(VTC News) - Không chỉ là người lồng tiếng cho phim mà những diễn viên "giấu mặt" đôi lúc lại trở thành nhà biên dịch cho những lời thoại tối nghĩa, văn tự dài dòng, hay có lúc trở thành nhà ngôn ngữ học bất đắc dĩ.
Sau khi VTC News đăng bài “Vua” lồng tiếng Huy Hồ: Kỳ tài, một lúc khoe 5 giọng, chúng tôi nhận được phản hồi của diễn viên lồng tiếng Huy Hồ mong muốn không nên gọi anh là “vua” như vậy anh thấy ngại, không xứng đáng nhận danh hiệu đó .
- Thưa anh, phải nói rằng có những từ ngữ trong phim bộ Hồng Kông TVB vẫn còn lạ đối với khán giả Việt Nam, đặc biệt là các từ trong cách xưng hô. Chẳng hạn trong phim Thuật Tiên Tri đang chiếu trên SCTV9, có lời xưng hô “biểu tỉ”, "biểu ca"... tại sao không dịch thẳng ra là “chị họ”, "anh họ"... bởi nhiều người không biết “biểu tỉ”, "biểu ca" là như thế nào?
Thắc mắc khán giả là đúng, nhưng do mình lồng phim cho nhiều người xem ngoài vấn đề giải trí còn giúp họ hiểu và biết được văn hóa, cách xưng hô ở bên đất nước đó.
Họ hàng người ta dùng từ ngữ như thế nào, tất nhiên cái gì cũng mang tính chất tương đối của nó.
Trong phim cổ trang có cách gọi khác, phim thời hiện đại cách gọi khác. Ví dụ thường thường hay nghe cách gọi phụ hoàng, mẫu hậu, nhưng cái thời nào đó gọi là phụ hoàng a ca, hoàng nhạc nương, xem phim người ta biết phim này ở thời vua Càn Long, phim này thời vua Khang Hy...
Như phim Thần Điệu Đại Hiệp, hai nhân vật chính nếu xưng anh, em thì nghe rất là kỳ nhưng nếu xưng hô tỉ, muội, ca ca thì lại hợp lý.
Hay vợ hoàng tử gọi là hoàng phi, vợ thái tử là thái tử phi, để người xem biết rõ người phụ nữ này vợ của ai, cái này theo kinh nghiệm từ người Hoa dịch ra, người xem phim hiểu được chứ không có trong từ điển. Hay như một ông có nhiều vợ thì gọi là má Hai, má Ba, má Tư, má Năm chẳng hạn. Tóm lại, tùy theo thời điểm, dạng phim mà mình có cách xưng hô nhân vật sao cho phù hợp với thời đó, thể loại phim đó.
- Có khi nào diễn viên lồng tiếng can thiệp, sửa chữa lời thoại ?
Cũng có chứ. Chẳng hạn khi mình đọc có một câu cảm thấy sượng, dịch tối nghĩa, thì mình phải đặt câu hỏi, câu này tại sao lại dịch thế này, buộc mình phải dừng lại.
Chẳng hạn, trong phim có đoạn câu nói giống tục ngữ, ca dao Việt Nam mà người dịch lại dịch sát nghĩa ra thành lời văn thì mình xem tục ngữ ca dao Việt Nam có câu giống nào giống như nghĩa đoạn dịch thì thay vào.
Do làm lâu năm nên có những lời thoại nào thấy sượng là biết liền, và mình sửa cũng nhanh lắm. Ví dụ, cùng chung ê-kíp nhau tối thiểu 7 người, cùng một câu nói bị sửa nhưng không báo trước.
Tuy nhiên, do các bạn diễn lồng tiếng tinh thần luôn tập trung cao độ, đầu óc luôn trong tình trạng tỉnh táo, nhập vai nên xử lý nhanh lắm, biết người đồng nghiệp này sửa thì đồng nghiệp khác sẽ nắm bắt đọc theo lời sửa và nói luôn không hề sượng gì cả.
Cũng có trường hợp hai người đang diễn ngon lành nhưng bất ngờ có đoạn bị sửa bất ngờ quá, bạn diễn trở tay không kịp la lên "ồ! ông chơi tui àh", nghĩa là sửa mà không báo trước nhưng sau đó họ vẫn bắt kịp được vai thoại.
