Câu chuyện “Lời nói dối chân thật của người chồng tàn nhẫn nhất” do độc giả Trần Nguyên gửi về đã gây xúc động cho nhiều bạn đọc. Như một phản hồi, độc giả Minh Trang lại gửi đến chúng ta câu chuyện khác không kém phần cảm động về tình người, minh chứng rằng những người đàn ông tuyệt vời nhất không chỉ là sản phẩm của các nhà làm phim, mà hiện hữu ngay trong cuộc sống quanh ta.
Thay bạn gái đã chết phụng dưỡng cha mẹ suốt 17 năm
Một đôi trai gái yêu nhau, người con gái không may mắc bệnh qua đời. Câu chuyện tình buồn kiểu đó có thể thấy ở bất cứ đâu. Nhưng điều đặc biệt là, để giữ lời hứa chăm sóc cha mẹ người yêu, chàng trai đã rời gia đình mình, chuyển hẳn sang làm con cha mẹ cô gái, và chăm sóc cha mẹ cô suốt 17 năm trời…
Câu chuyện cảm động này xảy ra ở thành phố Tùng Tư, Trung Quốc, và tên chàng trai là Tô Vận Phong.
Giữ lời hứa
Những ngày giáp Tết, trời lất phất mưa. Ở trấn Bát Bảo, thành phố Tùng Tư, một gia đình nông dân bình thường đang chuẩn bị cho năm mới.
“Phong à, cá năm nay béo thật, con cầm chắc nhé”. “Vâng, cha, còn cây thịt sấy kia nữa, đưa con treo lên…” Bên cạnh 2 cha con, một thiếu phụ xắn tay áo, dịu dàng nói: “Cha, hai cha con cứ treo thịt nhé, con đi nấu cơm đây.”
Gia đình hòa thuận này, người cha là Hoàng Hưng Tài, con trai là Tô Vận Phong, con dâu là Khuất Thanh Hoa. Chỉ có điều, Vận Phong không phải con trai do ông Hoàng sinh ra, cũng không phải con nuôi, mà là người yêu của cô con gái Hoàng Nguyên Anh đã mất cách đây 17 năm. Giữ lời hứa, chàng trai 26 tuổi Tô Vận Phong đã dọn đến làm con trai cho nhà họ Hoàng, và Thanh Hoa cũng cảm động trước nghĩa cử ấy mà đồng ý đến làm “con dâu” cho bố mẹ người yêu cũ của chồng.
Nhớ lại những chuyện đã qua trong mười mấy năm, ông già 65 tuổi Hoàng Hưng Tài thấy như một giấc mơ.
Vận Phong khi còn trong quân ngũ. |
Thế nhưng, sự đời nhiều ngang trái, tháng 10 năm ấy, Nguyên Anh ngã bệnh. Cô được chuyển lên nhiều bệnh viện tuyến trên, và kết quả xét nghiệm khiến tất cả mọi người chết đứng: u não giai đoạn cuối.
Tô Vận Phong lúc ấy đã rơi nước mắt, quỳ xuống cầu xin bác sĩ. Bệnh viện gợi ý thử làm phẫu thuật, may ra còn chút hy vọng. Bấy giờ, chi phí phẫu thuật là 100.000 NDT (khoảng 270 triệu đồng), một số tiền quá lớn với chàng trai nghèo và gia đình cô gái. Anh bán xe, rồi vay mượn bạn bè thân thích để kiếm đủ số tiền. Trong thời gian Nguyên Anh nằm viện, Vận Phong luôn túc trực bên giường, cố kiếm cho người yêu những món ăn cô thích. Bản thân anh, mệt thì ngủ trên tấm phản dưới nền nhà, đói thì ăn bánh bao, chỉ trong 1 tháng đã sút đi hơn 5kg.
Thế nhưng, sau ca phẫu thuật, bệnh của Nguyên Anh vẫn không khá lên. Vận Phong nước mắt như mưa khi các bác sĩ điều trị nói với anh, cô gái sẽ không còn sống được bao lâu nữa.
Nguyên Anh cũng biết bệnh tình của mình, năm lần bảy lượt xin về nhà điều trị. Cuối cùng, cha mẹ cũng chiều theo ý cô. 3 tháng sau, bệnh tình chuyển biến ngày càng xấu. Một hôm, sau khi hôn mê tỉnh lại, cô nắm tay Vận Phong tha thiết nói: “Kiếp sau em sẽ xin là người con gái của anh! Em sắp phải đi rồi, xin anh giúp em chăm sóc cha mẹ, đừng để họ phải cô độc lúc về già.”
