• Zalo

Lời hẹn ước tại trại tử thần và cuộc hội ngộ cảm động sau hơn 7 thập kỷ

Thế giớiThứ Bảy, 14/12/2019 12:08:00 +07:00Google News

Câu chuyện hội ngộ của cặp tình nhân sau 72 năm xa xách khiến không ít người xúc động.

Khi mới 17 tuổi, David Wisnia bị đưa tới Auschwitz, trại tập trung lớn nhất của phát xít Đức. Tài ca hát của chàng trai chưa đầy đôi mươi khiến anh bị biến thành thú tiêu khiển, biễu diễn mua vui cho lính Đức Quốc xã. 

Chính nhờ tài năng cùng mối quan hệ bí mật với nữ tù nhân 25 tuổi Helen Spitzer, người có quyền truy cập vào danh sách luân chuyển tù nhân giúp Wisnia không bị điều tới phòng hơi ngạt của các trại tập trung khác. 

Khi tin đồn Liên Xô đang tới gần và cuộc chiến có thể kết thúc vào năm 1944 được lan truyền, cặp đôi biết họ sắp phải chia xa và hứa gặp lại nhau tại một trung tâm cộng đồng ở Warsaw, Ba Lan khi cuộc chiến chấm dứt.

cap doi

 Cặp tình nhân gặp lại sau 72 năm. (Ảnh: NYT)

Nhưng mọi chuyện rẽ sang bước ngoặt mới vào thời điểm Wisnia dùng xẻng đánh gục một lính áp giải của Đức Quốc xã và chạy trốn trước khi được lính nhảy dù Mỹ phát hiện. Wisnia kể câu chuyện của mình và được nhận vào Sư đoàn nhảy dù 101 của Mỹ trong vai trò phiên dịch và trợ lý dân sự. Công việc mới khiến chàng trai trẻ gác lại lời hứa với người yêu. 

Nhiều năm trôi qua, cả hai cố gắng liên lạc sau chiến tranh nhưng bất thành. Mãi cho tới cách đây 3 năm khi bà Spitzer đã 98 tuổi, cặp tình nhân mới có dịp hội ngộ lần đầu sau 72 năm ở Manhattan.Thị lực và thính lực của bà Spitzer đã yếu đi rất nhiều. 

Trong cuộc hội ngộ với người tình xa cách 7 thập kỷ, bà nằm trên giường với các thiết bị y tế quanh người. Nắm lấy bàn tay người yêu cũ, ông Wisnia trông vẫn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Ông hát cho bà Spitzer nghe bài hát tiếng Hungary mà chính bà đã dạy ông ở Auschwitz và cả hai nhớ về những kỷ niệm của hơn 7 thập kỷ trước.

Chuyện tình của họ bắt đầu khi lính gác Đức Quốc xã phát hiện Wisnia có một giọng ca trời phú. Ông thường xuyên được gọi tới để biểu diễn tại Sauna - khu nhà tắm tập thể được sử dụng để khử trùng quần áo. 

Ngoài việc ca hát, mỗi lần tới Auschwitz, Wisnia được giao thêm nhiệm vụ khử trùng quần áo của các tù nhân mới đến bằng Zyklon B, loại thuốc trừ sâu Xyanua phát xít Đức dùng để giết các nạn nhân trong các buồng hơi ngạt. 

Công việc trước đó của Wisnia là thu thập xác chết các tù nhân tự sát bằng cách lao mình vào hàng rào điện giăng xung quanh trại. 

chang trai

 Vẻ ngoài điển trai của Wisnia khi còn trẻ. (Ảnh: Daily Mail)

Spitzer tới từ Slovakia được đưa vào Auschwitz trước Wisnia 9 tháng. Như bao tù nhân khác, Spitzer bị vắt kiệt sức lực và chịu cảnh bệnh tật liên miên. Tuy nhiên, nhờ khả năng nói tiếng Đức cùng sự khôn khéo của mình, cô gái trẻ xin được một công việc trong văn phòng. Một trong những nhiệm vụ của cô là thống kê lao động ở Auschwitz.

Vờ bằng mặt với Đức Quốc xã, Spitzer tận dụng cơ hội này để chỉnh sửa giấy tờ theo hướng có lợi cho các tù nhân hoặc bí mật gửi các báo cáo cho các nhóm chống phát xít. 

Do được đi lại tự do trong trại, Spitzer biết tới Wisnia. Cặp đôi sau vài lần gặp gỡ đã nảy sinh tình cảm. Mỗi lần gặp mặt, Spitzer sẽ cho các tù nhân thức ăn để nhờ họ canh chừng 30 phút tới 1 giờ cho cặp đôi gặp nhau. Những cuộc hẹn hò vụng trộm như vậy kéo dài trong nhiều tháng. 

Khi hay tin quân Liên Xô đang đến gần, chiến tranh có thể sớm kết thúc, cặp đôi hứa sẽ gặp lại nhau tại một trung tâm cộng đồng ở Warsaw, Ba Lan. Lời hứa đó mất 72 năm để thực hiện và địa điểm cũng được hoán cải sang căn nhà của bà Spitzer ở Manhattan, New York. 

