(VTC News) – Lời nguyền huyết ngải thực sự khích động cảm giác tò mò, sợ hãi bằng những tầng nấc bí mật giăng mắc. Nhưng có lẽ do kinh phí đầu tư có hạn nên sự ly kỳ, hồi hộp trong cách xây dựng huyết ngải cũng có phần thiếu đầy đặn.
Giống như công thức phim Tết của năm 2010, năm nay hãng phim Thiên Ngân đánh vào những khán giả trung thành với thể loại phim Tết bằng món ăn hấp dẫn hơn những món ăn nhạt nhẽo với thể loại hài hước thường thấy của mùa phim nay.
Cũng vẫn theo tiêu chí, đạo diễn có nghề và có tiếng, Khi yêu đừng quay đầu lại năm 2010 là Nguyễn Võ Nghiêm Minh và Lời nguyền huyết ngải năm 2012 là Bùi Thạc Chuyên. Nhưng có lẽ sẽ giống với Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Lời nguyền huyết ngải của Bùi Thạc Chuyên cũng sẽ là phim gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
“Lời nguyền huyết ngải” đẩy ngay người xem vào cuộc sống của ba cậu sinh viên trường Y trên giảng đường và trong ký túc xá. Không cần quan tâm tới sự có trước có sau của câu chuyện, đó cũng là phong cách làm phim mới nhất của Bùi Thạc Chuyên từ Chơi vơi. Vì thế, Bùi Thạc Chuyên không bận tâm tới chuyện dành ít thời gian tạo mối liên hệ gần gũi giữa nhân vật và người xem bằng cách cung cấp thêm thông tin về nhân vật.
Trái với sự cầu kỳ trong cách giới thiệu nhân vật, Lời nguyền huyết ngải đưa ngay người xem vào chuyện phim, không dài dòng kể lể. Chuyện phim được mở ra với hành trình khám phá loài cây bí mật được gọi tên “huyết ngải” của ba chàng sinh viên Bình (Phan Anh), Tùy (Đỗ Văn Hoàng) và Khải (Trịnh Minh Huy). Sự lôi cuốn ở những phút đầu được người xem hồi hộp chờ bởi trước đó khán giả đã được chuẩn bị sẵn tâm lý với những quảng cáo rất hay về phim.
Không phủ nhận ấn tượng đầu khi xem phim, khán giả thực sự dấn sâu vào câu chuyện với sự phát hiện một nhánh cây với mảnh giấy cũ có vài ghi chú được ba chàng sinh viên tình cờ thấy trên giá sách trong căn hộ của ông thầy Hoàn Sinh (Thành Lộc) sau đám cháy nho nhỏ.
Kích thích trở nên cao độ khi những chữ trên mảnh bùa được họ mang đến nhờ một vị cao thủ về chữ dân tộc giải nghĩa. Và bí mật được bắt đầu giải nghĩa từ đó. Bí mật về cây huyết ngải của người Sắng La đã mở ra câu chuyện đưa ba cậu sinh viên đến với nơi người ta tụ tập để xin một cô bé được gọi tên Thánh cô Chiêu Dương (Nguyễn Thùy Dương), chữa lành bệnh tật cho họ. Trí tò mò đã kích thích cả ba chàng trai nhảy tường vào xem trong ngôi nhà bí ấn kia có gì khiến người ta kinh hãi. Và họ đã tận mắt thấy được huyết ngải, loài cây ma quái chi phối toàn bộ những tình tiết kinh dị của phim trở về sau.
Phim được xây dựng theo mạch hành trình thường thấy trong thể loại phim kinh dị - siêu nhiên: hành vi xúc phạm – bị săn đuổi – cuộc quyết đấu sống còn. Khi ba chàng sinh viên cắt cây thần và bị ám bởi lời nguyền huyết ngải. Những bóng ma rình rập, sự xuất hiện thần bí của Thánh nữ Chiêu Dương hay những hình vẽ loằng ngoằng mà vị Thánh nữ này vẽ ra khiến cho câu chuyện nhuốm màu ly kỳ.
“Đây là một câu chuyện hoàn toàn hư cấu” – ngay từ đầu phim, đạo diễn đã gửi thông điệp này đến khán giả và như thế cũng có nghĩa là người xem được “toàn quyền mặc định” trí óc đi theo sự tưởng tượng của người kể chuyện.
