• Zalo

Loạt cựu quan chức, tướng quân đội, cán bộ công an hầu tòa năm 2022

Bản tin 113Chủ Nhật, 01/01/2023 07:58:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Năm 2022, nhiều đại án được đưa ra xét xử, hầu tòa có bị cáo nguyên là Thứ trưởng Y tế, cựu Chủ tịch, Bí thư các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai hoặc cựu đại tá quân đội.

"Thổi giá" thiết bị phẫu thuật tại Bệnh viện Bạch Mai

Ngày 24/1, TAND TP Hà Nội tuyên phạt sơ thẩm ông Nguyễn Quốc Anh (cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) 5 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", vụ án xảy ra tại bệnh viện này.

Loạt cựu quan chức, tướng quân đội, cán bộ công an hầu tòa năm 2022 - 1

Bị cáo Nguyễn Quốc Anh tại tòa.

Cuối tháng 2/2017, ông Quốc Anh ký văn bản giá dịch vụ robot Rosa là 36 triệu đồng/ca, trong đó, Công ty BMS được hưởng tổng 27 triệu đồng các khoản chi phí không đúng quy định. Giá này đồng nghĩa mỗi bệnh nhân phải trả thêm hơn 16 triệu đồng so với thực tế cho mỗi ca phẫu thuật sử dụng robot, cáo trạng xác định.

Đến tháng 5/2020, tổng cộng 637 người bệnh tại Bạch Mai trả tiền sử dụng robot Rosa. Hậu quả gây thiệt hại cho người bệnh hơn 10 tỷ đồng.

"Thâu tóm" đất vàng ở Bình Dương

Tháng 8/2022, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm liên quan vụ hai lô đất vàng 43ha và 145ha bị bán rẻ gây thất thoát hơn 5.000 tỷ đồng của Nhà nước.

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm cùng 7 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Loạt cựu quan chức, tướng quân đội, cán bộ công an hầu tòa năm 2022 - 2

Cựu Bí thư Bình Dương Trần Văn Nam trong phiên toà phúc thẩm.

Ngoài 2 cựu lãnh đạo trên, ông Nguyễn Văn Minh, cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty 3/2 lĩnh 27 năm tù về các tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Tham ô tài sản",  25 bị cáo khác nhận các mức án từ 36 tháng tù treo đến 23 năm tù.

Theo cáo buộc, năm 2003, UBND tỉnh Bình Dương xin phê duyệt đề án phát triển khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương và giao đất cho Tổng Công ty 3/2 đền bù giải phóng mặt bằng.

Đối với cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, cơ quan tố tụng xác định ông này biết vụ chuyển nhượng khu đất 43 ha là sai quy định nhưng không có động thái xử lý. Ngược lại, bị cáo Trần Văn Nam còn chỉ đạo cấp dưới ban hành những văn bản đính chính khi dư luận có nghi ngờ về khu đất; điều chỉnh nội dung sai lệch bản chất phương án sử dụng đất đã phê duyệt trước đó để hợp thức hóa, che giấu những sai phạm tại Tổng Công ty 3/2.

Về phía ông Trần Thanh Liêm, bị cáo này biết rõ chủ trương của tỉnh về việc kế thừa khu đất 145 ha vào giá trị tài sản Tổng Công ty 3/2 sau khi cổ phần hóa. Tuy nhiên, VKS cáo buộc cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã ký quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp Tổng Công ty 3/2, mà trong đó không có giá trị quyền sử dụng khu đất 145 ha.

Cuối tháng 12/2022, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm, chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Trần Thanh Liêm, Trần Nguyên Vũ.

Theo đó, ông Liêm được giảm 1 năm, ông Vũ được giảm 2 năm so với án sơ thẩm.

Cựu tướng quân đội "bảo kê" đường dây buôn lậu xăng

Ngày 15/7, Toà án quân sự Quân khu 7 tuyên án với 14 bị cáo trong vụ án buôn lậu gần 200 triệu lít xăng giả, liên quan 9 cán bộ biên phòng, cảnh sát biển.

HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thế Anh (cựu Đại tá, cựu Phó chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, cựu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang) mức án chung thân về hai tội danh "Nhận hối lộ" và "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài". 

Bị cáo Phùng Danh Thoại (cựu Đại tá, cựu Trưởng phòng xăng dầu, Cục Hậu cần, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển) 7 năm tù về tội "Buôn lậu".

Bị cáo Lê Văn Minh (cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4) 15 năm tù về tội "Nhận hối lộ".