- Những trường hợp nào khiến anh thường đọc sai từ ?
Đọc sai à? Có chứ. Có những lúc sai do quá mệt mỏi hay do bản dịch rối từ đầu đọc không thoải mái, sửa từng đoạn. Tuy nhiên thời gian sửa không lâu, sắp xếp lại tí xíu, công việc này cùng đã quen nên không khó khăn gì.
Có khi người dịch mới vào nghề chưa quen việc dịch phim nên dịch câu quá dài, ví dụ miệng nói 10 từ, trong khi dịch câu 15 từ. Lúc này mình vẫn “lua” được nhưng quan trọng là khán giả nghe có kịp không.
Vì vậy bắt buộc mình phải giảm từ, mình giảm bằng còn 10 từ nhưng nếu vậy nó sẽ thiếu một, hai từ nên không đủ nghĩa, bắt buộc mình phải thêm vài từ nữa cho nó vừa trọn ý vừa tròn âm, như vậy tốc độ nói người xem dễ nghe và hiểu.
Nếu không có kinh nghiệm cố đọc cho hết chữ thì bản thân người lồng không hiểu nghĩa thì nói chi đến khán giả xem phim, lúc đó vô hình chung là đọc chứ không còn nói, mà phim bộ cho khán giả xem diễn viên nói thật qua hình ảnh người Hoa nói tiếng Việt khớp lời, khít miệng.
- Theo anh, các khâu dịch phim, duyệt phim có gây khó khăn cho người lồng tiếng? Cũng có trường hợp hai người đang diễn ngon lành nhưng bất ngờ có đoạn bị sửa bất ngờ quá, bạn diễn trở tay không kịp la lên "ồ! ông chơi tui àh", nghĩa là sửa mà không báo trước nhưng sau đó họ vẫn bắt kịp được vai thoại.
Nói về chuyện dịch phim, cũng tùy người, tùy nhóm dịch giỏi hay dở. Có phim dài mà một người dịch không đủ tiến độ, bắt buộc 4-5 người dịch riêng lẻ, mỗi người phụ trách mỗi tập chẳng hạn thì có khi không ăn khớp, về lời văn, số từ ngữ chuyển âm để khớp miệng, về cách xưng hô nhân vật trong phim...
Còn nếu nhóm người làm chung ê-kíp nhau trong cùng một công ty thì cách dịch, cách xưng hô nhân vật trong phim có sự gắn kết, ăn khớp với nhau, thuận lợi cho người lồng tiếng.
Ngoài ra, khâu quan trọng cuối cùng là khi bộ phim đã được hoàn chỉnh khâu lồng tiếng nhưng muốn phát sóng được phải qua khâu khiểm duyệt nội dung (hình ảnh và âm thanh: lời thuyết minh, lồng tiếng, nhạc, tiếng động).
Lúc này bộ phim chịu nhiều ảnh hưởng từ Hội đồng duyệt phim, nếu người duyệt phim có trình độ, kiến thức xã hội, chuyên môn thì tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ làm phim, trong đó có diễn viên lồng tiếng, ngược lại thì cũng vất vả, nhiêu khê.
Ví dụ bộ phim Tuyết Đinh San - Phàn Lê Huê, đoạn Phàn Lê Huê cầm một cái rổ tre giả bụng bầu, lời dịch miêu tả cái rổ tre đó là cái rế, mình xem lại hình ảnh thì thấy lời dịch đúng nên lồng y vậy nhưng khi mang đến Hội đồng duyệt phim lại bảo là cái ky và buộc sửa phim nhưng sau nhiều lần thuyết phục phim cũng được thông qua.
Lúc này mình tự hỏi, không biết các vị trong Hội đồng có xem qua hình ảnh hay không hay chỉ duyệt qua lời thoại nên chưa hiểu cái ky và rế như thế nào. Nhiều lúc nghĩ lại nếu lời dịch sửa thành cái ky, người xem phim nghe thấy sẽ bảo rằng người lồng tiếng dịch sai, nói bậy.