Trong cuộc hội ngộ sau hơn 70 năm ly biệt, Spitzer tiết lộ với người yêu cũ rằng bà đã cứu ông 5 lần. 

"Tôi đã cứu ông năm lần đấy", bà nói và giơ 5 ngón tay. 

Trong cuốn hồi kỳ của mình, ông Wisnia nhắc tới bà Spitzer như một người có rất nhiều đặc quyền ở Auschwitz, có thể đi mọi nơi mình muốn.

Wisnia tinh ý phát hiện ra rằng người phụ nữ hơn mình 8 tuổi thường xuyên tới Sauna. Những lần chạm mặt trở nên thường xuyên hơn và cặp đôi mất 1 năm tìm hiểu trước khi bắt đầu mối quan hệ. 

"Chúng tôi biết rằng mỗi ngày đều có thể là ngày cuối cùng nên đã sống hết mình trong mỗi khoảnh khắc', ông Wisnia viết 

ba 3

Bà Spitzer khi còn trẻ. (Ảnh: NYT)

Tới năm 1943, Đức Quốc Xã luân chuyển các tù nhân Auschwitz tới các trại lao động. Do có quyền truy cập vào danh sách này, bà Spitzer đưa ông Wisnia ra khỏi danh sách. 

Ông Wisnia ở lại Auschwitz gần 3 năm, điều khó tin vào thời điểm đó bởi hầu hết những tù nhân như ông cùng lắm chỉ cầm cự được vài tháng. 

Khi Đức Quốc xã sụp đổ, nhiều tù nhân từ các trại tập trung bị ép tham gia vào Cuộc diễu hành tử thần. 

Cuối cùng, ông Wisnia được sơ tán đến Dachau, một trại tập trung khác vào đầu năm 1945 trong khi bà Spitzer thành công trà trộn vào người dân địa phương và trốn thoát. 

Sau khi Đức Quốc xã đầu hàng, Spitzer tìm đường đến ngôi nhà thời thơ ấu của mình ở Bratislava, Slovakia. Khi đó, gia đình chỉ còn lại cậu em trai vừa mới kết hôn. 

Không lâu sau đó, bà quyết định tới di chuyển tới khu trại Feldafing, nơi tập trung những người di tản ở Bavaria, nơi Mỹ giành quyến kiểm soát của Đức. 

Ông Wisnia, khi đó đang làm việc trong quan đội Mỹ thường xuyên chở đồ tiếp tế tới khu trại này, nhưng cả hai chưa bao giờ giáp mặt. 

"Tôi lái xe tới đến Feldafing, nhưng không biết cô ấy ở đó", ông chia sẻ. 

Không lâu sau khi đến Feldafing vào tháng 9/1945, bà Spitzer kết hôn với Erwin Tichauer, một sĩ quan an ninh Liên hợp quốc. Cặp vợ chồng dành phần lớn thời gian làm từ thiện. 

Cả hai chuyển tới Austin, Texas sinh sống trước khi quyết định định cư ở New York năm 1967. Họ không có con. Ông Tichauer qua đời năm 1996, bà Spitzer qua đời năm 100 tuổi. 

Trong khi đó, ông Wisnia sau khi dùng xẻng đánh ngất lính áp giải và may mắn gặp Sư đoàn dù 101 Mỹ trên đường chạy trốn. 

Ông được nhận vào đơn vị này và chuyển tới Mỹ khi Thế chiến II kết thúc.

"Tôi cảm thấy được tái sinh trong bộ đồng phục lính Mỹ và tôi bắt đầu cố gắng học tiếng Anh nhanh nhất có thể. Đây là khởi đầu cho cuộc sống thứ hai của tôi", ông viết trong hồi ký xuất bản năm 2015.

Ở Mỹ, ông sống cùng 2 người dì ở Brooklyn. Ông kết hôn với một phụ nữ New York và định cư ở Levittown, Pennsylvania. Trong khoảng thời gian từ năm 1952-1974, ông giữ chức Phó Chủ tịch kinh doanh tại một công ty sách có trụ sở ở Brooklyn. 

Không lâu sau khi Wisnia kết hôn, một người bạn của ông nói bà Spitzer đang ở New York. Ông muốn liên lạc và thậm chí đã hẹn gặp mặt nhưng bà Spitzer không tới điểm hẹn. 

Tới năm 2016, ông vẫn không nguôi hy vọng được gặp lại ân nhân của mình. Con trai ông sau đó đã cố liên lạc và cuối cùng cũng nhận được cái gật đầu đồng ý từ bà Spitzer.

"Tôi đã chờ ông", bà Spitzer nói trong cuộc hội ngộ duy nhất của họ sau 72 năm. Bà thực sự đã tới điểm hẹn nhưng người mà bà ngóng đợi không xuất hiện. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn