Số vụ nhìn thấy lợn rừng hoặc báo cáo gặp phiền phức liên quan tới lợn rừng tại Hong Kong đã tăng gấp 2 lần trong vòng 5 năm, theo cơ quan Nông nghiệp, Ngư nghiệp và bảo tồn Hongkong (AFCD).
Những con vật này có thể nặng đến 200 kg và dài đến 2m, gần đây xuất hiện “chạy điên cuồng” tại nhiều khu vực ở Hong Kong, lang thang vào sân bay quốc tế Hong Kong và phá hoại trong một trung tâm thương mại, theo CNN.
Hong Kong được biết đến với các khu đô thị dày đặc và những tòa nhà chọc trời, tuy vậy các khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia chếm 40%.
Hầu như tất cả khu đô thị phát triển trên đảo Hồng Kông tập trung thành một dải với rừng bao quanh. Đối với cư dân ở đây, chỉ cần một bước ngắn là có thể từ “rừng bê tông” đến “rừng cận nhiệt đới” phát triển mạnh mẽ trên những ngọn đồi dốc đá.
Vì vậy, rắn, khỉ và nhím đều có thể được phát hiện trong khu dân cư. Vào thế kỷ 20, người dân còn có thể nhìn thấy hổ, còn ngày nay, động vật hoang dã được tìm thấy thường xuyên nhất là lợn rừng.
Chỉ có 10 trường hợp lợn rừng được ghi nhận gây thương tích cho người dân kể từ năm 2014, theo AFCD – nhưng một nửa trong số đó đã xảy ra vào năm 2018. Những con lợn rừng được nhận xét là ngày càng không sợ người và người dân phải bỏ đi khi gặp chúng.
Vào tháng 1/2019, Đại học Hồng Kông cảnh báo nhân viên và sinh viên sau hai vụ lợn rừng tấn công gần trường, theo truyền thông địa phương. Vào cuối năm 2018, hai người già đã bị lợn rừng cắn tại một khu nhà ở Kowloon.
Những con lợn rừng trưởng thành có trọng lượng lớn và răng nanh chắc khỏe, tuy nhiên, các con vật "thường không hung dữ", theo chuyên gia thú y Howard Wong. Ông cho biết, giống như hầu hết các động vật hoang dã, chúng sẽ phản kháng nếu bị dồn ép, bên cạnh đó cần tránh những con lợn mẹ đang dẫn theo lợn con.
Một trong những nguyên nhân khác thu hút lợn rừng xuất hiện trong khu dân cư ở Hong Kong là các thùng rác. Chúng thường tìm thức ăn ở đây và để lại rác rơi vương vãi. Quan trọng hơn là một số người cho lợn rừng ăn khiến chúng quay lại.
Môi trường sống bị ảnh hưởng bởi con người cũng khiến lợn rừng bị dồn ra thế giới bên ngoài. Trong những năm 1960-1970, các thị trấn ở Hong Kong phát triển khiến đất tự nhiên được chuyển thành đất nông nghiệp.
Bình luận