• Zalo

Lời kêu cứu từ cầu thủ thi đấu ở Trung Quốc

Hậu trườngThứ Bảy, 15/05/2021 16:16:08 +07:00Google News

Các CLB bóng đá ở Trung Quốc từng được xem là thiên đường để nhiều cầu thủ tìm kiếm khoản thu nhập khổng lồ, tuy nhiên, tất cả chỉ còn là quá khứ.

Chiếc xe buýt của đội Liaoning Hongyun sẽ được bán đấu giá để tìm ngân sách trả nợ cho các cầu thủ cũ của họ. Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa đủ. Jacob Mulenga chưa nhận được 850.000 USD và không biết đến khi nào CLB mới kiếm đủ số tiền ấy để trả cho anh.

Tiền đạo người Zambia này không phải là cầu thủ duy nhất đang cố gắng đòi lại khoản tiền lương chưa được CLB chủ quản thanh toán. Mulenga không được trả lương trong suốt mùa giải thứ 2 của mình ở Liaoning Hongyun.

Trong khi đó, Liaoning Hongyun từng là nhà vô địch Chinese Super League (CSL) vào năm 1990 nhưng vừa tuyên bố phá sản hồi tháng 5. Rất nhiều đội bóng ở Trung Quốc cũng phải làm điều tương tự sau khi mua sắm tân binh một cách điên cuồng.

Lời kêu cứu từ cầu thủ thi đấu ở Trung Quốc - 1

Mulenga thời còn chơi bóng ở Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.

Sự thật trần trụi

Marko Basic, người từng khoác áo Taizhou Yuanda, cũng rơi vào tình cảnh khó khăn như Mulenga. Tiền vệ người Croatia chưa nhận được 90.000 USD. Anh cáo buộc CLB của mình từng nhiều lần giả mạo chữ ký cầu thủ trên mọi văn bản liên quan đến tiền lương, bao gồm giấy xác nhận họ đã nhận đủ tiền.

“Chữ ký của chúng tôi đều là giả. Họ có thể làm giả 15 chữ ký chỉ để chứng minh rằng tôi nhận được toàn bộ tiền lương về mặt giấy tờ”, Basic chia sẻ với AFP từ Thụy Sĩ. Anh cũng từng viết thư gửi Liên đoàn bóng đá Trung Quốc (CFA) hồi tháng 1 nhưng chưa nhận được lời phản hồi.

Mulenga cũng lên tiếng về việc bản thân bị giả chữ ký trên mọi văn bản liên quan đến tiền lương. Điều này dần trở nên quen thuộc với bóng đá Trung Quốc và được đẩy lên cao trào sau khi Jiangsu FC (trước đó có tên gọi là Jiangsu Suning) tuyên bố ngừng hoạt động vào tháng 2, chỉ hơn 100 ngày sau khi họ vô địch Chinese Super League (CSL).

“Tôi muốn công khai càng nhiều thông tin càng tốt. Cho đến khi tôi được trả đủ tiền, những người có liên quan phải chịu trách nhiệm”, Mulenga chia sẻ với AFP qua điện thoại. Hiện tại, anh chơi bóng ở giải hạng 2 Hà Lan.

“Tôi không biết làm thế nào để giải thích về số tiền 850.000 USD mà bản thân đang bị nợ trong quãng thời gian cuối cùng khoác áo một đội bóng”, tiền đạo 37 tuổi cay đắng thừa nhận với Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA).

“Tất cả những gì bạn có thể nói đó là CLB đã chết và chúng tôi không thể làm gì được. Trong khi đó, Liên đoàn bóng đá Trung Quốc vẫn chấp nhận cho các CLB đăng ký cầu thủ nước ngoài như chưa từng có chuyện gì xảy ra”, Mulenga chia sẻ thêm.

Đến nay, UEFA vẫn chưa lên tiếng về vấn đề này. Ban tổ chức CSL đổ lỗi cho “một số ít” CLB và nói rằng đó là vấn đề của tòa án và Liên đoàn lao động.

Lời kêu cứu từ cầu thủ thi đấu ở Trung Quốc - 2

Jiangsu FC ngừng hoạt động chỉ sau hơn 3 tháng giành chức vô địch CSL. Ảnh: Getty Images.

Dấu hỏi về tham vọng vô địch World Cup

Hãng tin Tân Hoa Xã cho biết có hơn 20 CLB bị gạch tên khỏi hệ thống các giải đấu chuyên nghiệp của Trung Quốc vì vấn đề tài chính trong vòng 2 năm qua. Điều này khiến người hâm mộ cảm thấy hụt hẫng và nhiều cầu thủ gặp rắc rối về tiền lương.

Tham vọng đưa bóng đá Trung Quốc vươn tầm thế giới cũng bị đặt dấu hỏi.

Đây cũng là một lời cảnh báo cho những cầu thủ đang có ý định chuyển đến chơi bóng tại Trung Quốc. Nơi đây từng thu hút nhiều ngôi sao nước ngoài như Oscar, người chuyển đến Shanghai Port FC (tiền thân là Shanghai SIPG) vào năm 2017 với giá 60 triệu euro.

Tuy nhiên, tất cả chỉ còn là quá khứ. Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp thế giới (FIFPro) cũng từng lên tiếng bày tỏ sự quan ngại với Hiệp hội cầu thủ bóng đá Trung Quốc vào năm 2020.

“Rất nhiều CLB ngừng hoạt động mà không có bất kỳ thông báo nào. Chúng tôi lo ngại không chỉ về tính bền vững của nền bóng đá chuyên nghiệp Trung Quốc, mà còn về sự thiếu hụt các cơ chế bảo vệ cầu thủ đáng báo động”, FIFPro chia sẻ với AFP.

Taizhou Yuanda, đội bóng cũ của Basic, vừa tuyên bố ngừng hoạt động cách đây 3 tháng và chỉ tồn tại được 4 năm. Helena Zhang, một luật sư ở Thượng Hải, cho biết về mặt lý thuyết, các cầu thủ có thể kiện CLB chủ quản ngay cả khi phá sản. Tuy nhiên, cơ hội thành công rất mong manh và thậm chí họ có thể bị kiện ngược.

Tuyển Trung Quốc muốn giành chức vô địch World Cup vào năm 2050. Tuy nhiên, Basic cho rằng nền bóng đá ở quốc gia đông dân nhất thế giới này mang đậm tính chính trị và chú trọng quá nhiều vào lợi ích bên ngoài sân cỏ, ví dụ như các doanh nghiệp đầu tư vào các CLB chỉ để gây thiện cảm với chính quyền.

“Tôi có thể khẳng định rằng điều đó sẽ không xảy ra trong 100 năm nữa”, Basic nói thẳng về tham vọng vô địch World Cup của bóng đá Trung Quốc. “Họ tiêu tiền như những kẻ ngốc, không đủ thông minh để nâng tầm cả nền bóng đá”.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn