Sau khi nhiều địa phương “mở cửa” từ cuối quý III, thị trường ôtô Việt Nam bắt đầu ấm dần lên khi các quy định giãn cách được nới lỏng, giúp nhu cầu mua xe tăng trở lại. Dấu hiệu tươi sáng xuất hiện trong tháng 9, doanh số xe du lịch tăng 34% so với tháng 8 theo số liệu bán hàng từ Hiệp hội Các nhà Sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA).
Tiếp đà hồi phục, hàng loạt dòng xe ăn khách “bùng nổ” vào đầu quý IV với các kết quả bán hàng cao ngất ngưởng, đưa những thống kê bán hàng trở lại “sắc xanh” sau nhiều tháng ảm đạm.
Doanh số chạm đỉnh
VAMA cho biết, trong tháng 10 vừa qua, doanh số của mảng ôtô du lịch tăng đến 138% so với tháng cuối cùng của quý III, đạt 19.865 chiếc. Đây cũng là kết quả bán hàng tốt nhất được ghi nhận kể từ thời điểm tháng 5/2021, khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát và khiến thị trường gặp nhiều khó khăn.
Trên bảng xếp hạng 10 xe du lịch bán chạy nhất tháng 10, tất cả đều có doanh số cao hơn 1.000 chiếc. Lần gần nhất ngành ôtô trong nước ghi nhận kết quả tương tự là hồi tháng 3 năm nay, tức trải qua hơn nửa năm thị trường Việt Nam mới lấy lại được trạng thái bình thường.
Cùng với đó, những cái tên dẫn đầu danh sách top 10 của tháng cũng có được thành tích ấn tượng, cho thấy tiềm năng để các nhà sản xuất dồn sức chạy đua doanh số trong tháng 11 và 12 để chốt sổ năm 2021.
Gây ấn tượng nhất chắc chắn là Hyundai Accent. Mẫu sedan Hàn Quốc sau nhiều tháng kèn cựa với Toyota Vios đã có một pha bức tốc mạnh mẽ khi bán ra hơn 3.300 xe trong tháng 10, tăng hơn 1.900 đơn vị và xếp đầu thị trường về lượng xe tiêu thụ.
Đây là mức doanh số hàng tháng cao nhất được ghi nhận của Accent trong vài năm qua. Xét gần hơn, trong 3 quý trước đó của năm 2021, chưa có tháng nào Hyundai Accent bán được hơn 2.000 chiếc, theo báo cáo bán hàng từ TC Motor.
Trong khi đó, Toyota Vios cũng phần nào lấy lại phong độ khi bán được khoảng 1.750 chiếc, tăng 2,5 lần so với tháng 9. Dù vậy, mẫu xe Nhật Bản đã bị Accent nới rộng khoảng cách đáng kể. Dòng sedan hạng B của Hyundai hiện tích lũy được 16.382 xe, còn con số tương ứng của Vios là gần 14.400 chiếc.
Cùng lập kỷ lục bán hàng mới trong tháng đầu tiên của quý IV là Ford Ranger. Mẫu bán tải Mỹ tiếp tục thể hiện sự áp đảo trước các đối thủ bằng doanh số hơn 2.500 xe và đứng thứ 2 ở danh sách 10 xe bán chạy nhất tháng. So với tháng 9, Ranger tăng trưởng khoảng 2,2 lần và có doanh số cộng dồn đến tháng 10 đạt gần 12.400 xe, bỏ xa Toyota Hilux, Mitsubishi Triton hay Mazda BT-50.
Bù đắp cho việc Vios rơi khỏi top 5 xe bán chạy trong tháng vừa qua, Toyota Corolla Cross tiến vào nhóm 3 cái tên đầu bảng bằng kết quả hơn 2.400 xe. Kết quả này gần bằng 30% lượng xe Corolla Cross mà Toyota Việt Nam tiêu thụ được trong 9 tháng trước đó.
Ở chiều ngược lại, Kia Seltos bị đối thủ Nhật Bản vượt mặt nhưng ít nhiều cũng có thể tạm hài lòng khi bán ra hơn 1.800 xe, tăng 51% trong tháng 10. Đồng thời, Seltos vẫn đang là dòng SUV đô thị bán chạy nhất khi có doanh số cộng dồn hơn 11.800 xe, xếp trên Corolla Cross với khoảng 10.600 xe.
