(VTC News) – Có đáng để bạn trẻ phải ngậm ngùi chia tay với tình yêu sét đánh của mình không? Hãy quên đi lời nguyền xa xưa, hãy để cầu Đôi tiếp tục nối những mối tình đẹp của tuổi trẻ!
Cầu Đôi – cây cầu bắc qua dòng Ngũ Huyện Khê nối làng Sặt và Đồng Kỵ thuộc vùng đất Kinh Bắc – Bắc Ninh. Xưa kia cầu được làm bằng gỗ chỉ có người đi bộ và xe thô sơ qua lại. Do sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu đi lại của người dân, ngày nay cầu đã được bêtông hóa, tạo nên sự phát triển mạnh mẽ của các địa phương nơi đây.
Truyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa có một đôi trai gái – 1 là người làng Sặt, 1 người ở Đồng Kỵ đem lòng yêu thương nhau rồi nên duyên vợ chồng và sinh được một cô con gái. Cháu bé sinh ra không được bao lâu thì chuyện vợ chồng họ có nhiều mâu thuẫn, bất hòa không thể dàn xếp được, thế là cuộc hôn nhân của họ đành phải đứt gánh giữa đường.
Hai người chia tay, người vợ trở về nhà mẹ đẻ. Việc phân định đứa con do ai nuôi giữa họ thật khó khăn. Ai cũng muốn đứa con chỉ thuộc về riêng mình và sau này nó sẽ không được biết ai là người còn lại đã sinh ra nó. Cuối cùng, hai người quyết định phân chia quyền và trách nhiệm đều cho nhau: người chồng nuôi đứa bé vào ban ngày, còn đêm vất vả hơn thì dành cho người vợ. Hai người thỏa thuận với nhau nơi đặt đứa bé là một bụi cây ven rừng (chân cầu Đôi). Cứ 6h sáng hằng ngày, người vợ mang đứa bé ra đó rồi người chồng bế đứa bé về và 18h chiều lại mang đứa bé ra đặt ở đó, người vợ lại đến đón nó về.
Ngày qua ngày công việc đó cứ diễn ra như vậy, đứa bé đã được sống trong vòng tay của cả cha và mẹ tuy không phải ở cùng một mái nhà ấm cúng. Nhưng thật trớ trêu, một chiều giữa mùa đông năm đó gió bắc thổi mạnh, mưa rơi lạnh giá, trong cái rét hại của miền Bắc người chồng vẫn mang đứa bé đến chỗ mọi ngày và nghĩ rằng người vợ sẽ vẫn đến đón đứa bé. Nhưng do đi làm về muộn và người vợ lại nghĩ rằng trời rét như vậy người chồng sẽ không mang đứa bé ra chân cầu Đôi nữa nên người vợ đã không ra đón con về. Thế là đêm đó đứa bé đã ra đi trước sự tuyệt vọng của cả cha và mẹ nó, để lại nhiều hằn thù sâu hơn nữa cho hai người.
Sự thù hằn giữa cá nhân hai người đã trở thành lời nguyền cho các thế hệ về sau. Người ta nói rằng, kể từ đó trai gái hai làng không được lấy nhau, đôi nào mà có “duyên” với nhau mà thành vợ chồng thì bị dân làng đuổi đi và dòng họ đó sẽ bị mọi người nhìn với ánh mắt khinh bỉ, coi thường. Và từ năm này sang năm khác, lời nguyền đó dường như đã ăn sâu vào trong tâm trí của mọi người, trở thành tiềm thức của người dân hai làng qua các thế hệ.
Cho đến nay, mặc dù con người đã có những suy nghĩ thoáng hơn về những chuyện không hay trong quá khứ, nhưng với người dân hai làng thì lời nguyền đó vẫn mãi là điều đầu tiên mà các nam nữ đến tuổi yêu đương phải biết mà tránh. Vì thế, dường như không có một tình bạn khác giới nào giữa các chàng trai, cô gái hai làng này. Hơn thế thanh niên hai làng cũng có những mâu thuẫn vô cớ.
Trên vùng quê Bắc Ninh – Kinh Bắc cũng có nhiều làng không lấy được nhau, đó là những làng quan họ kết chạ với nhau. Bởi họ có lý do riêng, hai làng quan họ giống như anh em trong một nhà nên không thể lấy nhau và có lẽ cũng để tránh những mâu thuẫn cá nhân trở thành mối bất hòa của cả hai làng. Những hủ tục đã trở thành “lời nguyền” sẽ không bao giờ làm thay đổi được quan niệm, suy nghĩ của mọi người. Và các nam thanh, nữ tú hai làng cũng phải tuân thủ theo “luật” này bởi người ta vẫn nói “phép vua thua lệ làng”. Các cô gái nhìn những anh chàng đẹp trai phải dửng dưng mà quay đi, các chàng trai thì dường như phải “vô cảm” với những cô gái xinh đẹp ở làng bên.
Có đáng để bạn trẻ phải ngậm ngùi chia tay với tình yêu sét đánh của mình không? Hãy quên đi lời nguyền xa xưa, hãy để cầu Đôi tiếp tục nối những mối tình đẹp của tuổi trẻ. Đừng để cầu Đôi mãi mãi chia nửa cuộc tình!
Đông Ngàn
Bình luận