• Zalo

Lolita hay tình yêu của một kẻ tâm thần

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 22/06/2012 10:30:00 +07:00 Google News

Thật kỳ lạ khi siêu phẩm Lolita của Vladimir Nabokov đã thành công vang dội ở Mỹ và châu Âu từ thập niên 50, nhưng mãi đến năm 2012 mới có bản tiếng Việt.

Thật kỳ lạ khi siêu phẩm Lolita của Vladimir Nabokov đã thành công vang dội ở Mỹ và châu Âu từ thập niên 50, nhưng mãi đến năm 2012 bản tiếng Việt mới đến được Việt Nam.

 
Tôi không muốn nhắc lại về thành tích của cuốn sách nữa vì nó đã có vô số “Flick” ấn tượng: 50 triệu bản bán ra, top 10 cuốn sách gây tranh cãi nhất, top 100 tiểu thuyết xuất sắc nhất thế kỷ, vân vân và vân vân.

Cũng như không muốn tóm tắt lại cái nội dung giản dị của Lolita: Một tiến sĩ văn học người gốc Âu yêu si mê khốn khổ một em bé gái Mỹ 12 tuổi đến nỗi buộc phải kết hôn với mẹ cô bé, người mà ông ta không yêu, chỉ để hàng ngày được gần gũi với người thương. Sau khi mẹ cô bé chết trong một tai nạn, tiến sĩ cùng con gái vợ chu du khắp nước Mỹ.

Rồi cuối cùng, vì lòng ghen tuông, vì nỗi đau đớn bởi sự mất mát tình yêu, ông ta trở thành kẻ giết người và đây chính là tập hồi ký của Humbert, một kẻ tâm thần.

Từ lúc khởi thủy, Lolita được coi là một cuốn dâm thư và đã bị từ chối phũ phàng ở Mỹ, một quốc gia dường như luôn chấp nhận mọi tồn tại nghịch lý nhất của cả đời thường lẫn nghệ thuật, mặc dù V. Nabokov đã hy sinh thói quen viết tiếng Nga, tiếng mẹ đẻ mà ông nắm vững như lòng bàn tay mình, để chuyển sang viết tiếng Anh phục vụ độc giả. 

Chính V. Nabokov cũng đau lòng một cách hài hước mà rằng: Có biên tập viên thông minh về các mặt khác, nhưng trong trường hợp này, mới đọc lướt phần đầu đã nhận định Lolita là “châu Âu già hủ hóa châu Mỹ trẻ”, trong khi một tay đọc lướt khác lại thấy trong đó hình ảnh của “châu Mỹ trẻ hủ hóa châu Âu già”.

V. Nabokov cũng than phiền rằng có ông chủ NXB thấy tiếc vì trong cả cuốn sách không có người tốt nào cả. Một ông chủ NXB khác nói, nếu ông in Lolita thì cả ông và Nabokov sẽ đi tù.

Thậm chí “có những tâm hồn đôn hậu tuyên bố rằng Lolita chẳng mang ý nghĩa gì hết vì nó không dạy được họ điều gì” khi mà Lolita chỉ là câu chuyện đáng xấu hổ về một gã tâm thần và một cô bé dậy thì sớm lẳng lơ.

Sau đó cuốn sách đã được in lần đầu tiên ở Paris. Những người chấp nhận Lolita gọi đó là một cuốn sách khiêu dâm kết hợp với cách dạy dỗ hành vi ứng xử, bất luận sự phản đối của Nabokov rằng ông chẳng đưa ra bất kỳ bài học đạo đức nào ở đây cả.

Nhà văn Martin Amis còn cho rằng Lolita chính là biểu tượng của chủ nghĩa cực quyền đã phá hỏng nước Nga trong ánh mắt tuổi thơ của Nabokov, bất chấp việc ông nổi điên lên khi phủ nhận: “Tôi ghê tởm bất cứ thứ gì được gọi là biểu tượng hay bóng gió, ám chỉ”.

Việc các nhà phê bình cao cấp cứ cố gắng định nghĩa xem ý nghĩa sâu xa của Lolita là gì có vẻ khiến tác giả rất khó chịu. Ông cho rằng “cái mà một số người gọi là văn học ý tưởng chỉ đơn giản là phế phẩm mang tính thời sự kết thành những khối vữa to đùng được nâng niu truyền từ thời này sang thời khác cho đến khi có ai đó mang búa đến, bổ một choác vào Balzac, Gorki và Mann”.

Để giúp độc giả rõ hơn về câu chuyện này, ta hãy đi vào tính khoa học và bản chất của câu chuyện. Humbert, nhân vật chính của truyện, hơn Lolita 21 tuổi. Câu chuyện tình này sẽ chẳng có gì đáng nói nếu Humbert nhẫn nại chờ thêm chừng 3 năm nữa cho đến khi Lolita qua tuổi vị thành niên.

Nhưng tiến sĩ Humbert lại là một kẻ tâm thần mắc bệnh ham muốn tình dục với trẻ con, hay còn gọi là bệnh ái nhi.

