Video: Ngư dân Bình Định rộn ràng mùa ruốc biển.
Từ đầu tháng 12 dương lịch, những đàn ruốc đã đổ xô vào vùng biển gần bờ thuộc xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn), xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ) hứa hẹn mùa bội thu của ngư dân.
Từ sáng sớm đến tối mịt, từng đoàn tàu luôn bám các khu vực biển gần bờ, nối đuôi nhau ra vào bãi. Mỗi chuyến tàu về mang theo hàng tấn ruốc biển khiến nụ cười thêm rực rỡ trên môi ngư dân.
Đôi tay thoăn thoắt chuyển những mẻ ruốc biển vào bờ để kịp ra khơi đánh bắt mẻ mới. Tiếng cười nói làm bức tranh của biển thêm nhộn nhịp và sống động.
Theo người dân xã Nhơn Lý, các luồng ruốc xuất hiện dày đặc, tàu của ngư dân chỉ cần đi cách bờ chừng 1km là đã có thể khai thác. Ruốc biển được đánh bắt khẩn trương và liền tay, nếu không nhanh đàn ruốc có thể theo con nước di chuyển đi mất.
Mùa biển động, tàu đánh bắt xa bờ không thể ra khơi, đồng nghĩa với ngư dân không có nguồn thu nên họ luôn mong ngóng những đàn ruốc tươi ngon bị nước biển động ép ra khỏi hang và di chuyển dần vào gần bờ.
Ruốc biển chính là "lộc biển" giúp ngư dân có thu nhập trang trải cuộc sống.
Ruốc biển đánh bắt đưa vào bờ được các thương lái thu mua trong tích tắc. Hiện tại giá ruốc dao động từ 18.000 – 20.000 đồng/kg. Sau mỗi chuyến ra khơi chỉ 2-3 giờ đồng hồ, mỗi tàu cá của ngư dân có thể đánh bắt 3-4 tạ ruốc, thu về hàng triệu đồng.
Ruốc ngoài bán tươi cho thương lái còn được người dân phơi khô hoặc chế biến thành các loại mắm ruốc, mắm chua.
Công đoạn chế biến ruốc khô, mắm ruốc chủ yếu do những người phụ nữ đảm nhận. Vào mùa ruốc, ở Nhơn Lý ai cũng tất bật công việc, xã bán đảo ven biển tràn đầy niềm vui.
Không chỉ có ruốc biển, thời điểm hiện tại cũng là mùa cá cơm gần bờ nên các ngư dân cũng được thêm khoản thu khá, đời sống ngư dân các xã biển trên địa bàn tỉnh Bình Định được cải thiện.
Nụ cười hạnh phúc của ngư dân khi bội thu ruốc biển.
Cảnh ngư dân xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn quây lưới đánh ruốc biển nhìn từ trên cao.
Nhơn Lý là một xã đảo thuộc TP Quy Nhơn, nằm cách trung tâm TP Quy Nhơn khoảng 20 km. Người dân nơi đây bao đời bám biển kiếm sống. Thời gian gần đây, nhờ định hướng phát triển du lịch địa phương, làng chài nghèo vì thế cũng ngày một thay da đổi thịt.
Bình luận