Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2019 đã soát xét với lợi nhuận trước và sau thuế nửa đầu năm lần lượt đạt 550,97 tỷ đồng và 436,5 tỷ đồng, giảm tương ứng 7,0% và 7,6% so với cùng kỳ 2018.
Nguyên nhân giảm lãi ròng từ hơn 525,6 tỷ đồng xuống gần 436,5 tỷ đồng do ghi nhận thêm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trong kỳ, thu nhập lãi thuần của ABBank tăng trưởng 20,5% so với cùng kỳ 2018, đạt gần 1.289 tỷ đồng .
Mảng kinh doanh dịch vụ, ngoại hối và vàng sụt giảm 15,9% và 32,4% so cùng kỳ, ghi nhận lần lượt gần 68,4 tỷ đồng và hơn 67,3 tỷ đồng.
Giảm mạnh nhất là hoạt động chứng khoán đầu tư với 51% khi chỉ đạt 177,3 tỷ đồng.
Nửa đầu năm, ABBank thực hiện trích lập 290 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 16,5% so với nửa đầu 2018.
Trong 6 tháng đầu năm, cho vay cá nhân vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu dư nợ của ABBank, chiếm 43,78%, ở mức 21.698 tỷ đồng.
Dư nợ cho vay trong ngành xây dựng đứng thứ hai với tỷ trọng 12,9%, ở mức 6.413 tỷ đồng.
Cho vay bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và động cơ khác hơn 5.855 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 11,8%), trong khi cho vay bất động sản gần 2.447 tỷ đồng tương ứng 4,94%.
Đáng chú ý, tại thời điểm 30/6, tổng nợ xấu của ABBank ghi nhận hơn 1.128 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu 2,27%, tăng so với con số 1,89% hồi cuối năm 2018 nhưng vẫn dưới 3%.
Tăng trưởng tín dụng âm 5% vì đâu?
Nửa đầu 2019, trong khi hầu hết các ngân hàng đều tăng trưởng tín dụng dương thì ABBank âm 5%, từ mức 51.537 tỷ đồng xuống 48.933 tỷ đồng.
Chia sẻ với VTC News chiều 5/9, đại diện ABBank cho hay, tín dụng có dấu hiệu giảm so với đầu năm do tác động từ dòng tiền trong kinh doanh của khách hàng.
Bên cạnh đó, một phần nguyên nhân cũng xuất phát từ định hướng phát triển gắn với bền vững, ABBank thực hiện tăng cường rà soát, thẩm định kỹ hơn đối với các hồ sơ vay để đảm bảo cho vay kịp thời và đúng mục đích, nhu cầu của khách hàng, đồng thời đảm bảo tính an toàn cho hệ thống; hay chủ trương hỗ trợ cho vay phục vụ nhu cầu mua nhà để ở, siết chặt hơn đối với vay đầu cơ bất động sản.
“Mặt khác, với việc chuyển hướng tập trung đẩy mạnh mảng thu phí dịch vụ, ABBank đang đầu tư phát triển các giải pháp tài chính công nghệ số hiện đại, mang đến những trải nghiệm dịch vụ vượt trội cho người dùng. Tháng 9 này, ABBank sẽ chính thức ra mắt ứng dụng thanh toán bằng nhận diện gương mặt (Facial Payment), hứa hẹn sẽ là một cú hích lớn cho sự tăng trưởng về dịch vụ của ngân hàng”, đại diện ABBank cho biết.
Bình luận