Dư luận thời gian qua đang rất quan tâm đến giá trị pháp lý trong lời khai của Dương Chí Dũng tại phiên tòa xử vụ "tổ chức người khác trốn đi nước ngoài" vào ngày 8/1 vừa qua. Liệu lời khai về danh tính "ông anh" đã "mật báo" giúp Dũng bỏ trốn có phải là sự thật và bằng chứng nào để chứng minh lời khai trên là chính xác?
Liên quan đến vấn đề này, LS Phan Xuân Xiểm, nguyên Vụ trưởng Vụ Trung ương 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cho biết trên báo Kiến thức: "Từ đầu, khi xảy ra sự việc này tôi cũng nhìn nhận một mình Dương Chí Dũng không làm được tất cả những việc này. Nó phải là sự móc ngoặc cấu kết với nhau và phải là những người có chức vụ, có quyền, thậm chí là quyền rất lớn thì mới làm được".
Trước tòa, Dương Chí Dũng đã khai thẳng chức danh người "mật báo" cho y bỏ trốn (Ảnh: TTXVN) |
Đồng quan điểm, trên báo Lao động, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh-Thiếu niên và Nhi đồng của QH, cũng bày tỏ: "Việc Dương Chí Dũng biết chính xác ngày giờ sẽ bị khởi tố, bị bắt để kịp bỏ trốn không phải dễ dàng, nên chắc chắn phải có người có trách nhiệm giúp đỡ mới thực hiện được"
Báo này cũng đã dẫn lời của LS Trần Vũ Hải về vụ việc: "Tôi nghĩ, xác định người báo tin không khó vì khi vụ án đang được bàn bạc thì diện những người được biết trong thời điểm chiều ngày 17/5 là không nhiều".
"Cần phải làm việc với những người bị ông Dũng khai xem họ nói gì về những lời khai này. Trên cơ sở những lời khai từ các phía, cộng với các nghiệp vụ khác, cơ quan điều tra sẽ có kết luận những lời khai của ông Dũng có cơ sở hay không. Dựa vào đó, họ sẽ quyết định có khởi tố bị can hay không" LS Nguyễn Trọng Tỵ - nguyên Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội, cho biết trên Lao động.
Trao đổi với VietNamNet, ông Trương Việt Toàn, Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng và đồng phạm tổ chức người khác trốn đi nước ngoài, cũng khẳng định: "Với lời trình bày của Dương Chí Dũng cũng như lời khai của bị cáo Vũ Tiến Sơn và các tài liệu khác có trong hồ sơ thì HĐXX ra quyết định khởi tố là hoàn toàn có căn cứ".
Ngoài ra, ông Toàn cũng cho biết, một trong những tài liệu có trong hồ sơ để khởi tố vụ án là quyển nhật ký của Dương Chí Dũng. Theo ông Toàn, đã có lời khai của hai người về cùng một việc cùng những tài liệu có trong hồ sơ khác và cuốn nhật ký này, HĐXX, đủ cơ sở kết luận có dấu hiệu phạm tội “Làm lộ bí mật Nhà nước”.
Liên quan đến việc tìm bằng chứng trong lời khai của Dương Chí Dũng, báo Đất Việt lại có hướng khai thác khác. Theo báo này, tòa nhà Pacific Place tọa lạc tại số 83 Lý Thường Kiệt (nơi Dương Chí Dũng khai đã "gặp gỡ" với người "mật báo") có tầng hầm để xe được theo dõi, giám sát bằng camera 24/24.
Tòa nhà này cũng có hệ thống thang máy, nhân viên vệ sinh tòa nhà luôn hoạt động 24/24 nên chắc chắn việc xác định lời khai của Dương Chí Dũng có đúng hay không thì hoàn toàn không khó.
Trên báo Dân Việt, LS Giang Hồng Thanh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cũng phân tích, không thể chỉ dựa vào một lời khai của Dương Chí Dũng để cho rằng “ông anh” ở một cơ quan tố tụng đã báo tin.
"Việc này cần được xác minh theo trình tự, ví dụ Dương Chí Dũng khai về việc liên lạc qua điện thoại báo tin, phải kiểm tra các list điện thoại liên lạc với nhau theo ngày nào, giờ nào. Rồi có thể lời khai của người làm chứng khác… Khi các tài liệu khớp với lời khai thì lúc đó mới có giá trị chứng cứ", LS này kết luận.
» Vụ 'làm lộ bí mật' chắc chắn sẽ được làm đến nơi đến chốn
» Tại sao chỉ Dương Chí Dũng lãnh tội?
» Khai được báo tin, Dương Chí Dũng có thoát án tử?
Theo VNN
Bình luận