Humbert đã bảo vệ luận án tiến sĩ, các bài báo khoa học vẫn thường xuyên được tăng tải, được các trường đại học mời giảng dạy, có mối quan hệ tốt đẹp với tất cả những người xung quanh, được đánh giá là một người nhã nhặn, lịch thiệp và nhân cách tốt, được phụ nữ mê như điếu đổ với bề ngoài điển trai. Tóm lại mọi hành vi và tác phong của Humbert hoàn toàn bình thường, đến nỗi cả hai người vợ và bạn bè anh ta đều chẳng hay biết gì.

 
Có lẽ xuyên suốt hơn 400 trang sách, điều mà độc giả dễ cảm nhận thấy nhất, đó là chừng ấy nỗi khổ ải đầy đọa con người này.
 
Gã Humbert một phần cứ phải che giấu con người thật để chứng tỏ mình là một người đàn ông bình thường, một người văn minh (ngay cả một câu trả lời xã giao đơn giản nhất cũng phải tính toán để không lộ tẩy bất cứ điều gì) khiến ngay cả khi gã chưa bị bỏ tù thì cũng giống như đang sống trong một cái nhà tù vô hình với một tưởng tượng vô hình về cái “cù lao thời gian thần tiên vô hình”.

Phần nữa, gã luôn phải đè nén và che giấu cái ham muốn tội lỗi của mình, cái ham muốn mà càng cố gắng đè bẹp, nó càng khiến cho gã phát cuồng lên, đặc biệt là khi Humbert sống kề sát Lolita, bị cô bé kích động hàng ngày, mà luôn phải giả bộ là một người cha dượng thân ái và lịch duyệt…

Viết Lolita là cách lựa chọn xử lý một đề tài quá khó khăn, chưa nói là độc nhất vô nhị.
 
Thứ nhất, tác giả phải đứng trên chủ thể nhân vật phản diện (tiếp cận nhân vật theo hướng này khó viết hơn nhiều so với lựa chọn chủ thể chính diện).

Thứ hai, tác giả luôn phải đối mặt giữa ranh giới của sự hấp dẫn và sự buồn nôn, tính nghệ thuật và sự nhàm chán, sự chấp nhận và từ chối, sự tỉnh táo và điên rồ. Không có kẻ nào điên rồ có thể viết tốt, hay nói đúng hơn, để viết về một kẻ điên rồ, càng cần đến sự tỉnh táo ở mức tuyệt đối.

Ở đây, Nabokov đã chạm đến tận cùng những kẽ tâm lý trong hang cùng ngõ thẳm của tâm hồn người, những suy nghĩ sâu kín được tác giả trải dài trên giấy trắng mực đen cho dù sinh thời ông rất coi thường Freud.

Cách xử lý câu chuyện và chi tiết của tác giả tài tình ở chỗ, ngay từ những dòng đầu trang sách cho đến lúc Humbert sống cùng một nhà với mẹ con Lolita, cái thứ dâm cuồng và khao khát không lối thoát cứ lẩn quất ở từng con chữ, từng động tác, từng gấu váy và cái viền tất, từng ngày từng giờ theo hồi ký trình tự của H.H, mỗi lúc một tăng theo số trang sách đã đọc cho đến độ độc giả, những người biết rõ thế nào dăm chục trang nữa Lolita cũng sẽ thuộc về Humbert, tự hỏi một cách tò mò rằng: “Giờ đã thế, vậy đến lúc ấy thì Humber hay Nabokov sẽ tiếp tục còn đưa độc giả vào đâu nữa. Không lẽ cuốn sách sẽ trở thành một bộ phim porno thứ thiệt?”.

Nhưng cuối cùng, khi hai con người khốn khổ ở trên cùng một chiếc giường trong một motel rẻ tiền, sự tất nhiên đã xảy ra, cộc lốc không một lời giải thích, thậm chí còn không thèm tuân theo cách cổ hủ của những ống kính máy quay tránh cảnh nóng bằng cách lướt lên vách tường có tranh khỏa thân hay hai đôi dép dưới đất.

Trong suốt hai năm trời chu du khắp nước Mỹ, ngày nào H.H cũng “hành hạ” Lolita, nhưng cha đẻ của cuốn sách nhất định không chịu mô tả thêm một cảnh nóng nào nữa cho đến phút cuối cùng.

Tất nhiên, đó cũng chính là chủ ý của Nabokov khi ông nói rằng: “Một số kỹ thuật trong phần mở đầu của Lolita đã khiến một số độc giả đầu tiên của tôi lầm tưởng rằng đây sẽ là một cuốn dâm thư. Họ chờ đợi một chuỗi cảnh khiêu dâm mỗi lúc một táo tợn hơn. Khi những cảnh đó ngừng lại, độc giả cũng ngừng lại và cảm thấy chán ngán và thất vọng”.