Ngoài lồng tiếng vào hạng xuất sắc, Huy Hồ còn là cây văn nghệ "máu lửa". Ảnh: Phan Cường |
- Có những trường hợp thay vì để tiếng gốc người hát tiếng Hoa trong phim, thì người lồng tiếng lại hát thế vào thấy không phù hợp lắm, anh nhìn nhận vấn đề này ra sao?
- Nếu trường hợp đoạn đó, nhạc và lời trùng luôn thì nên giữ tiếng gốc lại, mình chỉ đọc thuyết minh hoặc phụ đề vào thôi để cho người ta hiểu lời hát đó. Còn những trường hợp nhân vật hát vu vơ gì gì đó thì mình dịch và hát luôn, ví dụ hát hò, ăn chơi không có đàn, trống, nhạc nền gì hết.
Có những bài hát đúng giai điệu nào đó thì lấy giai điệu đó bỏ vô, lấy lời dịch sửa cho đúng giai điệu, rồi hỏi lại người dịch có đúng ý nghĩa không thì mới lồng, nghĩa là giai điệu giống nhau mà lời thì khác mình chỉnh sao cho phù hợp, khít lời, khớp miệng là được.
Cũng có những người lồng tiếng hát bằng lời Việt vào nhưng khác ý, làm sai lệch nội dung khiến người xem khó hiểu, khó chịu là do cách làm cẩu thả của những người lồng tiếng.
- Kỷ niệm nào đáng nhớ anh khi hành nghề "giấu mặt", thưa anh ?
Thời kỳ đầu lồng tiếng phim bộ, tụi này không rành tiếng Hoa, lúc đó mình và một người bạn nữa có đi học nhà của cô người Hoa cũng về lồng tiếng. Tới nhà cô đó dạy, dạy chưa xong khóa thì hai đứa bị cô đuổi mất dép, bởi lý do hỏi nhiều quá, hỏi những từ nghiêm chỉnh và cả những từ không nghiêm chỉnh.
Tại vì phim Hồng Kông có những từ ngữ văng tục chửi thề rất là thoải mái, tụi này hỏi tới hỏi lui cô tức quá hổng trả lời được nên đuổi học luôn (cười).
Với những từ văng tục, chửi thề nguyên bản dịch ra nghe rất kỳ nhưng khi lồng tiếng mình phải sửa lại như khốn khiếp, mẹ kiếp hay cái gì đấy để giảm bớt khẩu ngữ của từ bản gốc, những từ này chỉ dùng cho các đối tượng xã hội đen, đầu gấu, bụi đời, giang hồ...
Tuy sửa lời nhưng cơ bản vẫn giữ được mức độ, thái độ, hành vi lưu manh, côn đồ của nhân vật để người xem cảm nhận được cái thật của phim.
- Theo chị Bích Ngọc, chỉ có 2 người trong nhóm lồng tiếng thế hệ anh được vào Hội Điện ảnh TPHCM, chắc có khó khăn gì ?
Thầy Cao Thụy trước khi mất có ước nguyện cuối đời là đề nghị các đồng nghiệp như mình vô Hội Điện ảnh TPHCM để có cơ hội và điều kiện phát triển nghề nghiệp nhưng cả nhóm không vô, nghĩ cũng có lý do của nó.
Tụi này nghĩ đơn giản mình làm công việc giấu mặt nghĩa là giấu luôn "thân phận" nên không tham gia, mà thật sự “họ” cũng đâu nghĩ đến mình.
Hồi trước đến giờ có rất nhiều giải thưởng dành cho diễn viên chính xuất sắc, diễn viên phụ xuất sắc, quay phim xuất sắc, đạo diễn giỏi… riêng diễn viên lồng tiếng thì chưa có bất cứ giải thưởng nào cho dù ít nhất cũng nhằm ghi nhận công sức nhỏ nhoi của những người hoạt động nghệ thuật thầm lặng như chúng tôi.
- Xin cảm ơn anh!
Kỳ tới: Mời độc giả đến với tâm sự diễn viên lồng tiếng Nguyễn Vinh - chuyên lồng tiếng cho các vai nam trẻ, kép chính phim bộ Hồng Kông TVB từ thập niên 1990 đến nay, hiện giọng lồng vua Trụ Vương (trong phim Đắc Kỷ Trụ Vương) đang chiếu trên SCVT9 cùng các vai khác do anh đảm trách.
Phan Cường (thực hiện)
Bình luận