Sau đêm liveshow 4 của chương trình "Giọng hát Việt nhí" với quyết định loại thí sinh Chiara vì lý do "quá tài năng", HLV Vũ Cát Tường đã gặp không ít luồng dư luận trái chiều, phản đối cô. Phóng viên VTC News đã có buổi gặp gỡ và trò chuyện cùng Vũ Cát Tường để nữ HLV có thể chia sẻ rõ hơn về quyết định của mình.
- Chào Vũ Cát Tường, sau đêm liveshow 4 không ít khán giả đã đặt dấu hỏi lớn khi “Chiara bị loại vì quá tài năng”, bạn có chia sẻ điều gì không?
Nếu dùng chữ “loại” thì mọi người đã hiểu sai ý của tôi, như tôi đã chia sẻ trên fanpage của mình rằng “Chiara đã tốt nghiệp lớp của Vũ Cát Tường”, đó là sự thật, tôi không có ý nói để động viên cô bé.
Có rất nhiều người đã cắt nghĩa câu nói của tôi, lời nhắn nhủ tôi dành cho một đứa trẻ đặt sai ngữ cảnh để xuyên tạc ý của tôi.
Thực sự khi là một HLV tôi hiểu rõ các bé hơn ai hết, tôi hoàn toàn có thể chọn 1 bài khó để các bé lộ ra sở đoản của mình, chứ tôi đâu rảnh để đi dạy sáng tác cho Chiara, sửa bài hát của bé, để bé có thể toả sáng nhất xong rồi loại đi ?!
- Bạn có thể chia sẻ cụ thể hơn về trường hợp của Chiara và quyết định của mình không?
Mỗi thí sinh đến với cuộc thi đều có những lý do khác nhau, cách đây 3 năm, Chiara đã từng tham gia cuộc thi này bây giờ cô bé vẫn chọn “Giọng hát Việt nhí” để thể hiện là vì bé băn khoăn việc làm sao để khẳng định tài năng, được khán giả công nhận mình.
Ngay cả trong cuộc thi năm nay cũng vậy, nếu mọi người có để ý thì tôi đã 2 lần cứu Chiara, bé luôn toả sáng theo cách riêng của mình nhưng không nhận được nhiều bình chọn từ khán giả, cũng như xuất hiện luôn mờ nhạt.
Một người tài năng như Chiara thì không cần phải thi thố gì nữa, cuộc thi chỉ dành cho những bé chưa tìm thấy chính mình, còn là ẩn số.
Vũ Cát Tường
Vòng giấu mặt Chiara cũng không xuất hiện như bao bạn khác, đó cũng là một thiệt thòi của bé, những điều này vô tình làm bé không tự tin vào tài năng của mình.
Trong quá trình làm việc với Chiara, tôi thấy rằng bé không cần phải chứng mình nữa vì bản thân Chiara đã thực sự rất tài năng.
Công việc của tôi ở cuộc thi này, không phải là tìm kiếm một quán quân, tôi đã xác định từ đầu là không để các em bé của mình phải tranh đấu bất kỳ điều gì mà để các em tự tìm thấy chính mình.
Với Chiara, sở dĩ tôi nhận xét bé đã “tốt nghiệp rồi” là vì cô bé đã tự sáng tác, chơi được nhạc cụ, thậm chí hát được những nốt cao mà có thể người lớn không làm được. Chỉ có những người có học về âm nhạc, luyện thanh dữ dội lắm mới có thể hát được như Chiara, người lớn chỉ lên tới nốt rê nốt sol nốt mi thôi nhưng bé đã lên được tới nốt sol nốt la rồi.
Và, một người tài năng như vậy thì không cần phải thi thố gì nữa, cuộc thi chỉ dành cho những bé chưa tìm thấy chính mình, còn là ẩn số. Tôi lấy ví dụ đơn giản như việc cho học sinh lớp 12 đi thi thố với các bé mới lớp 5, lớp 6 thì sẽ như thế nào?
Với tài năng của mình, Chiara phải tiết kiệm thời gian để rèn luyện bản thân làm những chuyện lớn hơn chứ không phải là dự thi và tranh thủ sự bình chọn nữa.
Tại sao phải bắt một đứa trẻ thi thố và biến hoá hơn nữa trong một cuộc thi khi bé đã biết được con đường đi của mình như thế nào, là một ca sĩ – nhạc sĩ chính là con đường tương lai của bé, và nếu phải dành thêm thời gian cho thi cử thì sẽ để uổng phí tài năng đó.
Đó không phải là con đường dành cho em, bây giờ là thời gian để bé bắt đầu đi học về những khả năng còn tiềm ẩn của mình, đó chính là sáng tác, sản xuất âm nhạc.
- Lời nhận xét như vậy của bạn trên sóng truyền hình đã tạo ra nhiều hiểu lầm cho rằng “chương trình không đủ tầm cho Chiara”...
