Có hai điểm chung trong hoạt động của Techcombank và MaritimeBank trong năm 2012: cùng tuyển tổng giám đốc là người ngoại quốc và có kết quả kinh doanh tụt dốc so với các năm trước.
Sự kiện nhân sự cấp cao gây rúng động thị trường đầu năm 2012 liên quan đến hai cái tên ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) và ngân hàng Hàng hải (MaritimeBank) là việc thay tổng giám đốc người nước ngoài - chưa có tiền lệ trong lịch sử tài chính ngân hàng Việt Nam.
Ông Simon Morris (quốc tịch Anh) - người thay thế cựu Tổng giám đốc Techcombank Nguyễn Đức Vinh - được giới thiệu là có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng quốc tế, trong đó 13 năm làm CEO cho các nhà băng tại châu Á. Khi đó, Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh nhận định, ông Simon Morris với những kinh nghiệm sẵn có, sẽ dẫn dắt Techcombank trong hành trình tiến đến tiêu chuẩn toàn cầu.
Trả lời báo chí sau 4 tháng tiếp quản “ghế nóng” ở Techcombank, ông Simon Morris cho biết, bất lợi duy nhất là rào cản ngôn ngữ, còn mọi yếu tố khác, như việc tiếp nhận một ngân hàng có lợi nhuận 2011 đạt hơn 4.000 tỷ, thương hiệu mạnh, hệ thống mạng lưới rộng khắp… đều là các thuận lợi. CEO ngoại đầu tiên của một ngân hàng cổ phần tại Việt Nam cho biết, mục tiêu của Techcombank là trở thành ngân hàng hàng đầu vào năm 2014 và làm bằng được bằng những cách mà thị trường công nhận và tôn trọng.
Hai CEO ngoại của Techcombank (trái) và MaritimeBank (phải) được bổ nhiệm năm 2012 và được giới thiệu là những người giàu kinh nghiệm trong điều hành ngân hàng. |
Tuy nhiên, khi được hỏi về những "đột phá" sẽ làm tại MaritimeBank, ông cũng khéo léo chia sẻ, kết quả kinh doanh không chỉ phụ thuộc vào người điều hành mà còn quyết định bởi các yếu tố khác như nhân sự, nền tảng, tiềm lực tài chính… nên chưa thể khẳng định cá nhân có thể thay đổi diện mạo của ngân hàng trong thời gian ngắn.
Tuy vậy, kết quả kinh doanh của cả 2 ngân hàng trên trong năm 2012 đều không mấy khả quan. Lợi nhuận trước thuế của Techcombank là 1.018 tỷ đồng, đạt 22% kế hoạch và giảm 76% so với năm 2011. Tại MaritimeBank, trong năm 2012, lợi nhuận trước thuế cũng giảm mạnh hơn 70% trong so với năm trước với con số khiêm tốn chỉ hơn 255 tỷ đồng. Những số liệu nói trên của 2 ngân hàng đều là mục tiêu đã điều chỉnh thấp hơn so với những gì đặt ra trong đại hội cổ đông diễn ra vào đầu năm 2012.
Techcombank cho biết, năm 2012, kinh tế thế giới biến động phức tạp đã tác động đến Việt Nam và chính sách kiếm soát chặt tiền tệ khiến cho hoạt động của ngành ngân hàng, trong đó có nhà băng này, tương đối khó khăn. Còn tại MaritimeBank, Chủ tịch HĐQT Trần Anh Tuấn nhận định, lợi nhuận giảm là do ngân hàng này đã trích lập một khoản dự phòng rủi ro tối đa nhằm tạo nguồn xử lý nợ xấu khiến chi phí dự phòng tăng cao.
Đối với các chỉ tiêu khác, trong đó có huy động vốn và tăng trưởng tín dụng, ông Tuấn cho rằng bị ảnh hưởng bởi khó khăn của kinh tế khi tăng trưởng chậm, dịch vụ giảm, bất động sản đóng băng, chứng khoán trầm lắng…
Với kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh hơn 70% so với năm 2011 trong một năm điều hành của hai CEO ngoại, năm 2013, cả hai ngân hàng nói trên đều khá dè dặt trong việc hoạch định mục tiêu. Việc trở thành ngân hàng “hàng đầu” như những năm trước đó đặt ra cũng chưa được đề cập tới.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, kết quả không đạt một phần do điều hành, song cũng xuất phát từ các yếu tố khác, trong đó có câu hỏi về quyền lực thực sự của các CEO. Vì tại Việt Nam, phần lớn ở các doanh nghiệp, các vấn đề lớn vẫn do HĐQT - những người nắm giữ nhiều cổ phần nhất - trực tiếp quyết định, còn các thành viên ban điều hành, trong đó có tổng giám đốc, chỉ là người thừa lệnh.
Với CEO ngoại, văn hóa điều hành, chính sách của Việt Nam cũng như những yếu tố khác liên quan tới hoạt động nội bộ, ngóc ngách của nhà băng mà người mới chưa nắm bắt được cũng là các nhân tố khiến cho việc tiếp quản khó khăn hơn.
Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng nhận định, sự tụt dốc trong kết quả kinh doanh của 2 nhà băng nói trên chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp giảm lợi nhuận trong năm 2012 và ngẫu nhiên, đây cùng là những đơn vị thay CEO ngoại. "2012 là một năm 'nóng rực' của ngành ngân hàng khi mà hàng loạt vấn đề được đặt ra, trong đó có xử lý nợ xấu, tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, sắp xếp lại bộ máy, xử lý hậu quả tăng trưởng cho vay quá nóng trong thời gian trước. Các nhà băng phải trích lập một khoản lớn dự phòng rủi ro cho các khoản tín dụng đã ký hợp đồng trước đó, chi phí hoạt động tăng, đó là những nhân tố cơ bản tác động lên lợi nhuận", vị chuyên gia nói trên bình luận.
Theo Lan Anh/Infonet
Bình luận