Loại vũ khí nào có thể bắn hạ MH17 ở độ cao 10.000m?

Thế giớiThứ Sáu, 18/07/2014 08:22:00 +07:00

(VTC News) - Ukraine nói phe ly khai đã bắn chiếc MH17 bằng tên lửa đất đối không, nhưng đây không phải là loại vũ khí duy nhất có thể bắn rơi máy bay.

(VTC News) - Ukraine nói lực lượng ly khai đã bắn chiếc MH17 bằng tên lửa đất đối không, tuy nhiên đây không phải là loại vũ khí duy nhất có thể bắn rơi máy bay dân dụng, một bài báo đăng tải trên tờ Popular Science nhận định. 

Ngày 17/7, chiếc máy bay dân dụng mang số hiệu MH17 của Malaysia Airlines đã bị bắn rơi ở phía đông Ukraine khi đang trên đường bay từ Amsterdam đến Kuala Lumper, cướp đi sinh mạng của toàn bộ 280 hành khách cùng 15 thành viên phi hành đoàn.
Tên lửa vác vai Igla SA-18 

Trước đó, các phiến quân ly khai tại Donetsk được cho là có sự hậu thuẫn của Nga đã bắn rơi thành công một số máy bay quân sự của quân đội chính phủ Ukraine ở miền đông nước này. 
Phe nổi dậy sử dụng hệ thống tên lửa vác vai phòng không MANPADS để bắn hạ nhiều trực thăng chiến đấu, máy bay do thám, máy bay chở hàng và một số máy bay khác của Kiev.
Tuy nhiên, lần này có thể không phải là MANPADS mà thay vào đó là một tên lửa đất đối không đã được sử dụng để bắn hạ chiếc MH17 của Malaysia Airlines.
MH17 bị bắn rơi khi đang ở độ cao 10,000m, vượt xa khoảng cách 4.500m, tầm bắn của loại tên lửa mà phe ly khai miền Đông Ukraine sử dụng để bắn hạ máy bay trực thăng, máy bay quân sự của chính phủ Kiev.
Ngay cả Red Eye, hệ thống tên lửa phòng không mang vác do Mỹ sản xuất từ những năm 1950 có khả năng tấn công các máy bay, cũng có những hạn chế nhất định. Red Eye có thể bắn trúng mục tiêu cách xa gần 5000m nhưng với điều kiện mục tiêu đó bay ở độ cao dưới 2700m. 
Sau này, nhiều quốc gia đã phát triển các hệ thống MANPADS tân tiến hơn nhưng vẫn không khắc phục được nhược điểm về độ cao. Tên lửa vác vai Igla SA-18, một trong những MANPADS tiên tiến hơn cả cũng chỉ có khả năng bắn trúng mục tiêu ở độ cao 3450m.
Cố vấn Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, ông Anton Gerashenko đưa ra những thông tin ban đầu trên trang facebook cá nhân của mình, rằng chiếc máy bay bị trúng tên lửa từ một bệ phóng Buk.
Hệ thống tên lửa đất đối không BUK 

Bệ phóng và tên lửa Buk được trang bị trong quân đội Liên Xô từ năm 1979. Nó có chiều dài 5,4m và có thể bắn trúng mục tiêu ở độ cao gần 15.000m. 
Tên lửa Buk hoàn toàn có khả năng bắn hạ MH17 mặc dù vẫn chưa có xác nhận gì về việc hệ thống tên lửa Buk có mặt ở Donetsk hay không. 
Tuy nhiên, hồi cuối tháng 6, Đài tiếng nói nước Nga cho hay phe ly khai ở Donetsk đã chiếm một căn cứ quân sự của binh lính Ukraine có chứa nhiều tên lửa Buk. Nếu một tên lửa mặt đất bắn rơi MH17 thì rất có khả năng đó là tên lửa Buk hoặc một loại vũ khí tương tự.
Video: Giây phút kinh hoàng khi máy bay MH17 bị rơi
Các loại tên lửa đất đối không không phải là vũ khí duy nhất có thể bắn rơi máy bay dân dụng. Năm 1983, khi chiếc máy bay mang số hiệu 007 của hãng hàng không Hàn Quốc cất cánh từ New York đi Seoul đã chệch hướng, lạc vào không phận Nga và bị chiến đấu cơ của Nga bắn rơi. Toàn bộ 269 hành khách và phi hành đoàn đã thiệt mạng.
Theo thông tin mới nhất về vụ tai nạn của chiếc máy bay MH17, hãng tin Interfax cho biết lực lượng ly khai vùng Donestk tuyên bố đã tìm thấy hộp đen ghi lại lộ trình bay của chiếc máy bay và sẽ đưa về Ủy ban hàng không liên bang có trụ sở tại Maxcova, Nga.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn cấp trong ngày hôm nay 18/7, Reuters dẫn lời các nhà ngoại giao. 
Vụ tai nạn của chuyến bay MH17 xảy ra trong bối cảnh lực lượng quốc tế vẫn đang tìm kiếm tung tích của chiếc MH370 biến mất cùng 239 hành khách và phi hành đoàn. Đây là vụ tai nạn máy bay thứ hai trong năm của hãng hàng không Malaysia Airlines.
Audio: Đoạn điện đàm được cho là của phe ly khai và tình báo Nga về số phận máy bay MH17

Minh Lý
Bình luận
vtcnews.vn