Học viện Đào tạo hoạt hình quốc tế Sconnect (Sconnect Academy) mới đây đã ký kết hợp tác với Trường Đại học CMC (CMCU) - trường đại học số đầu tiên tại Việt Nam nhằm tạo ra hệ sinh thái đào tạo và làm việc chất lượng cao, tạo điều kiện phát triển cho nguồn nhân lực công nghệ sáng tạo đầy tiềm năng tại Việt Nam.
Sự hợp tác giữa Sconnect Academy và CMCU hướng tới chia sẻ thế mạnh của mỗi bên trong việc mở rộng và đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực trẻ. Từ đó, tạo ra nhiều cơ hội học tập cũng như việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Những chương trình đào tạo thực hành tại Sconnect Academy là tiền đề vững chắc cung cấp kỹ năng chuyên môn tốt cho các bạn trẻ mong muốn gia nhập ngành công nghiệp sáng tạo.
Thầy Hồ Như Hải - Phó hiệu trưởng Trường Đại học CMC cho biết: “Chúng tôi đề cao sự hợp tác này, đây là cơ hội hiếm có cho các sinh viên của trường tiếp xúc với môi trường học tập, làm việc tiêu chuẩn quốc tế từ sớm. Xây dựng vốn kiến thức nghề nghiệp để có thể tạo nên nhiều giá trị thực sau khi tốt nghiệp”.
Bà Vũ Thương - Giám đốc Sconnect Academy khẳng định: “Học viện sẵn sàng đưa ra chương trình học tập toàn diện cho các bạn sinh viên đam mê bộ môn sáng tạo, chúng tôi cung cấp nền tảng tri thức và kỹ năng chuyên môn các nhóm ngành thị trường đang cần với tiêu chuẩn chất lượng cao. Bên cạnh đó, sự hợp tác lần này đánh dấu cho các dự án giáo dục, trao đổi sinh viên và học viên của 2 đơn vị nhắm tới các dự án quốc tế trong tương lai”.
Sau buổi lễ, lãnh đạo hai đơn vị bày tỏ sự tin tưởng về mối quan hệ hợp tác sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển song phương. Đây là bệ phóng vững chắc để hai bên xúc tiến những dự án như: chuyển giao công nghệ giáo dục; xây dựng các chương trình học tập - thực tập sớm dành cho sinh viên...
Hiện nay, Chính phủ dành nhiều sự ưu tiên để phát triển hợp tác giữa các doanh nghiệp và đơn vị giáo dục trên toàn quốc, tạo tiền đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt. Tiếp tục triển khai những chương trình liên kết quốc tế, đào tạo ngắn hạn và dài hạn, khuyến khích các cơ sở giáo dục chú trọng phát triển chuyên môn trên toàn quốc.
Đẩy mạnh hợp tác toàn diện giáo dục trong nước và quốc tế
Việt Nam đang trở thành một trong những quốc gia tích cực hội nhập kinh tế toàn cầu. Trong đó, lĩnh vực giáo dục được xác định là chìa khóa quan trọng để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Việt Nam có hơn 500 chương trình liên kết với hơn 30 quốc gia, khoảng 190.000 sinh viên Việt đang sống và học tập tại nước ngoài và hơn 21.000 sinh viên nước ngoài đang theo học tại các cơ sở giáo dục của Việt Nam.
Phát biểu trong Diễn đàn giáo dục Việt Nam - New Zealand hồi đầu năm 2022, Chủ tịch Quốc hội - ông Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: “Giáo dục - đào tạo là một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng, hiệu quả nhất”.
Theo đó, chú trọng và đẩy mạnh công tác phối hợp trao đổi học thuật, chuyển giao công nghệ đào tạo là một trong những mũi nhọn của ngành giáo dục. Không chỉ là sự hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và các quốc gia, đó còn là sự hợp tác trong khu vực, giữa các doanh nghiệp với cơ sở giáo dục và giữa các cơ sở giáo dục với nhau.
Trong quý IV năm 2023 và đầu quý I năm 2024, với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo”, toàn ngành giáo dục tập trung vào 12 nhiệm vụ trọng tâm để triển khai hiệu quả trong đó có nhiệm vụ Hội nhập quốc tế trong giáo dục.
Cụ thể, Bộ tăng cường hội nhập quốc tế, chủ động mở rộng hợp tác song phương, đa phương giữa các đơn vị giáo dục và doanh nghiệp; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nước ngoài cho giáo dục và đào tạo. Bộ cũng ưu tiên khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục trong nước hợp tác với các cơ sở giáo dục quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học; đẩy mạnh thu hút học viên, nhà khoa học có uy tín ở nước ngoài đến học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Việt Nam.
Bình luận