• Zalo

Loạn thu trăm khoản phí, Bộ trưởng Tài chính trần tình

Kinh tếThứ Bảy, 12/04/2014 07:38:00 +07:00Google News

(VTC News)- Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trả lời nhiều vấn đề các đại biểu Quốc hội đặt ra trong đó đặc biệt là việc loạn các loại phí, lệ phí.

(VTC News)- Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trả lời nhiều vấn đề các đại biểu Quốc hội đặt ra trong đó đặc biệt là việc loạn các loại phí, lệ phí.

Chiều 11/4, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội tổ chức “Phiên giải trình về chấp hành pháp luật về phí và lệ phí” đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và một số bộ, ngành có liên quan là thành viên Chính phủ.

Theo giải trình của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, tính đến thời điểm này, chỉ có 301 khoản phí và lệ phí nằm trong danh mục đã được Chính phủ quy định. Trong đó có trên 280 khoản phí, lệ phí đã có văn bản hướng dẫn thực hiện. Thế nhưng, thực tế cho thấy nhiều khoản phát sinh phải nộp được người dân hiểu rằng đó là phí và lệ phí.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng
Bộ trưởng Tài chính - Đinh Tiến Dũng thừa nhận đang có sự loạn thu hàng trăm khoản thu (Ảnh: Phạm Thịnh) 
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng hiện nay người dân và doanh nghiệp đang bị đè nặng bởi tình trạng lạm thu hàng trăm loại phí.

Chất vấn về các khoản phí, lệ phí, đại biểu Nguyễn Hồng Vinh (Hải Phòng) cho rằng việc lạm thu phí và lệ phí diễn ra từ thành thị tới nông thôn khiến người dân gánh vô số khoản phí khác nhau như phí khuyến học, phí phòng chống thiên tai, phí an ninh, phí chung cư…

Trước những câu hỏi thẳng thắn của các đại biểu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng lại cho rằng đó không phải là các khoản phí và lệ phí mà chỉ là các khoản thu tự nguyện, dịch vụ nhưng ẩn dưới là các khoản phí. Ông Dũng cho rằng đó là các khoản thu do tư nhân đặt ra, hoàn toàn không phải là các khoản phí và lệ phí.

“Tình trạng này dẫn đến gây hiểu nhầm, gây bất bình trong người dân”, ông Dũng chia sẻ quan điểm với các đại biểu.

Cũng có cùng những băn khoăn như trên, ông Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật đặt câu hỏi: “Tôi hỏi những khoản ví dụ như trông giữ xe là giá dịch vụ hay phí? Trông giữ xe bây giờ từ cơ quan, đơn vị, trường học đều có thu, lòng lề đường cũng thu. Vậy tiền đó có vào Nhà nước không, hay mỗi nơi tự thu rồi chia nhau?”.

 
Tôi hỏi những khoản ví dụ như trông giữ xe là giá dịch vụ hay phí?
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương
 
Bình luận về các khoản thu  này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thẳng thắn chia sẻ: "Về phí trông giữ xe hiện nay đang là phí nhưng tới đây đề nghị sang thành giá. Hiện nay đang phân cấp HĐND cấp tỉnh quyết định mức giá. Nhưng có tình trạng như các đồng chí nói là tùy tiện mức giá, đẩy giá lên. Còn trách nhiệm kiểm tra, thanh tra là của UBND các cấp".

Ông Dũng cũng chia sẻ với những bức xúc của những người dân: “Trong tình hình hiện nay, kinh tế khó khăn, đời sống khó khăn nên tôi cũng rất chia sẻ với bà con cử tri, bức xúc là đúng. Có nhiều khoản không phải là phí, lệ phí nhưng vẫn cứ thu”  
đại biểu quốc hội
 Nhiều đại biểu thẳng thắn đặt nhiều câu hỏi 'nóng' cho Bộ trưởng Tài chính

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Dũng cũng thừa nhận có tình trạng một số địa phương huy động thu các khoản thu mang tính xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng tính vào phí và lệ phí.  

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội - Phùng Quốc Hiển đề nghị Bộ Tài chính phải làm rõ đâu là phí, lệ phí và giá dịch vụ.

“Tránh tình trạng người dân bị nhầm lẫn, thậm chí bị lừa vì rất nhiều nơi lợi dụng danh nghĩa của Nhà nước để trục lợi”, ông Hiển nêu quan điểm.

 
Nhiều nơi thu khoản vô lý, thu rồi hình thành quỹ, gửi tiền vào ngân hàng hưởng lãi
Đại biểu Phùng Quốc Hiển
 
Bên cạnh đó, ông Hiển cũng lấy ví dụ “tiền trông giữ xe, dù rất nhỏ chỉ là 5 nghìn 10 nghìn nhưng rất tùy tiện có khi là 20, 30 nghìn có khi là 100 nghìn. Thậm chí đứng đằng sau các tổ chức cá nhân đó có một số cấp chính quyền địa phương. Cái này cần làm rõ”.

Vị đại biểu này cũng thông tin thêm: “Nhiều nơi thu khoản vô lý, thu rồi hình thành quỹ, gửi tiền vào ngân hàng hưởng lãi”.

 Ghi nhận ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết tiếp tục rà soát các khoản phí, lệ phí để sửa đổi, bổ sung.

Về việc nhiều nơi diễn ra thực trạng nhiều nơi phụ thu, lạm bổ rồi hình thành quỹ, gửi tiền vào ngân hàng hưởng lãi chứ không nộp vào kho bạc. Bộ trưởng, Đinh Tiến Dũng khẳng định việc này là sai, nếu phát hiện sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay một số phí sẽ chuyển sang phí dịch vụ như giá đấu thầu, viện phí, phí khám chữa bệnh chuyển sang cơ chế giá dịch vụ.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiến hành xã hội hóa thu hút nguồn lực xã hội trong quá trình xây dựng công trình như bến bãi trông xe, kinh doanh vệ sinh môi trường, chợ, đầu tư cho thuê bến bãi…

Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ liên quan tiếp tục tuyên truyền cho người dân hiểu khoản nào là phí, lệ phí, khoản nào là đóng góp tự nguyện, khoản nào là huy động.

Bộ trưởng Tài chính kết luận: “Nếu không có tên trong danh mục thì không được phép thu. Nghiêm cấm các tổ chức cá nhân tự đặt ra các loại phí, lệ phí, thẩm quyền phí, lệ phí”.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn