Lần này là của em Lê Văn Đức, sinh năm 1999, trú tại khóm 2, thị trấn Krong Klang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Và, dường như đã trở thành tiền lệ, bức "tâm thư" này lại được gửi đến vị Bộ trưởng Bộ Công an.
Trước hết, phải dành cho Đức một sự cảm phục về thành tích trong học tập kết quả thi mà em đã đạt được trong kỳ thi vừa qua. 12 năm liên tục là học sinh giỏi, từng đạt giải học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử, điểm thi tốt nghiệp 3 môn Văn, Toán, Sử đạt 25,3 điểm (đã cộng điểm ưu tiên khu vực và điểm thưởng cho học sinh giỏi quốc gia). Đó là thành tích đáng ngưỡng mộ trong kỳ thi năm nay khi em là thí sinh của khu vực miền núi.
Nhìn vào bảng thành tích học tập dày dặn, đều đặn của em, có thể hiểu được đó là cả quá trình nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ. Em yêu thích, muốn làm chiến sĩ công an từ bé, đó là nguyện vọng đáng trân trọng. Nhưng, có lẽ, ở tuổi này, đã đến lúc em phải biết chấp nhận, có những điều không phải cứ muốn là được.
Mặc dù điểm thi của em có thể là cao so với mức điểm chung của năm nay, nhưng, nếu so sánh với điểm tuyển sinh một số năm gần đây của Học viện Cảnh sát Nhân dân, chưa thể khẳng định rằng em chắc chắn đỗ.
Vì vậy, em viết tâm thư này có thể hiểu là chỉ để xin thêm "cơ hội" được tham gia xét tuyển chứ hoàn toàn không có nghĩa là nếu "châm chước" cho phần lý lịch kia, mặc nhiên em sẽ đỗ vào trường.
Với chỉ tiêu tuyển sinh ngày càng ít đi, do tổ chức, biên chế của ngành công an đang được tổ chức, sắp xếp lại, rút giảm một cách mạnh mẽ, mức điểm kia của em chưa thể khẳng định được điều gì. Như vậy, bức "tâm thư" kia có thật sự cần thiết, có phải là "cái phao" duy nhất, là sự quyết định đến tương lai, là cơ hội cuối cùng để Đức vào ngành, vào đời?
Hoàn toàn không!
Nếu xét cụ thể, để xảy ra việc phải viết "tâm thư" này, còn có một phần do lỗi chủ quan của Đức. Đối với mỗi thí sinh, khi dự định chọn nộp hồ sơ vào trường nào đó, gắn cuộc đời của mình, với ngành nghề nào đó, họ đều phải tìm hiểu, nghiên cứu rất kỹ.
Ai cũng biết những trường thuộc công an, quân đội có những tiêu chuẩn riêng, khắt khe hơn. Không chỉ có các tiêu chuẩn về ngoại hình, học lực, sức khỏe, những ngành này còn yêu cầu rất kỹ về lý lịch bản thân, thân nhân.
Đây là quy định đặc thù và rất cần thiết, bởi công an là lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt, bảo đảm, giữ gìn an ninh, trật tự của quốc gia nên họ phải lựa chọn những cán bộ, nhân viên ưu tú, thực sự trong sạch, không chỉ bản thân mà nền tảng gia đình cũng phải cơ bản, chấp hành tốt pháp luật, nghĩa vụ công dân. Chắc chắn em Đức đã hiểu điều này.
Không thể nói hồn nhiên rằng em không biết việc bố em đã từng bị công an bắt do vi phạm pháp luật về hành nghề mê tín dị đoan. Em còn trẻ, bố đã mất, việc vi phạm của bố em đã xảy ra lâu rồi, nhưng, nếu có trách nhiệm với bản thân, với quy định xét tuyển của ngành, lẽ ra em cần phải tìm hiểu kỹ từ trước. Em có thể hỏi người thân trong gia đình, hoặc cơ quan công an nơi bố em từng cư trú, sẽ có người cho em biết sự việc.
Ở một vùng quê, chuyện công dân từng bị công an bắt giam vì vi phạm pháp luật không phải là điều bình thường, sẽ là dấu ấn khiến rất nhiều người nhớ. Ngay trong "tâm thư", bản thân Đức cũng nhận mình đã sai khi không kê khai chi tiết về bố vào lý lịch. Không muốn nói là em cố tình gian dối, nhưng về nguyên tắc, chỉ cần sai sót này thôi là hồ sơ của em đã bị loại. Bởi, trong phần kê khai, luôn có dòng cam đoan về tính chân thật của nội dung tự khai.
Ngay cả khi không bàn đến việc em có biết để khai thật hay không, thì phần trả lời của đại diện ban tuyển sinh địa phương rằng hồ sơ lý lịch gia đình của thí sinh không đủ tiêu chuẩn, vì vi phạm những quy định của ngành, điều đó đã quá rõ. Đó là quy định và đã là quy định cần phải được thực hiện một cách công bằng, sòng phẳng, nhất là đối với ngành công an, nơi đào tạo những con người thực thi pháp luật.
Mỗi thí sinh có hoàn cảnh, tình huống về yếu tố gia đình khác nhau, nếu vì đọc "tâm thư" mà xúc động, "châm chước" cho trường hợp này, sẽ tạo tiền lệ xấu về sau. Không chừng, đến lúc nào đó, sẽ xuất hiện tình trạng "loạn tâm thư" xin vào học ngành công an.
Ở một khía cạnh nào đó, điều này cũng gây ra sự bất bình đẳng đối với những thí sinh khác, bởi vì, một cá nhân được "châm chước" khi tuyển chọn, sẽ lấy đi cơ hội của một người đủ tiêu chuẩn khác. Trong trường hợp này, Đức chỉ là một thí sinh có điểm thi khá cao chứ chưa chắc đã phải là người có điểm cao nhất, càng không phải là "nhân tài" để ngành công an phải tạo ra đặc cách để tuyển chọn.
Video: Nữ cảnh sát đặc nhiệm dùng yết hầu bẻ cong thanh sát nhọn
Có một thực tế đáng suy ngẫm là hầu như năm nào cũng có "tâm thư" được báo chí tiếp sức để lấy nước mắt dư luận, mong xét cho thí sinh được vào ngành an ninh. Chẳng thấy em nào gửi tâm thư để xin vào trường nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin, thương mại... những ngành mà thời đại 4.0 đất nước đang rất cần.
Rõ ràng học cảnh sát không phải con đường duy nhất để con người ta bước vào đời, nhất là với một học trò giàu nghị lực, có đam mê cháy bỏng như Đức. Với sự phát triển hiện nay, có rất nhiều cánh cửa mở ra để các bạn trẻ lập thân, lập nghiệp. Bất cứ ngành nào, nếu có ích cho bản thân, gia đình, xã hội, đó đều là những ngành nghề đáng trân quý.
Và dù "tâm thư" kia có làm lay động trái tim Bộ trưởng chăng nữa, giúp nguyện vọng vào trường đại học cảnh sát của Đức trở thành sự thật chăng nữa, thì chắc chắn rằng, đó không phải là bước đi thoải mái, tự tin của một thanh niên vào ngưỡng cửa cuộc đời. Khi đang có nhiều lựa chọn, tại sao phải chọn bước đi đầu đời được định đoạt bằng những dòng chữ thấm đẫm nỗi niềm ấy làm gì?
Bình luận