Do đó không dễ bắt bẻ được những tình tiết có thể gọi là “chưa hợp lý” như vẫn rất thường thấy trong nhiều phim điện ảnh lâu nay. Vấn đề cốt lõi còn lại là dõi theo bản lĩnh của đạo diễn có thể đưa sự tưởng tượng của mình lên đến đỉnh điểm của sự ám ảnh và sợ hãi hay không.
Chưa thể nói là hoàn hảo lắm trong các bước chuyển nhịp và cài đặt sự biến, nhưng ít ra bộ phim đã xây dựng được kết cấu theo nhịp ba như trên một cách rành mạch, không bị lan man như nhiều phim cùng thể loại của điện ảnh Việt gần đây.
Từng người trong số ba chàng trai phải đối diện với những dấu hiệu về cái chết của mình. Người yếu tim nhất là Khải bắt đầu rơi vào những cơn ảo giác bị rình rập bởi một bóng ma. Những tiếng động và những câu ê a cứ vang lên ở mọi lúc mọi nơi trong đầu Khải. Nó ám ảnh Khải đến độ anh này phát điên và rơi xuống ban công chết. Cái chết mang số hiệu 106.
Cứng rắn hơn Khải là Tuỳ, kẻ không bao giờ tin vào ma nhưng cũng đến lượt ra đi sau cái chết của Khải. Cái chết của Tuỳ mang nặng tính lời nguyền khi cả xe ô tô khách đâm xuống sông không ai chết, chỉ duy nhất chàng trai đã phạm vào lời nguyền phải mất mạng. Cái chết số 107.
Và câu chuyện trở nên lỳ kỳ hơn khi những cái chết của Tuỳ và Khải đều được gợi mở với sự xuất hiện của Thánh nữ Chiêu Dương. Câu chuyện chỉ vào nút thắt khi cái chết thứ 108 được xác định.
Sự giành giật giữa sự sống và cái chết đưa Bình đến với khám phá kinh hoàng về cây huyết ngải và lật tẩy được bộ mặt đáng sợ của ông lang Trần. Kẻ đã lấy xác vợ mình để yểm vào cây huyết ngải. Cũng là kẻ đã tạo nên câu chuyện và như thông điệp phim: ai tạo nên thì người ấy kết thúc. Cái chết của thầy người mở đầu câu chuyện ly kỳ này cũng mang lại sự hồi sinh của mẹ Thánh nữ Chiêu Dương và làm cây huyết ngải chịu một trận bùa khác khi người nằm dưới gốc cây là thầy Hoàn Sinh.
Không thể không công nhân khi bước vào đoạn cuối, với nhịp kể gấp gáp hơn, bộ phim thực sự tạo được ấn tượng kinh dị. Đặc biệt là trường đoạn mang dáng dấp của một cuộc hiến tế thần bí. Trong không gian chật hẹp, đạo diễn đã khéo léo sắp đặt được nhiều khuôn hình gây ấn tượng thị giác, cũng như có sự hỗ trợ rất tốt của âm thanh do một nhóm chuyên gia người Pháp dàn dựng.
Về diễn xuất trong phim vai diễn thầy Hoàn Sinh của NSƯT Thành Lộc, một vai diễn được chính bản thân Thành Lộc đặt nhiều hy vọng bởi đây là vai diễn chính hiếm hoi của anh trong một bộ phim tử tế nhưng phải thành thật nói rằng Thành Lộc mới chỉ làm tròn vai chứ chưa có sự đặc sắc. Tạo hình nhân vật thầy Hoàn Sinh khá ấn tượng cùng sự diễn xuất tròn trịa của Thành Lộc ở nhiều phân đoạn khiến người xem có được sự hồi hộp khi theo dõi câu chuyện của nhân vật này.
Nhưng trong phim do phải nói tiếng Bắc nên Thành Lộc thoại thiếu tự nhiên và có phần hơi kịch quá trong diễn xuất. Nhất là trong đoạn làm lễ tế huyết ngải ở cuối phim. Màu sắc sân khấu thấy rõ qua sự cường điệu hoá trong lối diễn của Thành Lộc.
Cũng khó trách được khi kịch bản không dành nhiều đất cho Thành Lộc thể hiện được tính đa diện của nhân vật Hoàn Sinh. Giá như những góc khuất trong nội tâm, tính hai mặt của nhân vật Hoàn Sinh được khắc hoạ đậm nét hơn nữa hẳn là sẽ tạo ấn tượng tốt hơn của vai diễn của Thành Lộc nói riêng và cho hiệu ứng ma quái của phim nói chung.