Vận Phong nghẹn ngào quỳ xuống bên giường: “Em cứ yên tâm, từ nay trở đi cha mẹ em cũng là cha mẹ anh, anh quyết không để họ phải chịu rét, chịu khổ, anh có cái ăn thì họ nhất định không phải chịu đói!”
Cô gái hiếu thảo Nguyên Anh yên lòng nhắm mắt.
Sang làm con cho nhà họ Hoàng
Bạn gái mất, Vận Phong nghĩ trước nghĩ sau, cảm thấy với hoàn cảnh hiện tại, rất khó để chăm sóc tốt cho nhà họ Hoàng. Anh quyết định sang làm con nhà họ Hoàng.
Sau khi an táng Nguyên Anh, Vận Phong quỳ trước mặt cha mẹ cô mà nói: “Thưa cha mẹ, Nguyên Anh đi rồi, từ nay trở đi con là con ruột của cha mẹ.” Hai người nước mắt giàn giụa, khuyên rằng: “Con à, tấm lòng của con chúng ta xin nhận, nhưng con có cha mẹ, có gia đình, việc này con phải suy nghĩ thật kĩ…”
Nhưng Vận Phong đã quyết thì không thay đổi, anh tìm cách thuyết phục cha mẹ mình. Nhà anh có 4 anh em, chị cả đã lấy chồng, em trai đã kết hôn, còn một em gái đi làm xa. Sau khi Vận Phong nói ra quyết định của mình, cả nhà đều sửng sốt, không nói được câu nào. Nuôi được đứa con trai hơn 20 năm trời, đột nhiên mất làm con người khác, có bậc làm cha làm mẹ nào dễ dàng chấp nhận? Nhưng cha mẹ anh cũng là người thấu tình đạt lí, họ Hoàng giờ đây cả về vật chất và tinh thần đều khánh kiệt cả rồi, chỉ có cho Vận Phong sang làm con nuôi, cha mẹ Nguyên Anh mới tìm lại được hi vọng sống. Nhà họ Tô cuối cùng chấp nhận quyết định của Vận Phong. Mẹ anh làm một bữa cơm tiễn con, cha anh nâng chén rượu dặn dò: “Rảnh rỗi thường xuyên về nhà con nhé.” Cậu em trai cũng dặn anh: “Anh à, đã làm thì làm cho tốt. Ở nhà đã có em lo liệu.”
Đưa vợ về chăm sóc bố mẹ người yêu
Việc Vận Phong sang làm con cho nhà họ Hoàng khiến mọi người xung quanh ngờ vực, điều tiếng không ít, nhưng anh không quan tâm. Để trả những món nợ vay hồi chữa bệnh cho Nguyên Anh, ban ngày, anh làm công ở xưởng sửa chữa ô tô, buổi tối lại đi đào cát trên sông Tùng Tư. Vợ chồng ông Hoàng Hưng Tài ngoài cày cấy còn trồng rau, nuôi lợn, đánh cá; cả nhà đoàn kết cùng cố gắng. Vận Phong và cha.
Ngoài việc kiếm tiền, Vận Phong cũng hết lòng quan tâm chăm sóc cha mẹ nuôi. Khi hai người bị ốm, anh chạy tới chạy lui mang nước, hái thuốc, giặt giũ, nấu nướng. Anh cũng cư xử rất nhã nhặn, lễ độ với họ hàng. Được nửa năm thì những lời bàn ra tán vào cũng hết, mọi người đều quý mến và cảm thông cho Vận Phong; nhiều người muốn giới thiệu đối tượng cho anh. Vận Phong đặt ra một điều kiện: cô gái nào lấy anh phải đồng ý ở nhà họ Hoàng, cùng anh chăm sóc cha mẹ người yêu cũ.
Cuối năm 1993, Vận Phong được giới thiệu với Khuất Thanh Hoa, một bạn học cũ của Nguyên Anh, rất cảm phục trước nghĩa cử của anh. Một thời gian sau, hai người kết hôn. Khi “con trai” và “con dâu” quỳ trước mặt gọi “cha, mẹ”, hai vợ chồng Hoàng Hưng Tài lại nước mắt chan chan.
