• Zalo

Logo SEA Games - Biểu tượng cho tình đoàn kết

Tổng hợpThứ Hai, 02/12/2013 06:22:00 +07:00Google News

(VTC News) – Logo ở mỗi kì SEA Games đều rất quan trọng, bởi nó là hình ảnh đại diện cho cả một đất nước.

(VTC News) – Logo ở mỗi kì SEA Games đều rất quan trọng, bởi nó là hình ảnh đại diện cho cả một đất nước.
Thiết kế logo là một trong những điều mà các nước đăng cai tổ chức SEA Games chú trọng nhất trong khâu chuẩn bị cho Đại hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á. Điều này dễ hiểu bởi logo được xem là hình ảnh đại diện, biểu trưng nhất cho nền văn hóa, truyền thống, những nét đặc biệt về đất nước, con người của quốc gia chủ nhà.
Ở những thời kì đầu, logo của SEA Games chỉ đơn giản mang ý nghĩa hướng đến một tinh thần đoàn kết, hữu nghị giữa các nước tham dự qua hình ảnh những vòng tròn đan vào nhau, với số vòng tròn cũng là số thành viên của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á. Và đây được xem như là điều cốt lõi nhất trong thiết kế của mọi logo sau này.

Logo ba kì SEA Games đầu tiên (tên cũ: SEAP Games).

Tuy nhiên, với sự phát triển chung của cả khu vực và do dòng chảy lịch sử ở Đông Nam Á có nhiều biến động nên đã có một số sai sót trong thiết kế của những logo SEA Games.

Ban đầu, logo có 6 vòng tròn kết vào nhau tượng trưng cho sáu quốc gia đầu tiên tham dự (Thái Lan, Lào, Myanmar (lúc đó là Burna), Malaysia, Singapore và Nam Việt Nam). Nhưng đến tận kì SEA Games 15 (Malaysia,1989) khi số nước tham dự đã là 10, số lượng vòng tròn vẫn không thay đổi. Thiếu sót này còn được lặp lại sau đó ở SEA Games 22 (Việt Nam, 2003) – kì Đại hội đã có thêm thành viên thứ 11 là Đông Timor, song, logo của SEA Games vẫn chỉ có 10 vòng tròn kết vào nhau.
Theo thời gian, đi cùng với nhận thức về một cộng đồng chung vững mạnh, mối quan hệ giữa các nước trong khu vực dần trở nên yên ấm, việc thiết kế logo cũng thoáng hơn với những hình ảnh đặc trưng nhất của quốc gia đăng cai tổ chức SEA Games.  

Sự đổi mới trong thiết kế logo SEA Games khởi nguồn từ Singapore. 

Tiên phong cho việc thiết kế logo SEA Games mang đậm nét đặc trưng riêng của nước chủ nhà phải kể đến đó là Singapore. Vào kì SEA Games 17 (1993), Singapore sử dụng logo có biểu tượng  "đầu sư tử"  với hàm ý khơi gợi lại một truyền thuyết thời khai thiên lập địa đảo quốc này về vị hoàng tử Sang Nila Utama nhìn thấy một con sư tử là sinh vật sống đầu tiên trên hòn đảo nên đã đặt tên cho hòn đảo là Thành phố Sư Tử (Singapura).
Song, logo mang đậm nét đặc trưng riêng của nước chủ nhà chỉ thật sự chuyển mình ở SEA Games 22 (Việt Nam, 2003). Logo SEA Games 22 là những nét vẽ mềm mại cách điệu của chim Lạc – hình tượng trang trí trên trống Đồng Ngọc Lũ - loại hình nghệ thuật đặc sắc, tiêu biểu nhất nền văn hoá Đông Sơn của người Việt Cổ, từ trước công nguyên.

Và kể từ đó, logo của các SEA Games sau đều rất đậm nét hình ảnh của quốc gia chủ nhà. Ví dụ điển hình là ở kì SEA Games 25 (Lào, 2009), logo chính thức dựa trên các nét chính về văn hóa, nghệ thuật và lịch sử của đất nước này. Ngôi đền trong logo chính là nét lịch sử nghệ thuật, mô phỏng theo kiến trúc truyền thống của nước Lào. 
Đặc biệt, Lào còn thể hiện tình hữu nghị với các quốc gia trong khu vực này bằng ba nét vẽ dưới chân đền còn gợi nhớ tới sông MêKông, dòng sông đã hình thành nên nền văn minh của Lào đồng thời cũng là con sông chảy qua các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Việt Nam.

Logo SEA Games đã có nhiều thay đổi đáng kể. 

Bên cạnh đó, có một điều thú vị chưa từng tiền lệ trong những thiết logo SEA Games từ trước đến nay: thiết kế logo dành riêng cho một cá nhân. Đó là ở kì SEA Games  24 (2007), diễn ra đúng dịp người dân Thái Lan kỷ niệm 80 năm ngày sinh Quốc vương Bhumibol Adulyadej (5.12.2007). Chính vì điều này, Thái Lan quyết định chọn hình chiếc thuyền buồm – môn thể thao Quốc vương  Adulyadej yêu thích nhất làm logo chính thức cho SEA Games 24.  
Còn có thêm một lý do nữa, đặc biệt hơn, lí giải cho việc thuyền buồm được chọn, trong quá khứ, ở kì SEA Games 4 (khi ấy là SEAP Games, Thái Lan, 1967), lần đầu tiên trong lịch sử thể thao thế giới có một vị vua tranh tài và chiến thắng ở giải đấu tầm khu vực, Quốc vương Thái Lan cùng cô con gái lớn là Công chúa Ubol Ratana đã giành huy chương vàng ở môn đua thuyền buồm. Đó là ngày 16-12-1967,cũng là ngày mà sau này Thái Lan đã chọn làm ngày Thể thao quốc gia.

Cuối cùng, có một thực tế rằng, dù logo SEA Games có thay đổi ra sao đi nữa thì nó vẫn luôn có hình ảnh, biểu trưng cốt lõi không thể thiếu là những vòng tròn kết vào nhau nhằm gửi đi thông điệp hòa bình – đoàn kết – hữu nghị giữa các quốc gia tham dự. 
Cùng với đó là những màu xanh, đen, vàng, đỏ và xanh lá cây, những màu đặc trưng của “Olympic – biểu tượng quốc tế đúng đắn” – nguyên văn lời ông Pierre de Coubertin, người sáng lập ra thế vận hội Olympic hiện đại đã viết như vậy hồi năm 1913. Điều này chứng tỏ rằng, SEA Games hiện tại không chỉ để kết nối những quốc gia Đông Nam Á, mà còn là cầu nối giữa Đông Nam Á với thế giới.

Logo SEA Games 27 sắp tới tại Myanmar 

Ở kì SEA Games 27 sắp tới sẽ diễn ra ở Myanmar, ý tưởng thiết kế logo được lấy cảm hứng từ chính hình dạng của đất nước này, cách điệu thành hình người với ba màu: vàng, xanh lá cây, đỏ của quốc kì Myanmar. Và tất nhiên không thể thiếu 11 vòng tròn kết vào nhau - biểu trưng cho sự đoàn kết của 11 thành viên trong cộng đồng Đông Nam Á.

Hoàng Tùng
Bình luận
vtcnews.vn