chị em đăng ký theo học vẫn ngày một tăng.
Điều đáng mừng là sau mỗi giờ lên lớp, chị em phụ nữ như tự tin hơn hẳn. Họ đã biết cái CMTND dùng để làm gì, biết rằng không phải cứ khi ốm rồi mới nên đi tiêm phòng hay rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh sẽ giúp phòng tránh được bệnh tiêu chảy,...
Phấn khởi tham gia vào các cuộc thi |
Giờ đây đến lớp, được học chữ không chỉ là niềm vui của chị em phụ nữ nói riêng. Mà nó còn giúp tạo nên sự thay đổi trong cách sống, cách nghĩ của nhiều người dân bản địa nói chung. Tất cả đang mang tới một diện mạo mới cho mảnh đất cực Đông Bắc của Tổ quốc này.
Bình luận