Xin thôi chức sau khi bị Đảng kỷ luật
Dư luận cả nước vẫn chưa hết xôn xao trước việc ông Lê Viết Chữ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi và ông Trần Ngọc Căng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, có đơn gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư xin thôi giữ chức vụ.
Đơn xin thôi chức vụ của ông Chữ và ông Căng được gửi đi sau khi cả hai ông bị kỷ luật.
Theo đó, tại kỳ họp kỳ 44 diễn ra cuối tháng 4, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, giải quyết tố cáo đối với ông Lê Viết Chữ và ông Trần Ngọc Căng.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy hai ông Lê Viết Chữ và Trần Ngọc Căng có nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài chính ngân sách, dự án đầu tư và công tác cán bộ, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến mức phải xem xét kỷ luật.
Từ 1-4/6/2020, tại kỳ họp lần thứ 45, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng.
Ngày 16/6/2020, Bộ Chính trị đã họp, xem xét vi phạm, khuyết điểm và quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ.
Ngoài 2 lãnh đạo đứng đầu tỉnh Quảng Ngãi xin thôi giữ chức vụ sau khi bị kỷ luật của Đảng, trong vài năm gần đây, ở một số địa phương cũng ghi nhận không ít trường hợp tương tự.
Tháng 8 năm ngoái, ông Hồ Văn Năm, khi đó là Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cũng có đơn xin thôi làm đại biểu Quốc hội vì lý do sức khỏe không ổn định và hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn.
Thời điểm này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Hồ Văn Năm do mắc sai phạm.
Đến tháng 9/2019, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật ông Năm bằng hình thức cách chức Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Đồng Nai nhiệm kỳ 2015-2020 và Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ Đồng Nai. Ban Bí thư cũng đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét để ông Hồ Văn Năm thôi làm đại biểu Quốc hội khoá XIV.
Tháng 5/2018, bà Phan Thị Mỹ Thanh khi đó là Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai có đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội vì lý do sức khỏe.
Quyết định của bà Phan Thị Mỹ Thanh đưa ra sau khi bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kết luận có sai phạm và bị Ban Bí thư kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng và đề nghị Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo thực hiện các quy trình, thủ tục xem xét bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với bà Thanh theo quy định của pháp luật.
Sau đó, tại phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 5/2018, căn cứ vào văn bản của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai và Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết cho bà Phan Thị Mỹ Thanh thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội kể từ ngày 14/5/2018.
Tháng 4/2017, ông Võ Kim Cự, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế, Chủ tịch liên minh hợp tác xã Việt Nam, cũng gửi đơn đến các cơ quan chức năng xin thôi làm đại biểu Quốc hội khóa XIV vì lý do sức khỏe.
Đây cũng là thời điểm ông Võ Kim Cự bị Ban Bí thư quyết định cách chức Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2005-2010 và nhiệm kỳ 2010-2015, bao gồm cả các chức vụ Bí thư ban cán sự đảng UBND tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh vì những sai phạm liên quan đến việc Formosa xả thải gây sự cố môi trường biển.
Tháng 5/2017, Văn phòng Quốc hội ra thông cáo về trường hợp thôi làm đại biểu Quốc hội của ông Võ Kim Cự.
Xin nghỉ việc khi đang bị xem xét kỷ luật
Đó là trường hợp của ông Phan Văn Chín - Giám đốc Sở Tài chính Quảng Nam - người bị Thanh tra tỉnh đề nghị kiểm điểm vì liên quan tới vi phạm mua máy xét nghiệm.
Theo đó, ngày 22/6/2020, ông Chín gửi đơn xin nghỉ việc đến Ban tổ chức Tỉnh ủy.
Đơn của ông Chín là xin nghỉ việc sau đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam khóa 22, nhiệm kỳ 2020-2025 (dự kiến tổ chức vào tháng 10/2020).
Ông Phan Văn Chín là một trong hai Giám đốc Sở bị Thanh tra Quảng Nam đề nghị kiểm điểm vì liên quan tới vi phạm trong quá trình xây dựng giá, thẩm định giá gói thầu mua sắm máy xét nghiệm COVID-19 của Sở Y tế tỉnh này.
Cụ thể, ngày 24/6, Thanh tra Quảng Nam có báo cáo về kết quả thanh tra đột xuất việc thực hiện gói thầu mua sắm hệ thống xét nghiệm Real – time PCR tự động theo Quyết định số 793/QĐ-UBND ngày 24/3/2020 của UBND tỉnh tại Sở Y tế và Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam.
Theo nội dung báo cáo, đến nay máy xét nghiệm COVID-19 giá 7,23 tỷ đồng chưa được các bên bàn giao, nghiệm thu, thanh lý hợp đồng nên chưa thực hiện việc chuyển tiền cho bên bán máy.
Tuy nhiên, qua thanh tra cho thấy có vi phạm trong quá trình xây dựng giá, thẩm định giá gói thầu tại Sở Y tế và Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam dẫn đến việc tổ chức thực hiện gói thầu mua sắm hệ thống xét nghiệm Real – time PCR tự động chưa đúng các thủ tục theo quy định pháp luật.
Cụ thể, trong 3 bảng báo giá của 3 công ty để Sở Y tế đề xuất và Sở Tài chính thẩm định làm căn cứ xác định dự toán giá gói thầu thì có 2 bảng báo giá không đúng quy định.
Với vi phạm trên, Thanh tra tỉnh kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh hủy thầu đối với gói thầu mua sắm hệ thống xét nghiệm Real - time PCR tự động.
Ngoài ra, Thanh tra tỉnh đề nghị UBND tỉnh tổ chức kiểm điểm trách nhiệm theo quy định pháp luật về cán bộ, công chức đối với Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Tài chính, Phó Giám đốc Sở Tài chính có liên quan theo quy định.
Bình luận