Khán giả thì sẽ luôn thắc mắc, nếu mình cứ giải thích thì sẽ có 2- 3 luồng ý kiến, tôi không thể cứ phải đi giải thích chuyện người khác nghĩ gì được. Xin đừng “xuyên tạc” câu nói của tôi thành nói chương trình không tốt, tôi không có ý đó, tôi chỉ muốn đem những điều tốt nhất cho các em bé của tôi.
Sau đêm liveshow 4, bé Chiara đã có gặp tôi và chia sẻ rằng: “Những gì cô nói, cũng là những điều mà con đã suy nghĩ, con cám ơn cô rất nhiều”, và may mắn là 2 cô trò đã cùng nhìn thấy một quan điểm với nhau. Bé cũng tâm sự rằng thời gian tới bé sẽ sang Mỹ du học, học thêm về ngành âm nhạc.
Tôi không đưa ra quan điểm cá nhân của mình, không bắt người ta hiểu theo ý của mình, vì đây là câu chuyện của những người trong cuộc, chỉ có 2 cô trò mới hiểu được rõ ràng nhất thôi.
Chứ bây giờ đem ra một thước đo chung, hỏi tôi vì sao tài năng lại loại, tôi không loại chỉ chia sẻ rằng người biết yêu là người biết cho đi chứ không phải ích kỷ giữ bên mình.
- Nhưng tiêu chí của "The Voice Kids" rõ ràng là tìm kiếm giọng hát tài năng nổi bật, nếu Chiara đã tài năng như thế phải chăng bạn vừa lỡ ra một quyết định đáng tiếc dành cho thí sinh có cơ hội trở thành quán quân trong đội mình?
Nếu như tiếc tôi đã không làm như vậy mà sẽ thực hiện một cách khác. Thực ra, quyền của HLV trong cuộc chơi này là rất lớn, muốn cứu ai, trao bài cho ai đều do HLV quyết định cả. Quan điểm của tôi khi tham gia chương trình này, cũng như lúc giáo dục các bé là: “Các con phải tìm được chính mình”.
Chuyện quán quân chỉ là bước khởi đầu, tôi luôn tin vào câu chuyện của những người về thứ 2, thứ 3 hoặc ra đi giữa cuộc thi, hãy nhìn vào những tấm gương đã từng bước ra khỏi các cuộc thi ở những vị trí ấy, họ còn có nhiều bứt phá hơn cả những người có ngôi vị cao nhất.
Vấn đề không phải là ngôi vị nào, mà là bạn làm gì sau đó. Tôi rất tin tưởng vào những đứa trẻ đã phải dừng lại ở những vòng thi trước: Chiara, Milana, Hoàng Minh, ... đó là những đứa trẻ quá tài năng.
Các bé đã có sẵn tố chất, cần nhất là một người nâng đỡ, không phải chỉ riêng mình tôi mà rất nhiều yếu tố khác để giúp các bé toả sáng với đam mê.
Ví dụ như “Giọng hát Việt nhí” đã cho các em một sân khấu hoành tráng để các em trình diễn, tôi cho các em kiến thức... và cần thêm nhiều điều nữa để các em mới hội tụ đủ yếu tố để trở thành một nghệ sĩ. Tôi rất tin vào thế hệ này.
- Một trong những thí sinh sáng giá của mùa giải năm nay là Thuỵ Bình – đội Vũ Cát Tường, vậy nếu "cậu bé dân ca" cũng bị rơi vào vòng nguy hiểm phải đối diện với “chọn – loại” phải chăng bạn cũng quyết định cho bé ra đi như với Chiara?
Nếu điều này xảy ra thì đây là một bài toán khác, bởi mỗi đứa trẻ có khả năng khác nhau, điều tôi cố gắng là dồn hết tâm huyết cho các bé ở những điều giúp các bé toả sáng nhất.
Không thể so sánh được trường hợp của Chiara và Thuỵ Bình. Tôi có thể thức trắng đêm để chọn bài cho Bình nhưng lại phải mất 3-4 tháng để sửa bài cho Chiara, và truyền lửa sáng tác cho cô bé ấy.
Tôi không tự nhiên mà nói với Chiara rằng con đã “tốt nghiệp”, bởi không phải bé nào tôi cũng nói như vậy, tôi xem việc các bé đến với mình là cùng nhau “lên núi tu luyện”, bé nào đã được đến ngưỡng cần xuống núi để giúp cho cuộc đời thì mới gọi là tốt nghiệp.
Bạn thấy đó, không phải em bé nào tôi cũng bảo đã “tốt nghiệp” vì thực sự khả năng của bé chưa đến, còn những bé đang ở lại với tôi là những viên ngọc cần được mài dũa thêm để rồi sau khi thành công, bé sẽ đi xuống núi cùng người chị. Tôi chỉ quan điểm đơn giản như vậy mà thôi.
Xin cảm ơn Vũ Cát Tường!
Clip: Thí sinh "Giọng hát VIệt nhí" bị loại vì "quá tài năng"
Bình luận