• Zalo

Lợi ích không ngờ của việc dạy con xưng hô với bố mẹ khác kiểu truyền thống

Đời sốngThứ Sáu, 24/11/2017 13:00:00 +07:00Google News

Dạy con xưng hô theo truyền thống người Việt hay dạy con xưng hô bằng nickname do con thoải mái nghĩ ra sẽ tạo sự gần gũi và giúp cha mẹ dễ trở thành bạn của con hơn?

Thú vị khi con gọi mình bằng nickname

Bây giờ đến chơi nhiều gia đình, không khó gặp các cậu ấm cô chiêu mang tên gọi ở nhà chẳng khác nào Tây như Bin, Bob, Peter…Nhiều gia đình không chỉ đặt nickname cho con mà ngay cả bố mẹ, ông bà cũng có tên riêng khi ở nhà để xưng hô với nhau.

Kèm theo đó, nhiều cha mẹ cũng trao quyền cho con được tự chọn cách xưng hộ với các thành viên trong nhà. Ví dụ như “Con thích gọi cha là “Bố” hay “Ba” đều được”. Hoặc nếu không, con có thể gọi hẳn tên của cha mẹ, ông bà khi xưng hô như “bố Nam”, “ông Tân”… thay vì gọi là “bố”, “ông nội”, “ông ngoại”…

Một trường hợp xưng hô điển hình theo cách này mà dư luận thời gian vừa qua đều biết đến là bé Bôm, con trai của diễn viên Quốc Tuấn. Trong nhiều chương trình, các bậc phụ huynh không khỏi ấn tượng bởi cách xưng hô giữa hai bố con. Bôm thoải mái gọi bố Tuấn là “anh” mọi lúc mọi nơi, còn diễn viên Quốc Tuấn thì gọi con trai là “đại ca” của mình.

 

Nói về cách xưng hô dễ thương con trai gọi mình, bố Tuấn không khỏi bật cười. Anh chia sẻ, đây là cách gọi thường ngày đầy thoải mái của hai bố con. Ở nhà Bôm toàn gọi bố là anh, kiểu: “Anh Tuấn ơi em xong rồi”, “Bây giờ làm gì nữa hả anh?”…Còn cái tên Bôm là do con tự chọn. Khi sinh ra vợ anh đặt tên là Tôm-tôm tép nhưng khi mọi người hỏi tên, con đọc luôn là Bôm.

Có lẽ nhờ cách xưng hô đặc biệt ấy mà anh Tuấn và Bôm dễ tâm sự và thấu nhiểu nhau hơn. Bôm cũng bày tỏ nhiều điều về bản thân cũng như mơ ước của mình với bố. Nhờ có những cuộc trò chuyện như vậy mà không khí gia đình luôn vui vẻ dù đã phải trải qua nhiều biến cố.

Ngoài diễn viên Quốc Tuấn, nhiều bậc phụ huynh áp dụng cách giáo dục này cũng thú nhận rằng, mới đầu thì cách xưng hô tự do này thường xuyên gây ngạc nhiên, thậm chí gây sốc nặng cho cả gia đình và bạn bè họ tới chơi. Thậm chí nhiều cha mẹ còn gặp phải sự phản đối gay gắt từ phía người lớn tuổi. Cũng bởi nó không tuân theo cách xưng hô thứ bậc truyền thống của người Việt Nam.

Nhưng lâu dần thì họ chuyển từ ngạc nhiên, nghi ngại sang thích thú. Mỗi lần nghe con cất giọng trong vắt gọi “Bố Nam ơi, cho Ốc ăn kem được không?” hay “Ông Tân ơi, cho Bob đi sang nhà Kem chơi được không?”… thì cha mẹ lại thấy có điều gì đó vô cùng mới mẻ, đáng yêu.

Họ cũng nhận thấy, áp dụng cách xưng hô không theo kiểu truyền thống này dường như giúp các bé có phần tự lập hơn. Đôi khi các bé coi cha mẹ, ông bà như những người bạn và tâm sự những điều mà trước đây con không dám nói.

Video: Cách dạy con kiểu tỷ phú ở ông Donald Trump

Dạy con xưng hô với bố mẹ không phải như kiểu truyền thống, nhiều lợi ích không ngờ!

Lý do là bởi, với cách xưng hô truyền thống, khi sinh ra, trẻ con đã được dạy gọi những người thân lớn tuổi là ông bà, cha mẹ, anh chị. Khi gặp người lạ cũng phải xưng hô sao cho phải phép. Chính những cách xưng hô như vậy vô hình chung tạo ra sự phân chia thứ bậc. Người ít tuổi hơn thì bị coi là bậc dưới, phải nghe lời người nhiều tuổi hơn. Chính cách xưng hô phức tạp này khiến trẻ con thiếu tự tin, rụt rè, sợ sệt khi muốn bày tỏ suy nghĩ cá nhân của mình.

Ngược lại, với cách xưng hô sáng tạo, không phân chia thứ bậc như cậu tớ, bạn mình, thân mật gọi cha mẹ là mami, daddy…sẽ khiến cho mọi đứa trẻ đều cảm thấy bình đẳng ngay cả với cha mẹ chúng. Trẻ em được coi là những thành viên khác trong gia đình, có chăng là nhỏ tuổi hơn và được ưu ái hơn trong một số công việc nhất định.

Từ đó, trẻ ý thức được rằng, mình hoàn toàn có quyền được bày tỏ ý kiến, thể hiện sở thích cá nhận và được người khác tôn trọng, lắng nghe. Cách xưng hô gần gũi, thân mật giữa các thành viên gia đình cũng khiến các bé thêm tự tin, thoải mái khi đặt câu hỏi cho cha mẹ nhằm thỏa mãn trí tò mò khám phá thế giới trong độ tuổi này. Điều đó sẽ giúp trẻ phát triển đầy đủ về trí tuệ bởi trẻ con càng hỏi nhiều, trẻ con càng thông minh.

Cách xưng hô mới không theo kiểu truyền thống còn giúp xóa nhòa khoảng cách giữa cha mẹ con cái và khiến mối quan hệ này bớt bị ràng buộc bởi nhiều nguyên tắc đạo đức. Bố mẹ hoàn toàn có thể làm bạn với con thông qua cách xưng hô hàng ngày đầy sáng tạo như vậy.

Giao tiếp là chìa khóa kết nối các thành viên trong gia đình. Khi chấp nhận cho con gọi mình bằng những từ xưng hô khác với truyền thống thì cha mẹ cũng phải chấp nhận rằng trong tư duy của bé cũng có nhiều thay đổi so với những bé khác. Vì vậy, bác bậc phụ huynh khi dạy con cách xưng hô đừng cố gắng đưa ra “chuẩn nào cả”.!” Con sẽ hiểu được sự đa dạng và tinh tế của cách ứng xử, của cuộc sống khi được trải nghiệm những tình huống khác nhau với cảm nhận của riêng mình.

Thanh Huyền
Bình luận
vtcnews.vn