(VTC News) - Theo lãnh đạo Thành ủy Hà Nội, việc lôi kéo người khác bỏ phiếu tín nhiệm cho mình sẽ rất khó giấu giếm, vì một người kín thì chín người hở.
Như đã đưa tin, cách đây ít ngày, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Hướng dẫn về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Theo đó, đối tượng lấy phiếu tín nhiệm là ủy viên ban thường vụ cấp ủy các cấp; cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo từ thành phố đến quận, huyện, thị xã, sở, ban, ngành và tương đương.
Thành ủy Hà Nội nghiêm cấm việc vận động, lôi kéo hoặc có những hành vi tác động làm sai lệch mức độ tín nhiệm hoặc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm để làm tổn hại uy tín tập thể và cá nhân, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ.
Ông Phan Đăng Long - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội. |
- Trong hướng dẫn về việc lấy phiếu tín nhiệm vừa ban hành, Thành ủy nghiêm cấm việc vận động, lôi kéo hoặc có những hành vi tác động làm sai lệch mức độ tín nhiệm. Vậy nếu phát hiện cán bộ có hành vi này, Thành ủy Hà Nội sẽ xử lý như thế nào?
Đã là đảng viên thì phải chấp hành mọi quy định, nghị quyết của cấp trên. Văn bản do Thành ủy Hà Nội ban hành thì tất cả đảng viên của Hà Nội phải chấp hành. Những quy định yêu cầu anh không được làm nhưng anh lại làm thì có nghĩa là anh vi phạm.
Khi phát hiện một đảng viên đi vận động, lôi kéo hoặc ép buộc người khác bỏ phiếu tín nhiệm... thì các cấp có thẩm quyền sẽ thẩm tra hành vi vi phạm.
|
Thông thường, các vấn đề liên quan đến quy định của Đảng thì đã có điều lệ Đảng viên rồi.
- Xin ông cho biết mức độ nghiêm trọng của hành vi vận động, lôi kéo hoặc tác động làm sai lệch mức độ tín nhiệm?
Rõ ràng, hành vi này (nếu có) là không thể chấp nhận được. Khi một cán bộ lãnh đạo đi vận động, lôi kéo người khác bỏ phiếu thì không chỉ uy tín của bản thân vị cán bộ đó mà uy tín của Đảng cũng bị ảnh hưởng.
Về mặt tư cách, con người bình thường, chưa nói là đảng viên, mà tự đứng ra vận động người khác bỏ phiếu tín nhiệm cho mình cũng phải biết xấu hổ.
Phải có vấn đề gì thì một người lãnh đạo mới phải vận động người khác bỏ phiếu tín nhiệm cho mình. Các cụ thường nói, cây ngay không sợ chết đứng. Nếu là người đàng hoàng, trong sạch, có năng lực thì chẳng cần vận động người khác cũng tín nhiệm anh ta.
- Thành ủy có cách thức nào để phát hiện kịp thời hành vi lôi kéo, vận động bỏ phiếu tín nhiệm hay không?
Những sai phạm trong hoạt động bỏ phiếu tín nhiệm chắc chắn sẽ bị phát giác dưới nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là thông tin tố giác từ quần chúng và chính những người trong cuộc.
Khi việc vận động, lôi kéo đã xảy ra thì rất khó giấu. Bởi trong việc bỏ phiếu, nếu muốn tác động tới kết quả thì anh phải vận động nhiều người. Một người kín, Chín người hở. Khi tiếp xúc, vận động một người, người này có thể thông cảm không nói, nhưng đến người thứ 2, thứ 3...thì thế nào người ta cũng sẽ bàn tán.
Khi đó, nhiều người dũng cảm có thể đứng ra viết đơn tố cáo. Trên cơ sở đó, sự việc sẽ được các cơ quan có thẩm quyền làm rõ.
- Xin cảm ơn ông!
Minh Quyết
Bình luận