Ngoài vai diễn đáng chú ý của Thành Lộc thì diễn xuất của các nhân vật còn lại trong phim khá trò trịa. Không có gì đáng nói, Chiêu Dương, nhân vật là đường dây xuyên suốt câu chuyện từ đầu đến cuối không phải vận dụng nhiều diễn xuất khi cảnh quay hầu hết chỉ là những hành động. Tuy ít thoại và cũng ít tình tiết cần sự bộc lộ cảm xúc nhưng chính sự “ngây dại” của Chiêu Dương trong phim đã góp lên phần nào tính kinh dị trong phim.
Nhân vật Chiêu Dương – do Yu Dương đóng – luẩn quẩn và bí ẩn, xuất hiện ma mị trong khung hình bằng vẻ mặt thơ ngây dài dại, hồn nhiên nhưng cũng đầy quyền lực. Đây cũng chính là nhân vật dắt dây cho những chuỗi hành động, là nguyên nhân dẫn đến bi kịch, sự độc ác của con người.
Nhân vật Bình của Phan Anh - thủ lĩnh của cuộc kiếm tìm những bí ẩn thiếu đi những phân đoạn cần thiết để thể hiện tính gan dạ của anh chàng sinh viên trường Y, người đi trọn vẹn câu chuyện từ thắt nút đến mở nút. Tuy nhiên, diễn xuất của anh chàng diễn viên tay ngang này cũng rất đáng chú ý như chính nhận xét của Bùi Thạc Chuyên.
Lời nguyền huyết ngải có được những giá trị riêng của một tác phẩm điện ảnh, và thực sự là một tác phẩm mang đậm chất điện ảnh nhất trong các phim Tết năm nay. Nhưng có lẽ do ngập ngừng giữa ít hay nhiều tiền trong việc đầu tư kỹ xảo; được phép hay không được phép trong việc làm kinh dị thuần túy; nên nghiêng về kinh dị hay chỉ kỳ bí, hồi hộp để chiếu trong dịp Tết… mà mũi tên đã bắn sai mục đích.
Tạo hình của vật thần huyết ngải, nguồn cơn của những câu chuyện trong phim không tạo được cảm giác thực sự sợ hãi thần bí. Nó giống như một phiên bản vẽ những cây quái dị trong phim hoạt hình ta thường thấy. Huyết ngải thiếu sự sống động và tính ma quái của cây cũng không được thể hiện rõ khi nó là loài cây cần tới máu để tồn tại và luyện thành thuốc trường sinh.
Nhạc phim chưa thực sự tạo được một không khí ma quái. Bởi những lời hát ru ê a chưa đủ sức ma mị khiến người xem có cảm giác rợn rợn mỗi khi nhân vật Chiêu Dương xuất hiện. Tuy nhiên, giống như việc sử dụng âm nhạc của Ngọc Đại trong Chơi vơi, âm nhạc của Đặng Tuệ Nguyên ít nhiều đem lại cho người ta sự thích thú. Âm nhạc vốn có tiếng nói riêng và không quá khiên cưỡng như một thứ thêm vào hay minh họa cho tác phẩm điện ảnh.
Một trong những điểm cộng cho bộ phim là việc chọn bối cảnh cho tác phẩm. Được biết, việc chọn bối cảnh cho phim đã khiến nhà sản xuất, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên mất rất nhiều thời gian. Quyết định lấy bối cảnh là khung cảnh quen thuộc của Hà Nội, với những màu sắc cũ kỹ, hiu hắt, khung cảnh ấy hợp cho tổng thể bộ phim. Những gì vốn thân thuộc, hàng ngày diễn ra bên cạnh mà có những câu chuyện huyền bí sẽ tăng thêm tính kích thích, sự sợ hãi vì thế cũng phần nào tăng lên rất nhiều.
Nếu coi thước đo của sự thành công của một bộ phim kinh dị là sự sợ hãi của người xem thì Lời nguyền huyết ngải đã có được thành công. Trong bối cảnh các tác phẩm điện ảnh ra mắt mùa tết năm 2012, cũng không quá khi chấm cho tác phẩm này 8 điểm và rất đáng để xem.
Chu Ngũ Nương
Bình luận