Video: Chiêm ngưỡng nghệ thuật trang điểm tuồng cổ đầy ma mị, huyền bí.
Bình Định được xem là một trong những cái “nôi” của nghệ thuật tuồng (hát bội). Lịch sử nghệ thuật tuồng Bình Định gắn liền với tên tuổi của Tiền tổ Đào Duy Từ và Hậu tổ Đào Tấn. Qua thời gian, nhiều thế hệ nghệ sĩ dành cả cuộc đời để cống hiến và làm cho nghệ thuật tuồng Bình Định phát triển rực rỡ.
Hát bội thường được biểu diễn trong các dịp lễ hội và sự kiện truyền thống. Nó thường kể về các chủ đề lịch sử, huyền bí và truyền thuyết dân gian.
Điểm đặc biệt để nhận biết và phân biệt nghệ thuật hát bội với các môn khác là trang phục, trang sức và hóa trang của người nghệ sĩ vô cùng cầu kỳ và phức tạp.
Diễn viên hóa trang hát bội cần kỹ năng trang điểm chuyên nghiệp để tạo ra các hình ảnh mặt nạ truyền thống với các đặc điểm vừa rõ nét, mạch lạc, vừa ma mị và huyền bí.
Đây không chỉ là hóa trang thông thường mà còn bao gồm việc vẽ các đường nét và hình ảnh truyền thống trên khuôn mặt để thể hiện nhân vật trong vở kịch.
Lông mày cũng là một cách nhận biết nhân vật đặc biệt trong hát bội. Trong đó, màu trắng là thể hiện cho thần tiên, người cao tuổi, lông mày nét mềm mại, đơn giản biểu trưng cho người hiền.
Lông mày nét uốn lượn, bay múa là người đắc ý, kiêu ngạo; lông mày thẳng dốc hoặc có viền đỏ thể hiện cho người nóng tính. Nét vẽ lông mày ngắn sẽ thể hiện cho kẻ gian xảo, xu nịnh.
Phần nền da mặt là màu đỏ son chỉ người anh hùng trung trinh tiết liệt. Màu trắng mốc là kẻ gian thần, xu nịnh. Màu đen của người chất phác bộc trực, nóng nảy nhưng ngay thẳng, chân thực. Màu xám nhợt là người có tuổi, màu xanh ám chỉ người mưu mô xảo quyệt, yêu ma…
Nghệ thuật hóa trang mặt nạ hát bội vốn dĩ diễn tả diện mạo các nhân vật theo hình thức tượng trưng, nghệ sĩ phải học hỏi để tự biết cách trang điểm, vẽ mặt nạ cho chính mình theo từng vai diễn, từng loại nhân vật.
Khuôn mặt của mỗi nhân vật đều được hóa trang riêng để phân biệt tính cách.
Phần phục trang của các nhân vật tuồng gồm: áo giáp, áo thụng, áo đào văn, đai lưng... Đạo cụ thường là kiếm, đao, thương, cờ, quạt, roi ngựa, phất trần...
Cách trang điểm, tô vẽ trên gương mặt, từ hình dáng đến màu sắc, cả trang phục, điệu bộ, cử chỉ đều được quy định rõ ràng. Người xem chỉ cần nhìn vào nhân vật là có thể biết được diễn viên đang diễn vai nào.
Ngôn ngữ hình thể là một phần quan trọng để diễn tả hành động và tính cách nhân vật.
Thường thì các đoàn nghệ thuật này được thuê diễn vào dịp lễ hội cầu ngư hay liên hoan văn hóa nghệ thuật.
Bình luận