Loạt cựu quan chức, tướng quân đội, cán bộ công an hầu tòa năm 2022 - 3

Bị cáo Nguyễn Thế Anh.

Theo bản luận tội của Viện kiểm sát, đầu năm 2020, ông trùm xăng lậu Phan Thanh Hữu đặt vấn đề và được bị cáo Nguyễn Thế Anh đồng ý. Sau đó, Thế Anh yêu cầu Hữu phải chi cho cấp trên và một số lực lượng khác với tổng số tiền mỗi tháng là 60.000 USD và 950 triệu đồng. Từ tháng 3 đến tháng 8/2020, Hữu chi cho ông Nguyễn Thế Anh 360.000 USD và 5,7 tỷ đồng.

Sau khi Nguyễn Thế Anh làm Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, từ tháng 9/2020 đến tháng 1/2021, ông Hữu tiếp tục chi cho Thế Anh 50.000 USD. Tổng số tiền mà bị cáo Nguyễn Thế Anh nhận hối lộ được xác định là 6,2 tỷ đồng và 560 nghìn USD.  

Ngoài ra, sau khi Hữu bị bắt, để che giấu hành vi phạm tội, Nguyễn Thế Anh đã gợi ý, đưa tiền cho đồng phạm là Nguyễn Văn An (em họ Nguyễn Thế Anh) trốn sang Lào. Hành vi này đủ yếu tố cấu thành tội "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép".   

Cuối tháng 12, Tòa án Quân sự Trung ương tuyên án phúc thẩm, chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thế Anh, từ chung thân xuống 22 năm tù do nộp khắc phục 5,6 tỷ đồng.

Đường dây buôn lậu hàng triệu lít xăng

Ngày 8/12, TAND tỉnh Đồng Nai tuyên án các bị cáo trong vụ buôn lậu hàng triệu lít xăng dầu.

Theo VKSND tỉnh Đồng Nai, từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, Phan Thanh Hữu, Đào Ngọc Viễn và các đồng phạm đã thực hiện 48 chuyến hàng, giao dịch gần 200 triệu lít xăng lậu với giá trị khoảng 2.800 tỷ đồng. Số xăng lậu này đã bị tiêu thụ hơn 196 triệu lít, đem về cho các bị cáo hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận bất chính, riêng bị cáo Hữu thu lời hơn 105 tỷ đồng.

Loạt cựu quan chức, tướng quân đội, cán bộ công an hầu tòa năm 2022 - 4

Bị cáo Phan Thanh Hữu. (Ảnh: Báo Đồng Nai).

Ngoài ra, cuối năm 2020, cơ quan tố tụng còn xác định Viễn cùng 2 đối tượng khác chung vốn mua 2 tàu biển nhằm vận chuyển lậu 5,7 triệu lít xăng giả với giá trị khoảng 98 tỷ đồng.

Quá trình nhập lậu xăng dầu, Phan Thanh Hữu nhận được thông tin có lực lượng của Cục điều tra chống buôn lậu, đang triển khai kiểm tra các tàu hàng. Từ đây, bị can này tìm cách tiếp cận, gặp gỡ ông Ngô Văn Thụy (đội trưởng đội 3 - Cục điều tra chống buôn lậu) để nhờ giúp đỡ.

Hồ sơ thể hiện, bị can Thụy đã nhận hối lộ 500 triệu đồng, 10.000 USD và 1 thẻ ATM với số dư 100 triệu đồng trong tài khoản.

Cựu Thứ trưởng Y tế hầu toà vụ thất thoát 3,8 triệu USD

Ngày 24/11, TAND TP Hà Nội tuyên án đối với cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cùng các đồng phạm trong vụ án mua nguyên liệu thuốc để phòng, chống dịch cúm A/H5N1, gây thất thoát 3,8 triệu USD.

Cụ thể, bị cáo Cao Minh Quang 30 tháng tù, cho hưởng án treo; Dương Huy Liệu, cựu vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính, Bộ Y tế, 24 tháng tù, cho hưởng án treo; Nguyễn Nam Liên, cựu vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế, 24 tháng tù; và Phạm Thị Minh Nga, chuyên viên Vụ kế hoạch Tài Chính, cựu kế toán trưởng Ban quản lý thực hiện kế hoạch phóng chống dịch cúm A (H5N1), Bộ Y tế, 15 tháng tù, cùng về hành vi "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Loạt cựu quan chức, tướng quân đội, cán bộ công an hầu tòa năm 2022 - 5

Bị cáo Cao Minh Quang chống gậy và được luật sư dìu lên phòng xét xử. 

