Hội đồng Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng Giang Tô của Trung Quốc mới đây công bố danh sách 21 loạt phim hoạt hình có chứa nội dung không phù hợp với trẻ nhỏ. Trong số, các loạt phim nổi tiếng Búp bê Barbie, Heo Peppa và Pony bé nhỏ đều rất quen thuộc với trẻ em Việt Nam.
Báo cáo trên ghi nhận 123 cảnh có nội dung tiêu cực , nguy hiểm hoặc bạo lực. Một ví dụ về nội dung “nguy hiểm” là cảnh nhân vật heo cha trong Heo Peppa mở cửa máy bay và rơi ra ngoài. Trong Pony bé nhỏ có cảnh một nhân vật nhúng mình trong dung nham. Còn Búp bê Barbie có nhiều cảnh bạo lực như các nhân vật bị treo ngược trên trực thăng, bị giẫm lên người và rơi từ tầng cao xuống.
Chú heo Peppa, cô búp bê Barbie tóc vàng và chú ngựa Pony từ lâu đã trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng rất được các em nhỏ yêu thích, chúng không chỉ xuất hiện trên phim mà còn trên nhiều sản phẩm cho trẻ em như thú bông, vở, bút, cặp sách, hình dán… Có thể dễ dàng tìm xem các loạt phim này trên mạng với đầy đủ các tập được gắn phụ đề tiếng Việt. Các phim này có nội dung hấp dẫn, tuy nhiên theo Hội đồng Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng Giang Tô, một số cảnh không phù hợp có thể gây ảnh hưởng xấu, thậm chí gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ do các bé rất thích bắt chước.
Chết do bắt chước phim
Năm 2016, một bé gái 10 tuổi ở tỉnh Thiểm Tây giết chết em gái 5 tuổi của mình bằng cưa điện. Cô bé cho biết mình đang làm giống như nhân vật trong phim Gấu Boonie.
Bộ phim hoạt hình Gấu Boonie của Trung Quốc nằm trong danh sách 21 phim được cảnh báo “không phù hợp” với trẻ em nói trên, nhân vật chính thường xuyên cầm theo một chiếc cưa điện. Kể từ khi loạt phim này được phát sóng, ngày càng có nhiều báo cáo từ phụ huynh cho biết con cái họ làm theo nhân vật này và khiến người khác bị thương. Đây là một trong những bộ phim hoạt hình bị phụ huynh phàn nàn nhiều nhất ở Trung Quốc.
Năm 2018, Trung Quốc ghi nhận thêm một tai nạn khác liên quan đến gấu Boonie: Bé gái 8 tuổi ở Thành Đô, Tứ Xuyên học theo nhân vật chính, giả vờ leo núi bằng cách trèo lên lan can tầng 6, sau đó trượt chân ngã và chết tại chỗ.
Cần phân loại theo lứa tuổi
Để kiểm tra nội dung của các loạt phim hoạt hình, Hội đồng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Giang Tô dành 3 tháng xem hết toàn bộ và ghi nhận 1.465 tình tiết bất thường. Một cuộc khảo sát trực tuyến được thực hiện với sự tham gia của 1.026 phụ huynh. Nhân viên khảo sát cũng phỏng vấn trực tiếp với phụ huynh và giáo viên từ nhiều trường tiểu học, mẫu giáo.
Khoảng 70% số phụ huynh được hỏi cho biết con họ thường bắt chước nội dung trên các chương trình truyền hình, đôi khi bắt chước hành động bạo lực. Hơn 80% cho rằng chính phủ cần thắt chặt việc kiểm duyệt phim hoạt hình.
Hiện nay, Trung Quốc vẫn chưa có hệ thống phân loại chính xác về độ tuổi cho sản phẩm phim hoạt hình. Theo Giáo sư Li Chuan, Đại học Đông Nam ở Nam Kinh, giải pháp cho vấn đề này là xây dựng hệ thống đánh giá hình ảnh động.
“Cần phải định hướng lại thị trường phim hoạt hình. Không có hệ thống phân loại và quản lý thì các nhà sản xuất cũng không xác định được đối tượng cần hướng đến”, Giáo sư Chuan nói. “Họ (các nhà sản xuất) đang cố gắng tối đa hóa lợi ích và hầu như không xem xét đến việc bảo vệ trẻ em”.
Bình luận