Lấy họ Hoàng đặt tên cho con
Quan hệ mẹ chồng nàng dâu xưa nay vẫn khó, huống gì “bố mẹ chồng” lại là bố mẹ người yêu cũ của chồng. Khi mới về sống chung, giữa Thanh Hoa và vợ chồng ông Hoàng đôi lúc cũng có điều xích mích. Một bên là cha mẹ người xưa, một bên là vợ mới cưới, để hai bên thực sự đón nhận nhau cần có một quá trình. Vận Phong giao hẹn với vợ 3 điều: không được nói hỗn với bố mẹ; có điều gì oan ức, chỉ được giãi bày với chồng; vợ chồng nếu có cãi nhau, cũng không được cãi nhau trong nhà. Dần dần, Thanh Hoa cũng hòa hợp được với cha mẹ Nguyên Anh, giặt giũ, cơm nước, việc đồng áng, cô đều lo liệu. Đã nhiều năm nay, cô không bao giờ to tiếng trước mặt bố mẹ.
Năm 1995, khi con trai ra đời, Vận Phong lại quyết định lấy họ Hoàng đặt cho con. Cũng năm ấy, khi xây mộ cho Nguyên Anh, đúng lúc mọi người không để ý, ông Hoàng bất ngờ quỳ xuống trước mặt Vận Phong khóc rằng: “Nguyên Anh à, con yên tâm đi, Vận Phong đối với bố mẹ chẳng khác nào con đẻ…”
Sau 6 năm đoàn kết cố gắng, đến năm 1999, Vận Phong và nhà họ Hoàng đã trả xong món nợ 100.000 tệ.
Năm 2004, “mẹ chồng” mắc bệnh, Thanh Hoa ở trong bệnh viện chăm sóc bà từng li từng tí. Còn Vận Phong thì hết lòng tìm thầy tìm thợ chạy chữa cho bà. Nghe ở Giám Lợi có thầy thuốc hay, anh lặn lội tới tận nơi mời thầy thuốc về nhà; nghe ở Nghi Xương có ông lang giỏi, Thanh Hoa lại đưa mẹ chồng đến bốc thuốc. Chị cõng mẹ trên lưng, leo mấy cây số đường núi, khi lên đến nơi thì ống quần tả tơi, chân chảy máu.
Nghĩ thương người già chẳng biết còn sống được bao lâu, anh chị lại thuê xe đưa cụ ông đi du lịch ở Nghi Xương, đây là nơi xa nhất mà cụ từng được đến. Nhìn dòng mương Cát Châu, cụ già rưng rưng nước mắt nói: “Con trai, con là đứa con mà ông trời ban cho ta.”
17 năm đã qua đi, chàng trai năm xưa giờ đã 43 tuổi. Giờ đây, Vận Phong đã mở được một xưởng sửa chữa ôtô, cuộc sống của cả nhà trôi qua bình yên, hạnh phúc. Nhắc lại chuyện đã qua, anh tâm sự: “Trong 2 năm, nhà họ Hoàng lần lượt mất cả con trai lẫn con gái, nếu tôi không chăm sóc, hai người thực sự sẽ thành người già không nơi nương tựa. Đối với người già, nhu cầu vật chất thực ra không phải quan trọng nhất, mà nhu cầu tinh thần mới thực có ý nghĩa. Đặt tên con lấy họ Hoàng, là vì muốn các cụ có một điểm tựa tâm thần, cảm thấy mình thực sự có cháu nội, có gia đình…”
Câu chuyện của Vận Phong thật giản dị, như chính con người anh, tình yêu của anh không ồn ào, không nổi trội như những người trẻ bây giờ, nhưng đủ để anh giữ một lời hứa suốt đời, làm được những điều giản đơn nhất mà cũng ý nghĩa nhất cho cha mẹ người yêu. Và càng đáng khâm phục hơn nữa, vợ anh, người phụ nữ bao dung và can đảm, vì cảm nghĩa người con trai mà chung sống và chăm sóc cha mẹ người yêu cũ của anh như chính cha mẹ mình, và đồng ý để đứa con do mình sinh ra mang họ của người con gái đến trước mình. Có những điều tưởng như không thể, nhưng tình người có thể…
Minh Trang
(theo Kinh Sở đô thị báo)
Bình luận