Tôi vẫn khẳng định rằng, lòng trắc ẩn và sự nhân từ của con người chưa bao giờ là điều đáng lên án, nhất là trong xã hội mà sự giao tiếp về mặt cảm xúc cá nhân đang bị gián đoạn và hạn chế, nhường chỗ cho việc thể hiện cái “tôi” và sống ảo lên ngôi. Tuy nhiên, đã bao giờ chúng ta nhìn nhận lại tất cả việc làm mang tên “nhân ái”?
Người Việt Nam khi nói đến lòng thương người, lá lành đùm lá rách liền nghĩ đến việc cung cấp vật chất. Tuy nhiên, đôi khi đồng tiền ấy đặt không đúng chỗ. Tiêu biểu như câu chuyện của bé Hào Anh. Đầu tháng 5.2010, công an giải cứu Hào Anh từ trại tôm giống của Huỳnh Thanh Giang và Mã Ngọc Thơm ở ấp Phú Hiệp, sau một thời gian dài bị Giang - Thơm cùng hai người làm hành hạ dã man như ép uống nước tiểu, bị búa đập vào đầu gối, kìm kẹp sứt môi...
Người ta chẳng còn nhận ra cậu bé khi đó với những vết lở loét trên lưng, và mỗi khi thở, mạn sườn cậu hiện lên lồ lộ sau làn da ngắm đen chằng chịt dấu vết của sự hành hạ thể xác. Cuối cùng, vợ chồng Giang - Thơm vào tù, cuộc đời Hào Anh mở sang trang mới: Cậu nhận được gần 700 triệu tiền từ các nhà hảo tâm và trở thành một chàng trai khỏe mạnh.
Thiết nghĩ rằng Hào Anh sẽ tiếp tục tốt đẹp như vậy cho đến khi các trang báo lần lượt đăng tin cậu hỗn láo với cha mẹ, dùng tiền quyên góp để vào bar, vũ trường, mua xe hiệu… Từ một cậu bé đáng thương với lối nói ngây thơ "con có biết ghét ai đâu", Hào Anh đã vướng vào vòng lao lý.
Người ta trách cậu bé sao vô ơn, bạc nhược… nhưng thiết nghĩ, với một cậu bé 18 tuổi có trong tay hơn nửa tỷ mà không phải do mình làm ra, liệu cậu có biết trân trọng và đủ kỹ năng trong việc tính toán tài chính? Hơn mọi cách giúp đỡ, liệu biện pháp “cho đồng tiền” có thật sự nhân ái?
Một câu chuyện cũng từng làm xôn xao cộng đồng mạng về việc chăn dắt trẻ em, người già cả ăn xin đã khiến người ta nhận ra rằng lòng tốt không đặt đúng chỗ sẽ trở thành sai trái. Nó tiếp tay cho những kẻ ăn bám đằng sau việc lợi dụng lòng tốt có phần dễ dãi của cộng đồng.
Thực tế, có không ít người khỏe mạnh chọn cách ăn xin để nhận lấy số tiền bố thí từ người khác. Chúng ta luôn tìm cách quyên góp vật chất tức thời, nhưng không tạo cho họ một “cái cần câu” kiếm sống, một công việc ổn định tương lai. Lòng tốt giữa chừng như vậy, liệu có phải là nhân ái trọn vẹn?
Trong thời gian qua, trên mạng xã hội tràn ngập câu chuyện về cuộc đời “người đàn ông câm đánh giày và chú chó mù”. Người ta đổ xô đi… từ thiện cho anh, vô số thanh niên mua áo, giày dép, sữa cho chú chó con, cưng nựng con vật và không hề biết rằng hơi người quá nhiều khiến chú chó nhỏ bị yếu sức. Những câu chuyện ác ý được lan truyền rằng có người thử lòng người đánh giày bằng cách đòi mua con chó… 5 triệu.
Cũng có kẻ soi mói, mỉa mai anh “Dạo này nhiều tiền quá phải không?”. Điều tiếng lan xa, khiến câu chuyện thương cảm ban đầu bị bóp méo đến mức không thể phân biệt thật giả. Để rồi, từ một cuộc sống bình thường với một công việc nghèo khổ nhưng bình yên, người đàn ông đánh giày phải đối chọi với vô số tai tiếng từ lòng từ thiện, nhân ái của người khác. Quan trọng hơn vật chất, lòng tự trọng của anh ít nhiều bị ảnh hưởng, bởi lẽ anh nào cần lòng nhân ái bằng cách “bố thí” tiền bạc.
Thời đại ngày nay, dường như người ta nhân ái theo “trào lưu”. Như một bài báo xúc động mới nổi trên mạng về mảnh đời bất hạnh, ta lũ lượt đến trao tặng vật chất, an ủi, động viên. Rồi khi sự việc lắng xuống, chẳng còn ai nhớ “nhân vật cũ” ra sao, ta lại tiếp tục từ thiện cho một ai khác mới nổi… trên mặt báo. Cứ thế, từ việc bạc đãi động vật, những mảnh đời thương tâm lan truyền nhanh đến chóng mặt và cũng chìm sau một vài tuần. Cuối cùng, điều gì đọng lại trong trái tim mỗi người?
Có một sự thật đáng buồn, rằng khi nghe tin về thân phận nghèo khổ, người ta thương xót và đến bên. Ta yêu thương họ, nắm tay họ; ta tặng họ tiền, quà cáp. Nhưng rồi, ta chẳng bao giờ ôm chú chó hàng xóm đang đói và ít khi gọi điện cho mẹ và nói những lời yêu thương.
Ta cũng chẳng quan tâm đến những người nghèo khổ cạnh mình mà chỉ cần để ý một chút sẽ nhận ra: cụ bà bán vé số từ chối nhận tiền ban ơn mà bắt khách phải mua, cậu bé tàn tật vẫn đi lượm ve chai nuôi cha ốm yếu. Phải chăng, “cái khổ” thật sự của họ là không được lên mặt báo và nổi thành… trào lưu?
Vì vậy, có lẽ “lòng nhân ái” trong mỗi người cần định nghĩa lại, rằng ta đang từ thiện vì mảnh đời nghèo khó, hay từ thiện cho chính bản thân cảm giác "rằng mình là người lương thiện"?
Lam Dung
Bình luận