• Zalo

Loạn thông tin rao bán nhà đất

Kinh tếThứ Năm, 14/03/2019 07:39:00 +07:00Google News

Tình trạng loạn "cò" rao bán bất động sản khiến người mua rơi vào thế trận "dở khóc dở cười" khi quảng cáo một đằng, thực tế một nẻo.

Chưa có một thống kê chính thức hiện trên mạng xã hội có bao nhiêu trang rao vặt mua bán bất động sản và những trang này không có cơ quan nào kiểm tra, quản lý, xác thực thông tin đó đúng hay không.

Nhiều người muốn tìm mua nhà trên các website không chuyên này như rơi vào mê hồn trận khi thông tin mỗi nơi một kiểu và thậm chí "treo đầu dê bán thịt chó".

Anh Hải (một khách hàng mua nhà), muốn tìm căn nhà tại một dự án ở quận Thanh Xuân, theo thông tin trên mạng thì giá của căn nhà là 32 triệu đồng/m2. Nhưng khi gặp môi giới thì anh mới ngã ngửa khi giá đấy chỉ là giá trên hợp đồng, còn giá thực tế từ 34 - 35 triệu đồng/m2, tùy vị trí căn hộ.

IMG_5072

 Cò đất khiến khách hàng như rơi vào ma trận.

Theo môi giới này, những căn 32 triệu đồng/m2 là những căn hướng Tây, nhìn ra nghĩa trang. Còn những căn đẹp thì không bao giờ có giá như vậy.

"Tôi có ý định mua và gặp môi giới vì nghĩ căn hộ có giá 32 triệu đồng/m2, chứ giá 35 triệu đồng/m2 thì tôi sẽ lựa chọn dự án khác cũng gần khu vực đấy", anh Hải nói.

Tương tự, chị Hà (Hà Nội) sau khi tìm kiếm trên các trang mua bán bất động sản, chị ưng một căn hộ ở một dự án trên đường Hàm Nghi (quận Nam Từ Liêm) khá đẹp, diện tích 80 m2, giá 30 triệu đồng/m2, rẻ hơn một số sàn giao dịch đang rao.

Khi gọi người có căn hộ kia là một cô gái nghe giọng khá trẻ. Cô gái cho biết mình là môi giới, chủ nhà nhờ bán hộ. Căn hộ này không còn mà thực chất chỉ còn căn 114m2, giá bán 40 triệu đồng/m2.

Liên hệ với các website, nếu chưa xuống tiền thì còn may, nhiều khách hàng khi mua xong rồi thì "khóc dở mếu dở".

Anh Tuấn Anh (Ninh Kiều, Cần Thơ) kêu không tin vào các trang rao bán bất động sản không có sự kiểm soát kia: "Mua hớ còn đỡ, tôi dính vào cái nhà ngay khu vực bị giải toả, vùng vằng cả năm mới được đền bù chút ít, thế là lại không có nhà".

Ngoài các chiêu trò trên, giới "cò" đất trên các trang rao mua bán bất động sản còn "góp phần" vào những chiêu trò tung tin, thổi giá đất. Hậu quả là một số khu vực như Vân Đồn, đất nền TP. HCM, đất nền Nha Trang… một thời sốt nóng, và nay tình trạng này lại đang quay trở lại. Và tình trạng "sáng mua, trưa bán", người chịu thiệt sẽ là khách hàng đến sau, ôm cả "cục nợ".

Liên quan đến việc môi giới làm loạn giá nhà đất, khiến khách hàng như bị rơi vào "ma trận" nhà đất, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, song song với Nghị định 117 về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản, các nhà môi giới, các sàn giao dịch phải chuyên nghiệp… Điều này sẽ góp phần kiểm soát, ngăn chặn các đối tượng tham gia không đúng quy định, không chuyên tư vấn sai lệch, lừa đảo khách hàng.

Theo một số chuyên gia, ngoài việc ra đời các website môi giới chuyên nghiệp giới thiệu các dự án đồng bộ là cần thiết, cần phải có website đăng tải những thông tin rao bán nhà lẻ, nhà của người dân, nhà cho thuê để minh bạch hoá thị trường bất động sản.

Theo ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam, trước đó Bộ Xây dựng và Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã có kế hoạch xây dựng một website công khai thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản để người dân chủ động nắm được.

Website này sẽ giúp người mua và người bán gặp nhau hoàn toàn minh bạch, góp phần giúp thị trường bất động sản lành mạnh hơn. Tuy nhiên, khi nào website này mới chính thức hoạt động vẫn chưa được công bố.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn