Ngày 14/10, trả lời PV VTC News, anh Lê Thành Vũ (quê Quảng Ngãi) cho biết, anh là một trong số những công nhân thoát khỏi sự cố sạt lở đất kinh hoàng ở dự án thủy điện Rào Trăng 3 vừa được lực lượng chức năng dùng ca nô đưa khỏi nơi lánh nạn là thủy điện Rào Trăng 4.
Theo lời kể của anh Vũ, anh ở lán dưới cách khu nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3 (nơi bị sạt lở) khoảng 1km. Khoảng 20 - 21h ngày 11/10 có khoảng 20 người từ khu vực nhà điều hành xuống khu vực lán của anh Vũ để ở. Đến đêm thì xảy ra sạt lở và cuốn văng toàn bộ nhà điều hành xuống suối.
Thời điểm khu vực xảy ra sạt lở tại khu nhà điều hành còn khoảng hơn 20 người nhưng có một số người thoát nạn và chỉ còn 17 người bị vùi lấp.
Sau khi xảy ra vụ sạt lở những công nhân còn lại nhanh chóng lên khu vực nhà điều hành để tìm kiếm, ứng cứu những người gặp nạn.
Sau khoảng thời gian tìm kiếm không có kết quả cộng thêm trời mưa rất lớn và nguy hiểm nên cả đoàn băng rừng, lội suối mất khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ về khu vực thủy điện Rào Trăng 4 lánh nạn.
Anh Vũ cho biết thêm, hiện trong số 17 công nhân bị vùi lấp, lực lượng chức năng tìm được một thi thể và đưa lên ca nô về bằng đường thủy.
Khoảng 15h ngày 14/10 ghi nhận của PV VTC News, có nhiều xe cấp cứu, xe cứu hộ cứu nạn của lực lượng quân đội và tỉnh Thừa Thiên - Huế di chuyển vào khu vực sạt lở ở Trạm quản lý bảo vệ rừng tiểu khu 67 nơi 13 người trong đoàn công tác của Quân khu IV và Thừa Thiên - Huế đang trên đường ứng cứu các nạn nhân trong vụ sạt lở đất ở thủy điện Sông Tranh 2.
Trước đó vào trưa 14/10, thông tin PV VTC News có được, lực lượng cứu nạn tiếp cận hiện trường vụ sạt lở ở Trạm Quản lý bảo vệ rừng tiểu khu 67.
Ngay sau đó, lực lượng chức năng khẩn trương tìm kiếm các nạn nhân mất tích và triển khai các biện pháp cứu hộ, cứu nạn.
Được biết, đêm 12/10 quả đồi nằm cách Trạm Kiểm lâm số 7 khoảng 100 m bị sạt lở, đất đá đổ xuống nơi nghỉ đêm của đoàn cứu hộ. Hiện, đất đá vùi lấp khu vực này khoảng 1 ha, với độ phủ dày từ 2-3 m.
Bình luận