Đối với nhóm bị cáo tại Công ty Dược Cửu Long, Lương Văn Hóa (cựu Tổng giám đốc Dược Cửu Long) nhận 9 năm tù giam, 2 bị cáo còn lại bị tuyên phạt 5 và 6 năm tù.

Theo cáo trạng, từ tháng 2 đến tháng 4/2006, Công ty Dược Cửu Long nhập 520 kg nguyên liệu Oseltamivir từ Công ty Mambo (Singapore) với giá hơn 9 triệu USD.

Trong đó, Dược Cửu Long đã thanh toán cho Mambo 5,25 triệu USD, còn lại 3,848 triệu USD được trả chậm 6 tháng kể từ ngày nhận hàng. Lúc này, ông Cao Minh Quang là Trưởng ban chỉ đạo giải quyết những vấn đề liên quan đến thuốc Tamiflu và Oseltamivir.

Ông Quang bị cáo buộc đã không chỉ đạo kiểm tra khi Trưởng đoàn Nguyễn Việt Hùng báo cáo việc Dược Cửu Long chưa thanh toán 3,8 triệu USD, dù Bộ Tài chính, Bộ Y tế có chỉ đạo kiểm tra.

Về phía Dược Cửu Long, bị cáo Lương Văn Hóa không trả hơn 3,8 triệu USD cho Công ty Mambo nhưng cũng không báo cáo hay trả lại số tiền này cho Bộ Y tế. Bị cáo này đã sử dụng hơn 3,8 triệu USD để thanh toán lãi, nợ ngân hàng của công ty.

Công ty AIC "thông thầu" dự án Bệnh viện Đồng Nai

Ngày 21/12, TAND TP Hà Nội đưa 36 bị cáo khác ra xét xử trong vụ án liên quan gian lận đấu thầu tại dự án Bệnh viện tỉnh Đồng Nai, gây thiệt hại hơn 150 tỷ đồng.

Ngoài cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn, vụ án còn có 13 bị cáo là cựu lãnh đạo, quan chức tỉnh Đồng Nai.

Theo cáo trạng, để trúng 16 gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế tại dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai với tổng giá trị hơn 665 tỷ đồng, Chủ tịch AIC đã chi hơn 43 tỷ đồng hối lộ cho quan chức Đồng Nai.

Loạt cựu quan chức, tướng quân đội, cán bộ công an hầu tòa năm 2022 - 6

Ông Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái tại toà.

Từ năm 2003, Nguyễn Thị Thanh Nhàn quen biết với Trần Đình Thành (cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai). Đến năm 2007, trước khi UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt Dự án Đầu tư Xây dựng Bệnh viện Đồng Nai, Nguyễn Thị Thanh Nhàn gặp và nhờ Trần Đình Thành mời lãnh đạo UBND tỉnh, các Sở, ngành ăn trưa để giới thiệu Công ty AIC và nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện cho công ty tham gia dự án của tỉnh.

Tại bữa ăn này, Nhàn dẫn theo Phó Tổng giám đốc AIC Hoàng Thị Thuý Nga để giới thiệu. Nhàn và Nga sau đó nhiều lần gặp lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đề nghị được tạo điều kiện để Công ty AIC tham gia đấu thầu và trúng các gói thầu mua sắm thiết bị tại bệnh viện.

Sau khi móc nối được với nhóm lãnh đạo cao nhất của tỉnh Đồng Nai, Nguyễn Thị Thanh Nhàn chỉ đạo Nga cùng các nhân viên dưới quyền thông đồng, câu kết với chủ đầu tư, công an.

Khi được UBND tỉnh phê duyệt danh mục thiết bị y tế và các kế hoạch đấu thầu, bà Nhàn chỉ đạo thuộc cấp thu thập thông tin, giá sản phẩm đầu vào, lợi nhuận dự kiến. Sau khi chuẩn bị các bước đệm xong, ông Phan Huy Anh Vũ (đại diện chủ đầu tư) ký phê duyệt dự toán các gói thầu theo giá đã được AIC thông đồng với đơn vị thẩm định nâng giá, sử dụng làm căn cứ phê duyệt hồ sơ mời thầu.

Kết quả, Công ty AIC trúng toàn bộ 16 gói thầu trị giá gần 700 tỷ đồng. Qua việc này, AIC bị cáo buộc thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho nhà nước gần 150 tỷ đồng.

Minh Tuệ
Bình luận
vtcnews.vn