Humbert yêu thương và tôn thờ Lolita như với cách mà anh ta gọi các em bé gái: Tiểu nữ thần. Tình yêu đơn phương của H.H cũng có đầy đủ các cung bậc của một thứ tình yêu tột đỉnh. Sau sự phản bội của Lolita, gã cha dượng H.H nổi lòng ghen tuông và “lo ngước mắt lên với một nụ cười nửa miệng ngỡ ngàng và chẳng nói chẳng rằng, tôi bạt một cái tát tai trời giáng trúng cái chỏm nhỏ, cứng và nóng của gò má em…

Và tiếp đến là hối hận, là nức nở chuộc tội êm dịu đến thắt lòng, là quỳ gối yêu đương, là làm lành trong mê cuồng xác thịt đến tuyệt vọng. Trong đêm nhung lụa ở motel Mirana, tôi hôn lòng bàn chân hoe hoe vàng với những ngón dài của em, tôi đốt cháy mình…”. Humbert vừa là chủ nô, vừa là nô lệ của Lolita, và toàn bộ câu chuyện toát lên rất rõ hai khía cạnh mâu thuẫn đầy ám ảnh này.

Mặc dù thích thú quyến rũ ông bố dượng điển trai, mọi hành vi của Lolita chỉ là sự tò mò của một bé gái dậy thì, nhưng cũng chính vì thế mà vô tình cô bị một thứ tình yêu nô lệ tước đoạt cả tuổi thơ, tước đoạt tự do, tước đoạt một cuộc sống bình thường.

Trong tâm trạng đầy cô đơn, mà mãi sau này Humbert mới nhận ra, Lolita không cha không mẹ, không bạn bè và không người chia sẻ sống trong một môi trường bất bình thường, với một kẻ bất bình thường nuôi dưỡng một thứ tình yêu bất bình thường, đã trở thành một đứa trẻ rối loạn tâm lý hành vi và tính dục đến độ nhà trường đã phải cho mời phụ huynh (Humbert) đến.

Khi đang đọc dở cuốn Lolita, có người hỏi tôi rằng như vậy có phải những kẻ ái nhi chỉ thích trẻ em, và khi cái em bé hắn si mê đó đã đến tuổi trưởng thành thì hắn lại không đoái hoài đến nữa và đi kiếm một trẻ em khác. Tôi bảo đúng vậy.

Trường hợp của H.H và những kẻ mang dòng máu Humbert (như cách hắn gọi những kẻ ái nhi) coi giai đoạn giã từ tuổi dậy thì của những bé gái là điều tệ hại và ngu xuẩn nhất, với những mỹ từ kinh khủng nhất mà hắn gán cho những “em bé già” (16 tuổi trở lên).

Nhưng lúc đó, tôi mới đọc được một nửa cuốn sách, và tôi băn khoăn không biết câu chuyện này có kết thúc ở tuổi 15 của Lolita hay không. Song câu chuyện cuối cùng, lại vô cùng kinh ngạc, và đó là một trong những điểm đáng nói nhất của tiểu thuyết, là điều kỳ diệu ẩn khuất trong tâm hồn một con người, cho dù là một tâm hồn rách nát và bệnh hoạn, là những gì khó lý giải của y học.

Bạn đừng nghĩ rằng gã Humbert sẽ khỏi bệnh và chuyển sang yêu người lớn. Đó chỉ là một câu chuyện cổ tích mà thôi. Gã vẫn thích thú ngắm nhìn những bé gái xinh đẹp đang chơi đùa, nhưng tình yêu sét đánh của gã chỉ có một, sự tôn thờ của gã chỉ có một, khi mà gã vẫn dành tình thương yêu đau đớn và tuyệt vọng cho Lolita đã trưởng thành ngay cả khi cô bé đã lấy chồng và sắp sinh con:

“Tôi khẩn thiết muốn thế giới biết tôi yêu xiết bao Lolita của tôi, chính Lolita này, trắng bệch và ô nhiễm, với đứa con của một kẻ khác trong bụng, nhưng vẫn còn nguyên cặp mắt xám với rèm mi đen nhánh như bồ hóng, mái tóc vẫn nguyên màu hạnh đào nâu đỏ, vẫn là Carmencita, vẫn là của tôi. [...]
Ngay cả như vậy, chỉ cần trông thấy bộ mặt thân yêu tái nhợt của em, chỉ cần nghe âm thanh cái giọng trẻ khản đặc của em, lòng tôi đã ngập tràn thương mến đến phát điên rồi, ơi Lolita của tôi”.

Vì tình yêu kỳ lạ, Humbert đã xóa bỏ nguyên tắc mang mã gene độc nhất vô nhị của mình, xóa bỏ tư duy mỹ cảm của một người đàn ông, xóa bỏ lòng kiêu hãnh của một nam nhân khi nhìn cái bụng to phình của người thương đang mang đứa con của kẻ khác.

Rồi khi Lolita từ chối, cô bé thà yêu Quilty - một kẻ ái nhi điên khùng nghiện ma túy và bỏ rơi cô tức thì - hoặc yêu anh chàng Dick nghèo rớt mà lại điếc tai để rồi sống trong cảnh khổ cực còn hơn quay lại với Humbert. Humbert đã ôm mặt khóc và vẫn để lại cho cô một tấm séc giá trị trước đôi mắt ngỡ ngàng của Lolita...

Theo Di Li (An ninh Thế giới cuối tháng)

Bình luận
vtcnews.vn