Cái tên thứ 4 có doanh số trên 2.000 chiếc ở tháng 10 vừa qua là VinFast Fadil. Tuy giữ vững ngôi đầu phân khúc hatchback hạng A với 2.218 model bán ra, mẫu xe Việt Nam có phần chững lại khi bán chậm hơn tháng 9 khoảng 300 chiếc và rơi xuống vị trí thứ 4, sau nhiều tháng liền nắm giữ ngôi vị xe bán chạy nhất thị trường.
Điểm sáng của Fadil là tổng lượng xe tiêu thụ đạt gần 20.000 chiếc, nhiều nhất trên thị trường ôtô du lịch trong nước tính đến hết tháng 10. Điều này giúp VinFast có được thị phần tốt hơn các hãng xe dày dạn kinh nghiệm như Honda, Ford hay Mazda.
Đứng ở top sau của bảng xếp hạng, Hyundai gây chú ý khi có thêm 3 mẫu xe tăng trưởng mạnh doanh số, đó là Tucson tăng gần 3 lần đạt 1.420 chiếc, Santa Fe tăng gần gấp đôi đạt 1.278 chiếc và Grand i10 tăng 1,7 lần, lọt vào top 10 với doanh số hơn 1.100 xe.
Cùng với Accent ở đỉnh bảng, hãng xe Hàn Quốc có được tháng 10 bội thu với 7.895 ôtô du lịch bán ra, tăng hơn 2 lần so với tháng 9. Kết quả này cũng giúp Hyundai thêm phần tự tin trong cuộc cạnh tranh thị phần với Toyota Việt Nam ở nhóm xe du lịch, doanh số cộng dồn của 2 nhà sản xuất hiện đạt 46.064 xe và 44.968 xe.
Trong khi đó, Kia K3 sau khi ra mắt để thay thế cho Cerato lập tức thể hiện sức ảnh hưởng khi có doanh số cao gấp 2,4 lần tháng 9, đạt hơn 1.200 xe và chen chân vào nhóm xe bán chạy của tháng 10.
Sức bật tân binh và loạt chính sách khuyến mại
Trong giai đoạn cuối năm 2021 và thời gian tới, các dòng ôtô du lịch sẽ tiếp tục được người dùng trong nước quan tâm nhiều hơn, khi mà phương tiện cá nhân được đánh giá là thuận tiện cho nhu cầu di chuyển và giúp phòng tránh dịch bệnh.
Nắm bắt nhu cầu mua xe này, các nhà sản xuất đã và đang dồn sức để ra mắt loạt sản phẩm mới nhằm thu hút khách hàng. Cuối quý III, bản Đặc biệt của Mitsubishi Xpander, Kia K3 hay Kia Carnival lần lượt trình làng và đều ghi nhận kết quả tích cực trong tháng 10.
Tiếp đó, một vài mẫu xe nổi bật vừa xuất hiện cũng khiến thị trường sôi động hơn, hứa hẹn mang đến những số liệu tươi sáng cho các nhà sản xuất trong 2 tháng cuối năm. Danh sách có thể kể đến Toyota Raize, Kia Sonet, VinFast VF e34, Kia K5…
Kết hợp cùng loạt xe mới là sự “bung sức” từ hãng xe và đại lý với những chính sách ưu đãi, giảm giá để kích cầu sau nhiều tháng liền án binh bất động khi thị trường “đóng băng” vì dịch bệnh.
Nhiều dòng xe trong top bán chạy kể trên có kết quả tốt là nhờ được khuyến mại sâu hoặc giảm phí trước bạ trong hơn một tháng qua với mức ưu đãi từ vài chục đến hơn 100 triệu đồng. Đơn cử có Fadil, Vios, Tucson, Santa Fe, Xpander…
Từ đầu tháng 11, các nhà sản xuất tiếp tục nối dài chương trình giảm giá để giữ nhiệt cho thị trường. Không chỉ xe lắp ráp trong nước mà các mẫu xe nhập khẩu cũng được áp dụng ưu đãi, xe phổ thông lẫn ôtô hạng sang giá vài tỷ đồng cũng không đứng ngoại làn sóng giảm giá.
Cùng với đó, chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ của Chính phủ cho ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước sắp được ban hành sẽ là động lực để giúp thị trường ôtô duy trì đà hồi phục, đồng thời mang đến nhiều lựa chọn hấp dẫn cho người dùng Việt Nam vào dịp mua sắm cuối năm.
Bình luận