Ngày 11/7, ông Phạm Tấn Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, các công ty, doanh nghiệp đã ghi nhận F0, F1 buộc phải dừng hoạt động ngay để tập trung truy vết và khoanh vùng cách ly. Ngoài ra, các công ty, doanh nghiệp còn lại cũng phải tạm dừng hoạt động từ 0h ngày 12/7.
Các trường hợp đặc biệt vì nhiệm vụ phòng chống thiên tai, an ninh quốc phòng và tình huống khẩn cấp khác, cần báo Chủ tịch tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo giải quyết.
Khi các công ty, doanh nghiệp xây dựng xong phương án "3 tại chỗ" (ăn uống, nghỉ ngơi và làm việc), phải báo cáo ngay cho cơ quan chức năng tiến hành thẩm định, trước khi hoạt động trở lại.
Long An có 62 cụm công nghiệp, 35 khu công nghiệp với khoảng 230.000 công nhân. Mỗi ngày có hơn 36.000 công nhân, lao động ở tỉnh này đến TP.HCM làm việc. Ngược lại, hơn 20.000 công nhân từ TP.HCM và các địa phương lân cận khác đến Long An làm việc.
UBND tỉnh Long An thông báo đến các tỉnh, thành giáp ranh là TP.HCM, Tây Ninh, Tiền Giang, Đồng Tháp để các địa phương này thông báo cho các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn và người dân biết, thực hiện nghiêm.
Để đảm bảo an toàn trong lưu thông hàng hóa, từ 0h ngày mai (12/7), các xe và người qua lại giữa địa bàn Long An và các tỉnh giáp ranh sẽ được kiểm soát chặt. Ngoại trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ, các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, các xe còn lại sẽ không được ra, vào địa bàn tỉnh.
Đến nay, Long An ghi nhận 393 ca COVID-19 trong cộng đồng được Bộ Y tế cấp mã số, trong đó 4 ca tử vong. 15 huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh đều đã xuất hiện ca nhiễm với 3.600 F1, 17.00 F2 và gần 25.000 F3. Tỉnh xuất hiện 13 chùm lây nhiễm đều liên quan đến yếu tố dịch tễ từ TP.HCM.
Trước đó, từ 0h ngày 8/7, tỉnh Long An áp dụng giãn cách xã hội tại TP Tân An và 4 huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc theo Chỉ thị 16; 10 địa phương còn lại thực hiện Chỉ thị 15.
Bình luận