Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) là trường hợp hiếm hoi khá thành công khi xét về lợi nhuận. 6 tháng đầu năm 2017, tổng công ty này ghi nhận tới 2.332 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng tài sản của Satra đến hết ngày 30/6/2017 lên đến 16.415 tỷ đồng, tăng 8,3% so với hồi đầu năm. Vốn chủ sở hữu cũng rất dồi dào với 11.228 tỷ đồng. Tính ra, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) và trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Satra nửa đầu năm nay lần lượt là 14,2% và 20,8%, đều ở mức khá cao.
Trái ngược với sự khả quan của Satra, tình hình kinh doanh của Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM (HFIC) – đơn vị được mệnh danh là “SCIC thu nhỏ” của TP HCM – kinh doanh khá ảm đạm.
6 tháng đầu năm nay, HFIC chỉ ghi nhận 166 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương đương với cùng kỳ năm ngoái. Con số này là rất thấp khi so với tiềm lực tài chính hiện có của HFIC. Tổng tài sản của “SCIC thu nhỏ” lên đến 12.676 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu cũng lên đến 8.609 tỷ đồng. Tính ra, ROA và ROE của HFIC nửa đầu năm chỉ vỏn vẹn lần lượt 1,3% và 1,9%.
Tương tự như HFIC, “con cưng” Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) của UBND TP HCM cũng kinh doanh rất trầm lắng. Sở hữu khối tài sản lên đến 9.884 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 5.807 tỷ đồng, thế nhưng nửa đầu năm 2017, lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp này đem về chỉ là 29,3 tỷ đồng, nhỉnh hơn 2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016.
ROA và ROE của Sawaco “siêu thấp”, lần lượt ở mức 0,3% và 0,5%.
Với “ông lớn” ngành du lịch Saigontourist (Tổng công ty Du lịch Sài Gòn), tình hình kinh doanh khá khẩm hơn. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2017 của doanh nghiệp này đạt 778 tỷ đồng, tăng tới gần 50% so với cùng kỳ.
Với lượng tài sản 9.060 tỷ đồng hiện có, vốn chủ sở hữu 8.314 tỷ đồng, tính ra, ROA và ROE nửa đầu năm nay của Saigontourist ở mức khá, lần lượt đạt 8,6% và 9,4%.
“Cánh chim đầu đàn” trong phát triển công nghiệp miền Nam – Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận – ghi nhận 479 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm nay, dù khá lớn xét về con số tuyệt đối nhưng so với tiềm lực tài chính thì “chưa nhằm nhò”.
Tân Thuận hiện sở hữu khối tài sản trị giá 8.691 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 7.826 tỷ đồng; ROA, ROE theo đó lần lượt ở mức 5,5% và 6,1%.
Cũng với quy mô tài sản trên 8.000 tỷ đồng (8.122 tỷ), cùng vốn chủ sở hữu 5.483 tỷ đồng, Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn (Resco) đang sa sút mạnh về lợi nhuận. Nửa đầu năm nay, lợi nhuận sau thuế của Resco chỉ vỏn vẹn 110 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái, con số này lên tới 1.736 tỷ đồng.
Video: Thủ tướng nêu 3 cam kết của Việt Nam trước các doanh nghiệp tại APEC
Theo tính toán, ROA và ROE của Resco hiện chỉ ở mức lần lượt 1,4% và 2%; khác xa con số 21,4% và 31,3% nửa đầu năm 2016.
Những “con cưng” có quy mô tài sản nhỏ hơn như Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco) hay Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) làm ăn cũng không khả quan cho lắm.
Với Samco, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm nay ở mức 222 tỷ đồng, giảm gần 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này bằng 3,5% tổng tài sản (6.255 tỷ đồng) và bằng 6,2% vốn chủ sở hữu (3.565 tỷ đồng).
Còn với CNS, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của tổng công ty này chỉ đạt 71 tỷ đồng, giảm tới gần 47% so với cùng kỳ. Hiện tổng tài sản của CNS là 3.397 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 2.727 tỷ đồng, ROA và ROE theo đó lần lượt ở mức 2,1% và 2,6%.
Bình luận